Đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp: Vì sao chưa thu hút được người học?

05:11, 16/11/2023

 Nông nghiệp phát triển đã đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế đất nước. Thế nhưng bên cạnh những thành tựu, vẫn bộc lộ những điểm hạn chế: tỷ lệ, chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực nông nghiệp được đào tạo vẫn còn thấp, nhiều trường nông, lâm, thủy sản vẫn khó tuyển sinh.

 

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Từ hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu nông sản. Nông nghiệp phát triển đã đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế đất nước.

Thế nhưng bên cạnh những thành tựu, vẫn bộc lộ những điểm hạn chế: tỷ lệ, chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực nông nghiệp được đào tạo vẫn còn thấp, nhiều trường nông, lâm, thủy sản vẫn khó tuyển sinh. Điều này đã và đang đặt ra thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp để phát triển bền vững.

Sinh viên học ngành nông nghiệp giảm

Theo ông Ngô Hồng Giang- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông nghiệp-PTNT) đến nay trên cả nước có khoảng 50 cơ sở đào tạo ĐH có đào tạo các chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi. Bộ Nông nghiệp-PTNT có 4 cơ sở đào tạo ĐH và 28 trường CĐ.

Đến năm 2022, các cơ sở đào tạo của bộ đã đào tạo 38 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; 39 ngành đạo tạo thạc sĩ và 97 ngành đào tạo trình độ ĐH, 112 ngành đào tạo CĐ và 122 ngành trung cấp.

Trong thời gian qua, bằng các nguồn kinh phí khác nhau, các cơ sở đào tạo đã đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học nhờ đó chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng từng bước được cải thiện. Kết quả đã nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, góp phần quan trọng cho việc hoàn thiện chính sách quản lý, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, góp phần xây dựng nền móng đưa Việt Nam có vị trí cao trong số những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp còn bộc lộ một số khó khăn, thách thức như: tỷ lệ lao động ngắn hạn, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ trình độ sơ cấp trở lên được đào tạo còn chiếm tỷ lệ thấp, dưới 5%; tỷ lệ học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm hơn 30% so với giai đoạn 2011-2015.

Điều này đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ và sản xuất, chế biến, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp; đặc biệt là mục tiêu công nghiệp hóa- hiện đại hóa của ngành, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Ngô Hồng Giang cho rằng: Một phần do thu nhập của lao động trong ngành nông, lâm, thủy sản còn thấp, chỉ bằng khoảng 50% so với các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa ảnh hưởng đến tâm lý đề cao những ngành phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, một số trường còn tư duy bao cấp, chưa chủ động đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu người học và thị trường lao động.

Người học các ngành nông nghiệp chủ yếu là con, em nông dân sinh sống ở nông thôn, miền núi, vùng khó khăn. Cùng với đó, điều kiện làm việc trong ngành vất vả, vị thế kém hấp dẫn so với các ngành khác, thu nhập của lao động làm việc trong nông nghiệp thấp so với các ngành, nghề khác.

Thu nhập của lao động làm việc trong nông nghiệp vẫn còn thấp so với các ngành, nghề khác.
Thu nhập của lao động làm việc trong nông nghiệp vẫn còn thấp so với các ngành, nghề khác.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Hoàng Trọng Thủy, một chuyên gia về nông nghiệp, lấy ví dụ cùng đào tạo ở bậc ĐH với 4 năm nhưng công tác tại các trường, viện nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp với mức lương lại chỉ bằng khoảng 50,2-55% so với các ngành nghề khác khiến ngành nông nghiệp khó thu hút được người học.

Bà Đinh Phương Hồng- Giám đốc nhân sự khu vực miền Bắc, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, cho biết: Mỗi tháng, nhu cầu tuyển dụng của công ty khoảng 70-80 lao động có chuyên môn làm việc tại các trang trại gồm các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, chế biến... nhưng thực tế công ty mới tuyển được khoảng 20-40 người.

Chất lượng nguồn nhân lực- yếu tố sống còn để nông nghiệp phát triển bền vững

Bà Nguyễn Thị Lan- Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết: Từ năm học 2017-2018 đến nay, học viện đã hợp tác, đưa gần 6.000 sinh viên đến hơn 200 doanh nghiệp và hơn 50 viện nghiên cứu để thực tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp mỗi năm.

Hợp tác giữa trường đào tạo trong đó có trường ĐH với doanh nghiệp là sự sống còn để nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo giữa đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực.

Cũng từ sự hợp tác giữa trường với doanh nghiệp, nhờ đó chất lượng đào tạo của trường đã được nâng lên sát với yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động. Tuy nhiên, đôi khi sự hợp tác của một số doanh nghiệp với nhà trường chưa chặt chẽ, chưa sát với thực tiễn.

Theo ông Nguyễn Trung Anh- Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển bền vững, Công ty CP Tập đoàn PAN, tập đoàn đa ngành, 10.000 lao động tại trụ sở nhà máy. Nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm có 15 trung tâm nghiên cứu tại các vùng.

Nguồn nhân lực phân bố không đồng đều, đặc biệt là đối với vùng sâu vùng xa. Thiếu các sinh viên theo học các ngành kỹ thuật... tập đoàn sẵn sàng tiếp nhận cam kết nhận sinh viên thực tập, thậm chí trả lương cho sinh viên từ năm thứ 3 nếu đến doanh nghiệp thực tập.

Đánh giá về vai trò của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đối với ngành nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định:

Đây vừa là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của ngành, vừa là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nông nghiệp.

Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp-PTNT đề ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước.

Đến năm 2030, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản từ 4,6% năm 2020 lên 10% vào năm 2030.

Các cơ sở đào tạo thuộc bộ tuyển sinh bình quân hàng năm: 200 nghiên cứu sinh; 2.500 học viên cao học; 20.000 sinh viên ĐH; 8.000 sinh viên CĐ, 20.000 học sinh trung cấp và 40.000 học sinh sơ cấp.

Để đạt được các mục tiêu này, thời gian tới bộ sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp, sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành.

Đồng thời, triển khai thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và phối hợp thực hiện các chương trình dự án có liên quan của bộ. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, nghiên cứu và mở rộng mô hình thí điểm đào tạo nhân lực nông nghiệp trình độ trung cấp trong các trường CĐ của bộ theo mô hình Nhật Bản dành cho học sinh hết THPT.

Về giải pháp thu hút, khuyến khích người vào học các trường, ngành nông nghiệp trong thời gian tới, theo ông Hoàng Trọng Thủy, Đảng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người học nông nghiệp như đối với ngành sư phạm hiện nay. Đối với các trường, học viện nông, lâm, thủy sản để nâng chất lượng đào tạo và có sức hấp dẫn, thu hút người học trước tiên phải đổi mới chương trình dạy học, học đi đôi với thực hành.

Đồng thời quan tâm, chú trọng liên kết với các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất chế biến nông, lâm, thủy sản lớn để đào tạo theo địa chỉ, theo “đơn đặt hàng”, đạt hiệu quả cao gắn đào tạo với sử dụng, tuyển dụng lao động...

Hy vọng với những giải pháp của Bộ Nông nghiệp-PTNT đã và đang tích cực triển khai thực hiện sẽ sớm giải “cơn khát” trong đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng tăng, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Bài, ảnh: HÀ VĨNH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh