
Ngày 14/10, nhịp chính của cầu Mỹ Thuận 2 chính thức hợp long, nối đôi bờ Vĩnh Long và Tiền Giang. Từ đây, công trình này sẽ tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thông giữa các tỉnh ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành và các vùng kinh tế khác, từng bước khơi thông nguồn lực phát triển cho Vĩnh Long và cả vùng.
 |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo hai tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Tiền Giang thực hiện nghi thức hợp long.Ảnh: TẤN TÂN |
Ngày 14/10, nhịp chính của cầu Mỹ Thuận 2 chính thức hợp long, nối đôi bờ Vĩnh Long và Tiền Giang. Từ đây, công trình này sẽ tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thông giữa các tỉnh ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành và các vùng kinh tế khác, từng bước khơi thông nguồn lực phát triển cho Vĩnh Long và cả vùng.
Tự hào công trình của người Việt Nam
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GT-VT), công trình cầu Mỹ Thuận 2 nối tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1) đã hợp long nhịp chính. Riêng các hạng mục còn lại của dự án sẽ hoàn thành trong tháng 12 và đưa công trình đi vào sử dụng.
Theo Công ty CP Xây dựng và lắp máy Trung Nam (Trungnam E&C)- thành viên của Trungnam Group- dự án hiện đã hoàn thiện kết cấu cầu và đã thực hiện hợp long nhịp chính. Cây cầu bắc qua sông Tiền là công trình trọng điểm khu vực Tây Nam Bộ giúp giải tỏa, kết nối giao thông vùng và rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đến vùng lõi kinh tế của ĐBSCL.
Đây là cây cầu dây văng đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế đến thi công.
Ông Phan Văn Quân- Chỉ huy trưởng Ban Điều hành Trungnam E&C tại dự án cầu Mỹ Thuận 2, cho biết: “Trong quá trình xây dựng, chúng tôi gặp không ít khó khăn, sông sâu, dòng nước chảy xiết, công trường không có đường ô tô tiếp cận, tất cả đều vận chuyển bằng đường thủy nên công tác tập kết, di chuyển vật tư, vật liệu từ bãi tập kết ra vị trí thi công gặp nhiều cản trở, phụ thuộc vào con nước rất nhiều, việc thi công trên cao rất nguy hiểm;… nhưng bằng kinh nghiệm và năng lực, chúng tôi đã kịp tiến độ chung, đáp ứng mọi tiêu chí kỹ thuật và an toàn, đồng thời tích cực thích ứng với các yêu cầu và biến động trong quá trình thi công”.
Một công nhân tên Nghị (quê Bạc Liêu) cho biết, anh đã làm rất nhiều công trình nhưng đây là lần đầu tiên anh tham gia thi công một cây cầu có quy mô và tầm quan trọng của vùng. Đặc biệt là cầu Mỹ Thuận 2 là cây cầu dây văng lớn nhất do chính những người Việt Nam thực hiện từ thiết kế đến xây dựng.
Ông Bùi Mạnh Hùng- Giám đốc Trungnam E&C, khẳng định: “Cầu Mỹ Thuận 2 là một trong những công trình trọng điểm đầu tiên tại khu vực Tây Nam Bộ mà đơn vị từng thực hiện. Tuy có các khác biệt địa chất và thực tế thi công công trình, nhưng đội ngũ Trungnam E&C đã hoàn thành rất tốt và nhận được sự đánh giá cao từ phía chủ đầu tư”.
Hợp long nhịp chính cầu Mỹ Thuận 2
Chiều 14/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự lễ hợp long nhịp chính cầu Mỹ Thuận 2, cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, đơn vị thi công đã vượt qua những khó khăn như: dịch bệnh COVID-19, tác động của giá vật liệu, xăng dầu tăng cao… để hoàn thành dự án trước thời hạn ít nhất một quý.
Cầu Mỹ Thuận 2 là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Bộ GT-VT phê duyệt. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi TP Cần Thơ, kết nối 2 tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận và Mỹ Thuận- Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang.
Sau khi hoàn thành, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ nối thông tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh về Cần Thơ, góp phần giải tỏa áp lực giao thông ở cầu Mỹ Thuận 1 trên tuyến QL1, tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thương giữa các tỉnh vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế khác, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội của khu vực…
|
Khơi động nguồn lực phát triển
Theo Trungnam E&C, giai đoạn 2022-2023, có 3 cầu quy mô lớn tại ĐBSCL được sự quan tâm lớn từ Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương là: cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang- Vĩnh Long), cầu Rạch Miễu (Tiền Giang- Bến Tre) và cầu Đại Ngãi (Sóc Trăng- Trà Vinh), với tổng mức đầu tư hơn 18.200 tỷ đồng.
Với thực tế gia tăng nhu cầu giao thông và cấp bách của quá trình đô thị hóa từ vùng lõi ĐBSCL, cầu Mỹ Thuận 2 trở thành dự án hạ tầng chiến lược khi giải tỏa và kết nối 2 vùng kinh tế lớn của khu vực. Đồng thời là thúc đẩy sự phát triển của xã hội và tăng tính bền vững cho kinh tế tương lai.
 |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, đơn vị thi công đã vượt qua những khó khăn để hoàn thành dự án trước thời hạn.Ảnh: TẤN TÂN |
Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là 1 trong 12 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Cầu trên trục đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, kết nối 2 tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận và Mỹ Thuận- Cần Thơ, nối liền Vĩnh Long và Tiền Giang.
Theo kế hoạch, cuối năm 2023, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Việc có cầu và đường mới phá thế độc đạo của QL1 và cầu Mỹ Thuận hiện hữu. Đặc biệt, hai mảnh ghép này còn góp phần hình thành tuyến cao tốc thông suốt, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ.
Chia sẻ với Báo Vĩnh Long trước đó, ông Đinh Quang Huy- Phó Giám đốc Sở GT-VT, chia sẻ, việc Trung ương đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Ngoài ra, việc dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023 cũng sẽ mở ra tiềm năng phát triển hệ thống logistics không chỉ riêng Vĩnh Long mà còn của cả ĐBSCL.
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cho biết, tiềm năng và khả năng thu hút đầu tư giao thông, nhất là hệ thống logistics của tỉnh trong thời gian tới là tương đối lớn. Để dần hình thành và phát triển chuỗi logistics nội vùng và kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung quy hoạch phát triển luồng vận tải đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội tỉnh.
 |
Cầu Mỹ Thuận 2 là niềm tự hào của người Việt Nam. Ảnh: TẤN TÂN |
Đồng thời phát triển luồng hàng hóa liên tỉnh thông qua các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường thủy nội địa, tương lai là các tuyến đường sắt nhằm kết nối các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước. Đặc biệt là phát triển hệ thống cảng biển, luồng hàng hải sông Tiền, sông Hậu cho các tàu có tải trọng lớn, thuận lợi vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển xuất khẩu nông, thủy sản…
Ảnh: HÙNG HẬU
Sáng 15/10, tại huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng (ảnh). Cầu Đại Ngãi dài hơn 15km với số vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2026 và sẽ phá thế “độc đạo” của QL1, tạo kết nối giao thông giữa các tỉnh ven biển ĐBSCL, rút ngắn cự ly từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng lên TP Hồ Chí Minh khoảng 80km, giảm 1,5-2 giờ so với đi phà vượt sông Hậu. Công trình cũng có vai trò quan trọng trong đảm bảo quốc phòng- an ninh khu vực ven biển phía Nam.
|
KHÁNH DUY