Thông tin dừng hoạt động phà An Bình: Sẽ sớm có phương án sắp xếp di dời về bến mới

07:09, 22/09/2023

UBND TP Vĩnh Long vừa có thông báo đến Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Long Hồ, Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long và UBND Phường 1 về việc chấm dứt hoạt động bến khách ngang sông An Bình. Bến này được xác định nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở nên buộc phải dừng hoạt động. 

 

Phạm vi hoạt động của bến khách ngang sông nằm trong khu vực cảnh báo nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Ảnh: HÙNG HẬU
Phạm vi hoạt động của bến khách ngang sông nằm trong khu vực cảnh báo nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Ảnh: HÙNG HẬU

UBND TP Vĩnh Long vừa có thông báo đến Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Long Hồ, Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long và UBND Phường 1 về việc chấm dứt hoạt động bến khách ngang sông An Bình.

Bến này được xác định nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở nên buộc phải dừng hoạt động. Hiện thời gian chấm dứt cụ thể chưa có, người dân mong muốn có thông tin sớm về thời gian cụ thể dừng hoạt động, hay việc có dời bến và dời đi đâu để có phương án lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Nguyên nhân việc dừng hoạt động phà An Bình (phà ngang nối 4 xã cù lao của huyện Long Hồ với TP Vĩnh Long) là nhằm đảm bảo công tác phòng chống sạt lở dựa theo tinh thần của Quyết định số 1944/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp, có nguy cơ sụp lún, sạt lở bờ sông Cổ Chiên và sông Long Hồ (đoạn từ bến phà An Bình đến giáp tuyến kè sông Long Hồ).

Theo quyết định này, UBND TP Vĩnh Long thông báo đến Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Long Hồ về việc chấm dứt hoạt động bến khách ngang sông An Bình thuộc địa phận Phường 1, TP Vĩnh Long. Theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Long Hồ, phà An Bình nối TP Vĩnh Long với xã An Bình (Long Hồ) có một bến thuộc Phường 1, TP Vĩnh Long. Bến này được xác định nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở nên buộc phải dừng hoạt động.

Phòng Kinh tế hạ tầng của huyện Long Hồ cũng đã báo cáo UBND huyện trình xin ý kiến UBND tỉnh về việc tạm dừng hoạt động bến phà An Bình. Qua đó UBND tỉnh sẽ có chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn cấp đầu tư bến phà tạm An Bình phía bờ TP Vĩnh Long. Đồng thời cũng sẽ có kiến nghị cụm phà Vàm Cống chỉ đạo phà Đình Khao tăng cường số chuyến và thời gian chạy, khi phà An Bình ngừng hoạt động.

Theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Long Hồ, thông báo của UBND TP Vĩnh Long không nêu rõ thời gian chính thức chấm dứt hoạt động phà An Bình, tuy nhiên, để đảm bảo thông tin đến người dân, tránh gây hoang mang trong xã hội, việc chấm dứt hoạt động bến phà An Bình sẽ thông báo trước để người dân được biết, nhằm đảm bảo đi lại, lưu thông hàng hóa cũng như có phương án để lưu thông từ các xã thuộc cù lao của huyện Long Hồ về đất liền…

Theo ghi nhận, nhiều người dân phản ánh, phà An Bình hoạt động trong vùng nguy cơ sạt lở cao, có thể gây mất an toàn. Bến bãi không đủ tiêu chuẩn, nhỏ hẹp và xuống cấp. Ngoài ra, việc quản lý lỏng lẻo, mất kiểm soát cũng khiến cho một bộ phận người dân khi đi trên phà còn được vô tư đứng ở mỏ bàn phà, chen lấn gây mất ATGT thủy, hành khách không mặc áo phao theo quy định… Thậm chí phà còn nhận vận chuyển ô tô các loại, trong khi ngành chức năng không cho phép và có biển cấm.

