
UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch (QH) xây dựng vùng huyện Vũng Liêm và huyện Trà Ôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
 |
Một góc TT Vũng Liêm. |
UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch (QH) xây dựng vùng huyện Vũng Liêm và huyện Trà Ôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các huyện; sử dụng có hiệu quả nguồn lực; liên kết đô thị (ĐT) và các điểm dân cư nông thôn, đảm bảo phát triển cân bằng hài hòa giữa ĐT và nông thôn; đảm bảo tính ổn định, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vũng Liêm: vùng trọng tâm phát triển đô thị phía Đông
Theo quyết định phê duyệt nhiệm vụ QH xây dựng vùng huyện Vũng Liêm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi, ranh giới lập QH bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Vũng Liêm với diện tích tự nhiên là 309,60km², có 1 thị trấn (TT Vũng Liêm) và 19 xã.
Tính chất vùng là vùng trọng tâm phát triển ĐT phía Đông của tỉnh Vĩnh Long; là vùng phát triển nông nghiệp chuyên canh chất lượng cao; vùng phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dọc sông Cổ Chiên; là trung tâm du lịch, văn hóa, sinh thái sông nước miệt vườn.
Là trung tâm của huyện, thời gian qua, TT Vũng Liêm được quan tâm đầu tư một số công trình hạ tầng trọng điểm như đường Phong Thới, kè sông, đường Rạch Trúc, công viên… Bên cạnh, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường nội ô chưa đạt chuẩn lên 7,5m, có vỉa hè và hệ thống chiếu sáng. Cùng với đó, còn được đầu tư khu ĐT mới, khu thương mại dịch vụ, nâng cấp đường nội bộ chợ… Việc đầu tư các công trình nhằm tạo diện mạo khang trang, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội, đưa thị trấn lên ĐT loại IV.
Hướng mắt ra chiếc cầu bê tông nối với tuyến đường nhựa Phong Thới, dì Nóc Thị Vân ở ấp An Nhơn (xã Trung Thành) cho biết: “Trước đây đường đất sình lầy, giờ thì đường đan, lộ nhựa, xe chạy tới nhà. Bước ra khỏi nhà là có chợ, công viên, quảng trường, nhà văn hóa…
Mỗi sáng, mỗi chiều bà con rủ nhau đi tập thể dục vừa vui vừa thêm khỏe”. Cũng vui mừng với tuyến đường rộng mở ông Sơn Ngọc Hiếu- người dân của TT Vũng Liêm, nói: “Đường sá mở ra, thông thương đi các nơi như vậy là mơ ước của người dân bấy lâu nay. Tôi mong thị trấn được đầu tư nhiều hơn để phát triển mạnh, góp phần vào sự phát triển của huyện”.
Trà Ôn: huyện cửa ngõ phía Đông Nam
Tháng 10/2023, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ QH xây dựng vùng huyện Trà Ôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi lập QH bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Trà Ôn (gồm 1 thị trấn và 13 xã) với tổng diện tích tự nhiên khoảng 267,14km².
Tính chất vùng là huyện ở khu vực cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh; là huyện phát triển bền vững trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và phát triển ĐT bền vững. Theo đó, đề xuất phát triển không gian vùng huyện trên cơ sở QH tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh cũng như huyện Trà Ôn. Bên cạnh, đề xuất mô hình phát triển không gian vùng, phân vùng phát triển.
Định hướng phát triển không gian vùng trên cơ sở phân vùng chức năng (các vùng phát triển công nghiệp, du lịch, thương mại- dịch vụ, các vùng sản xuất nông nghiệp...). Cùng với đó, phân bố các khu vực dịch vụ thương mại mang tính chất vùng, có liên kết với trung tâm của TX Bình Minh và các huyện: Tam Bình, Bình Tân và các trung tâm ĐT lân cận như tỉnh Trà Vinh, TP Cần Thơ,…
Mặt khác, đề xuất tổ chức không gian ĐT, phân loại ĐT, lựa chọn hình thái, cấu trúc, chức năng và quy mô các ĐT, trong đó trọng tâm là ĐT TT Trà Ôn; xác định các giải pháp liên kết giữa các ĐT như: TT Trà Ôn, Hựu Thành, trung tâm các xã, các trung tâm chuyên ngành… Giải pháp liên kết về tổ chức hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, quản lý và khai thác các vùng phát triển…
Đánh giá và đề xuất các điểm dân cư tập trung có khả năng ĐT hóa hoặc các ĐT mới có khả năng hình thành trên địa bàn huyện.
Đồng thời, phân bố các cơ sở du lịch, vui chơi, giải trí mang tính chất vùng: phát triển du lịch vùng sông nước, du lịch sinh thái dọc sông Măng Thít, sông Hậu. Phân bố các khu vực tổ chức cây xanh, TDTT,… Phân bố vùng nông nghiệp sạch, chất lượng cao, khai thác và phát triển vùng chăn nuôi, thủy sản phù hợp theo các QH của ngành nông nghiệp, QH tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh cũng như của huyện Trà Ôn…
 |
TT Trà Ôn hướng đến phát triển hiện đại. |
Việc QH xây dựng vùng huyện nhằm cụ thể hóa các khu vực phát triển ĐT và các khu dân cư nông thôn trên địa bàn huyện phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, bảo vệ cảnh quan môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Đồng thời, làm cơ sở triển khai lập QH ĐT, QH xây dựng khu chức năng, QH xây dựng nông thôn, xây dựng chương trình phát triển ĐT của tỉnh, hoạch định các chính sách phát triển, quản lý ĐT và các khu vực nông thôn, các khu vực phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp... và hệ thống các công trình chuyên ngành, đảm bảo vùng huyện phát triển hài hòa và bền vững, tạo cơ hội thu hút đầu tư.
UBND tỉnh vừa phê duyệt đồ án QH xây dựng vùng huyện Tam Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các tháng cuối năm 2023, Sở Xây dựng tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong lập QH chung nông thôn xây dựng xã giai đoạn mới và hướng dẫn các chỉ tiêu thực hiện xây dựng NTM và NTM nâng cao. Bên cạnh, tiếp tục hỗ trợ các huyện Mang Thít, Trà Ôn, Long Hồ, Vũng Liêm trong việc lập QH xây dựng vùng huyện. Đồng thời, tiếp tục thực hiện số hóa hồ sơ giấy các đồ án QH xây dựng; QH ĐT được cấp thẩm quyền phê duyệt và công khai lên Cổng thông tin QH xây dựng, QH ĐT Việt Nam; trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng.
|