
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long về định hướng kiến tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển KTTN, doanh nghiệp (DN) cả về số lượng, quy mô, chất lượng, phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực.
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngày 22/8/2017, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU.
Qua 6 năm thực hiện, các quan điểm về phát triển KTTN tại Nghị quyết số 10-NQ/TW được tỉnh quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ, xuyên suốt và đã đạt những kết quả nhất định.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long về định hướng kiến tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển KTTN, doanh nghiệp (DN) cả về số lượng, quy mô, chất lượng, phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực.
 |
Ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long. |
* Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của tỉnh Vĩnh Long trong việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW. Thời gian vừa qua, tỉnh đã có những kế hoạch cụ thể nào để hỗ trợ phát triển KTTN, thưa ông?
- Các quan điểm về phát triển KTTN tại Nghị quyết số 10-NQ/TW được tỉnh quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ, xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là cơ cấu lại kinh tế của tỉnh gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã cụ thể hóa thành các mục tiêu tại Chương trình số 16-CTr/TU. Trong giai đoạn 2017-2022, bình quân mỗi năm tỉnh phát triển mới được 350 DN, cơ bản đạt mục tiêu phát triển DN (300 DN/năm).
Đến năm 2022, vốn thực hiện trên địa bàn của khu vực KTTN đạt 1.380,9 tỷ đồng, chiếm 8,34% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và GRDP của KTTN chiếm khoảng 15,1% tổng GRDP của tỉnh.
Năng suất lao động xã hội giai đoạn 2017-2022 tăng bình quân 12,67 %/năm. Cũng giai đoạn này, có 107 DN thực hiện các hoạt động đổi mới, sáng tạo. Bình quân mỗi năm có khoảng 18 DN thực hiện các hoạt động đổi mới, sáng tạo chiếm khoảng 3,3% tổng số DN đang hoạt động.
Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng một số chỉ tiêu của chương trình chưa đạt mục tiêu theo lộ trình đề ra về tăng số lượng DN, quy mô của các chủ thể kinh tế chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, phần lớn hoạt động phi chính thức. Năng lực quản trị, tài chính và năng lực cạnh tranh thấp, phát triển thiếu bền vững và dễ bị tác động khi thị trường biến động bất lợi.
 |
Vĩnh Long từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng.Ảnh: TRẦN PHƯỚC |
* Thông qua việc triển khai thực hiện nghị quyết này, tỉnh đã có những kế hoạch, chiến lược gì để thống nhất nhận thức, tư tưởng trong triển khai các quyết sách về KTTN, thưa ông?
- Trên cơ sở các chủ trương, chính sách về phát triển KTTN, đặc biệt Luật Đầu tư, Luật DN và một số luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh được điều chỉnh, có hiệu lực bắt đầu từ năm 2020, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, rà soát tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các thể chế, chính sách, các quy định phù hợp với phân cấp của địa phương.
Đồng thời, các ngành cũng chủ động tham mưu kiện toàn các BCĐ, hoàn thiện các quy chế phối hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thống nhất nhận thức, tư tưởng, hoạt động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển KTTN tại địa phương.
Nhằm phát huy thế mạnh và tiềm năng to lớn của KTTN trong phát triển kinh tế- xã hội, tỉnh đã quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho các công tác xúc tiến đầu tư gắn kết với hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch.
Các mục tiêu, tiêu chí mời gọi hợp tác đầu tư trong kế hoạch hàng năm thường xuyên được rà soát, điều chỉnh phù hợp với việc tổ chức lại không gian phát triển theo quy hoạch, định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công thương và đặc biệt là gắn với việc ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu và các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.
* Từ nhận thức đó, tỉnh Vĩnh Long đã làm gì để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển KTTN, thưa ông?
- Vĩnh Long đã cụ thể hóa và tập trung thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, liên tục các nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển DN, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, tập trung vào việc cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể là:
(1) Xác định việc cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX là một trong những nội dung quan trọng, được ưu tiên triển khai thực hiện trong kế hoạch hàng năm.
(2) Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình hành động của Trung ương, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nghị quyết của HĐND tỉnh; tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, xác định rõ trách nhiệm, tiến độ hoàn thành từng nhiệm vụ, tạo chuyển biến rõ nét trong từng ngành, lĩnh vực.
(3) Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, tăng tiện ích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN.
Thực hiện kiên trì, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiện đại hóa hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa các cấp trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến để giải quyết trực tuyến đối với các thủ tục hành chính; nắm bắt thông tin cũng như quá trình giải quyết thủ tục hành chính để kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa hành vi vi phạm trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, DN.
(4) Tiếp tục rà soát, kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện gắn với việc cơ cấu lại vị trí việc làm, đảm bảo đúng người, đúng việc, đúng quy định.
(5) Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra liên quan đến DN theo đúng quy định, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo gánh nặng tâm lý đối với người dân và DN. Xử lý nghiêm những cán bộ công chức có hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu DN, người dân. Đồng thời, tỉnh rất quan tâm hỗ trợ KTTN đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.
Cùng với việc triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách, chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương về điều kiện kinh doanh, tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và tỷ lệ thanh toán điện tử. Tăng cường mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng.
Đồng thời, tỉnh chú trọng thực hiện xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, góp phần tích cực cho quá trình cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh tiếp tục lồng ghép, cân đối, bố trí khoảng 8.500 tỷ đồng cho xây dựng, nâng cấp các công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật.
* Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Vĩnh Long đã rút ra những bài học gì, thưa ông?
- Từ thực tiễn tại địa phương, Vĩnh Long có những bài học kinh nghiệm qua 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, cụ thể:
Một là, cần đổi mới nhận thức về vai trò, vị trí của KTTN ở các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó phải thống nhất và quán triệt triệt để tinh thần KTTN là một động lực quan trọng được thể hiện trong các chủ trương, đường lối, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh.
Hai là, phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện các chính sách liên quan đến phát triển KTTN, đặc biệt là các quy định về hỗ trợ DN nhỏ và vừa; triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KTTN đã đặt ra. Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát triển đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, có tư tưởng chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao.
Ba là, các đơn vị KTTN phải thực sự nỗ lực vận động, cập nhật và nắm vững các quy định hiện hành của Nhà nước để tuân thủ và hoạt động đúng pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
 |
Nguồn đầu tư nhà nước là nguồn vốn “mồi” để thu hút các nguồn lực xã hội. Ảnh: TRẦN PHƯỚC |
Bốn là, phải quán triệt nguồn lực từ khu vực tư nhân là một động lực cho phát triển; đồng thời, cần xác định rõ công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là nền tảng quan trọng để khuyến khích sự phát triển, đầu tư của khu vực KTTN.
Phát huy vai trò định hướng của đầu tư nhà nước để thu hút nguồn vốn đầu tư của xã hội, coi nguồn đầu tư nhà nước là nguồn vốn “mồi” để thu hút các nguồn lực xã hội, đầu tư của khu vực tư nhân vào nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!
TRẦN PHƯỚC (thực hiện)