Bến phà An Bình mỗi ngày vận chuyển rất nhiều hành khách và xe qua lại ngang sông. Đây cũng là điểm thường phục vụ khách du lịch đến với 4 xã cù lao An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Đồng Phú. Nếu phà An Bình dừng hoạt động, người dân, xe có thể đổi hướng di chuyển sang phà Đình Khao nằm trên tuyến Quốc lộ 57, thuộc huyện Long Hồ. Tuy nhiên tuyến đường này xa hơn so với đi phà An Bình.

Bà Nguyễn Thị Hoa (ở xã An Bình) cho biết, mỗi ngày thường qua lại trên phà vài lượt để mua bán. Nếu thông tin chấm dứt hoạt động phà thì cần cụ thể thời gian để người dân biết. Đồng thời cũng mong muốn các ngành chức năng sắp xếp bến mới ở TP Vĩnh Long, vừa đảm bảo an toàn vừa để người dân các xã cù lao thuận tiện việc đi lại.

Trong khi đó, một tiểu thương mua bán trái cây ở chợ Vĩnh Long cho biết, nếu bắt buộc phải di chuyển theo hướng phà Đình Khao thì sẽ ảnh hưởng đến giá thành của các loại trái cây từ xã An Bình. “Tuy ảnh hưởng giá không nhiều nhưng sẽ không thuận lợi cho việc mua bán, giao thương hàng hóa như trước”- tiểu thương này chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long- Đặng Minh Quân cho biết, bến phà An Bình thuộc UBND huyện Long Hồ quản lý nhưng có 1 bến ở địa bàn thành phố. Khi có Quyết định số 1944/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc công bố tình huống khẩn cấp, có nguy cơ sụp lún, sạt lở bờ sông Cổ Chiên và sông Long Hồ thì UBND TP Vĩnh Long ra thông báo với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Long Hồ. “Việc thông báo thời gian cụ thể chấm dứt hoạt động, di dời hoặc có kế hoạch, phương án sắp xếp di dời về bến mới sẽ do UBND huyện Long Hồ thông báo và quản lý”- ông Đặng Minh Quân thông tin.

Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày có khoảng 15.000 lượt người, gần 10.000 phương tiện các loại qua lại bến khách ngang sông An Bình- TP Vĩnh Long.  Ảnh: CÔNG NGÔN
Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày có khoảng 15.000 lượt người, gần 10.000 phương tiện các loại qua lại bến khách ngang sông An Bình- TP Vĩnh Long. Ảnh: CÔNG NGÔN

Cũng theo ông Đặng Minh Quân, thành phố cũng đã có quy hoạch bến phà mới thay thế bến phà An Bình hiện hữu (Phường 1, TP Vĩnh Long) sang địa bàn Phường 5. Qua đó đảm bảo an toàn tốt nhất cho người dân và tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thương.

Trên 593 tỷ đồng đầu tư sửa chữa kè sông Cổ Chiên

UBND tỉnh vừa phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sửa chữa kè sông Cổ Chiên (đoạn thuộc Phường 1, TP Vĩnh Long) từ tổng mức đầu tư 99,8 tỷ đồng lên 593,315 tỷ đồng.

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp-PTNT (thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT) quản lý, triển khai thực hiện từ năm 2023-2025. Trong đó, sẽ đầu tư gia cố chống xói lở lòng sông (chiều dài gia cố 480m), sửa chữa tường kè bị hư hỏng và hoàn trả hành lang kè đoạn từ cầu dẫn Nhà máy Nước Vĩnh Long đến vàm Long Hồ (dài 290m); xây dựng mới tuyến kè chống sạt lở bờ sông đoạn từ vàm Long Hồ đến giáp tuyến kè sông Long Hồ (dài 190m); đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật phía sau kè: đường giao thông, vỉa hè, hệ thống thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng…

Dự án nhằm chống xói lở lòng sông, đảm bảo ổn định cho tuyến kè và các công trình hạ tầng kỹ thuật sau kè; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân; ổn định sản xuất của người dân, doanh nghiệp và góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

TRUNG CHÁNH

CÔNG NGÔN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh