
Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và UBND tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2023, ngành ngân hàng tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức triển khai đầy đủ và kịp thời các cơ chế chính sách có liên quan đến hoạt động ngân hàng trên địa bàn về lãi suất, huy động vốn, tín dụng, thanh toán, các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn...
Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và UBND tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2023, ngành ngân hàng tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức triển khai đầy đủ và kịp thời các cơ chế chính sách có liên quan đến hoạt động ngân hàng trên địa bàn về lãi suất, huy động vốn, tín dụng, thanh toán, các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn...
Đáng chú ý, các giải pháp điều hành kéo giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng với chi phí thấp hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long xoay quanh nội dung này, ông Lý Nhật Trường- Giám đốc NHNN chi nhánh Vĩnh Long, cho biết:
![]() |
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do tác động của tình hình thế giới, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, thực hiện các biện pháp điều hành để từng bước giảm mặt bằng lãi suất, các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện từ 5-7 lần giảm lãi suất huy động và cho vay. Đến tháng 9/2023, lãi suất huy động đa số các ngân hàng thương mại giảm về mức cao nhất phổ biến khoảng 6,5%/năm, lãi suất cho vay giảm từ 1-1,5 %/năm so với cuối năm 2022 tùy theo đối tượng khách hàng, trong đó một số gói tín dụng cụ thể có mức lãi suất giảm cao hơn. Và các giải pháp giảm lãi suất cho vay sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt trong thời gian tới.
Huy động vốn tiếp tục duy trì tăng trưởng, đến 29/9/2023, số dư huy động vốn đạt 49.513 tỷ đồng, tăng 6,58% so với đầu năm. Dư nợ cho vay tuy tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, nhưng cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hợp lý của người dân và DN trên địa bàn. Dư nợ cho vay đạt 44.188 tỷ đồng, tăng 5,44% so với đầu năm.
Hiện các biện pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng của nền kinh tế từng bước phát huy hiệu quả, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng tăng mạnh từ tháng 9/2023.
* Thực hiện các chủ trương của Chính phủ, NHNN và chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, các TCTD đã triển khai các chương trình gì để hỗ trợ người dân, DN phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, thưa ông?
- Trong thời gian qua, các TCTD đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình để hỗ trợ người dân, DN. Bên cạnh việc thực hiện giảm lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động để tạo dư địa giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Các chi nhánh TCTD sớm được hội sở giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023, với tổng mức giao tính chung toàn tỉnh tăng khoảng 16% so với đầu năm và đáp ứng tốt cho mục tiêu tăng trưởng GRDP 6% theo kế hoạch của tỉnh. Cùng với nguồn vốn huy động duy trì tăng trưởng nên hệ thống các TCTD đảm bảo nguồn vốn và room tín dụng để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn.
Tiếp theo, các TCTD đang triển khai quyết liệt chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Tích cực triển khai các chương trình tín dụng chuyên đề của Chính phủ, của ngân hàng như: triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP; chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1-2 %/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay, thời gian triển khai đến hết 30/6/2024…
Đồng thời, các TCTD đã rất quyết liệt trong việc cải cách thủ tục hành chính, giảm phí, ứng dụng công nghệ để đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận dịch vụ.
* Có ý kiến cho rằng nguồn vốn ngân hàng thương mại hiện nay đang dư thừa, nhưng khả năng hấp thụ của các DN, nền kinh tế rất thấp, vì sao có thực trạng này, thưa ông?
- Việc giảm lãi suất cho vay từng bước phát huy tác dụng là tốc độ tăng trưởng tín dụng từng bước được cải thiện, nhưng để tín dụng tăng trưởng bền vững cần có sự đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và tình hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, xuất khẩu và giải ngân đầu tư công... của nền kinh tế. Vì thế, cũng rất cần các giải pháp tổng thể của các ngành để tăng khả năng hấp thu vốn tín dụng của nền kinh tế.
Tăng trưởng tín dụng cả nước nói chung và của Vĩnh Long nói riêng tăng chậm và thấp hơn cùng kỳ năm 2022. Ngoài nguyên nhân các khách hàng có nhu cầu vốn nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định của các TCTD về phương án sản xuất kinh doanh, dòng tiền trả nợ, tài sản thế chấp, nhất là các DN bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch COVID-19 đã được các TCTD cơ cấu lại nợ nhưng vẫn chưa phục hồi, thua lỗ kéo dài... Thì nguyên nhân chủ yếu là do tình hình sản xuất, tiêu thụ hàng hóa của DN gặp khó khăn, thiếu đơn hàng nên nhu cầu vốn không cao; nhu cầu vay tiêu dùng, vay phục vụ đời sống của người dân giảm do việc làm, thu nhập giảm, thị trường bất động sản gặp khó khăn...
* Như vậy trong thời gian tới, NHNN sẽ có đề xuất những giải pháp gì để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và hỗ trợ tín dụng cho DN, thưa ông?
- Trong thời gian tới, về phía NHNN tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp về lãi suất, tín dụng, nguồn vốn, các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN và UBND tỉnh. Trong đó, NHNN tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng với sự tham gia của các sở, ngành có liên quan để thực hiện nhiệm vụ chính là thúc đẩy tín dụng trên địa bàn.
Theo đó, đối với các TCTD cần chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng vay, phân khúc khách hàng vay; đơn giản hóa thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian tiếp cận vốn cho DN, tiết giảm chi phí giảm lãi suất cho vay; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng. Tăng cường việc truyền thông chính sách…
Đối với các DN cần chủ động phối hợp với TCTD cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động DN để các TCTD có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đối với các sở, ngành, địa phương cần tích cực triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của ngành, của UBND tỉnh trong việc thúc đẩy, hỗ trợ nền kinh tế về sản xuất, kinh doanh, thị trường, cũng như các giải pháp kích cầu, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công... để tăng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!
TRẦN PHƯỚC (thực hiện)