Ngày 25/9, Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam đã phát bản tin số 05- tin đột xuất nhận định mưa lũ trên lưu vực sông Mêkong và vùng ĐBSCL.
Lũ nội đồng ĐBSCL dự báo có xu thế tăng trong tuần tới và biến đổi mạnh theo triều. |
(VLO) Ngày 25/9, Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam đã phát bản tin số 05- tin đột xuất nhận định mưa lũ trên lưu vực sông Mêkong và vùng ĐBSCL.
Theo đó, dự báo diễn biến áp thấp nhiệt đới trong 24 đến 48 giờ tới vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc của khu vực giữa Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh.
Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7 -8, biển động.
Từ chiều ngày 25/9, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và huyện đảo cù Lao Chàm) gió mạnh dần lên cấp 6- 7, giật cấp 9, biển động mạnh. Từ chiều tối 25/9, ở Vịnh Bắc Bộ gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7- 8, biển động.
Trên đất liền, trong khoảng từ tối 25/9 đến sáng ngày 26/9, vùng ven biển khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam và phía Bắc của Quảng Ngãi đề phòng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; sâu trong đất liền có gió giật cấp 6- 7.
Từ ngày 25/9 đến ngày 27/9, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100- 300mm, có nơi trên 350mm; ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-150mm, có nơi trên 200mm.
Dự báo nguồn nước khu vực ĐBSCL, theo Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam, hiện nay đang trong thời kỳ lũ chính vụ.
Mực nước trên dòng chính sông MêKong đang ở mức xấp khá cao và có xu thế giảm trong tuần qua. Đến ngày 24/9 mực nước lúc 7 giờ đo được tại Kratie là 18,91 m. So với cùng kỳ cao hơn TBNN từ 0,38- 4,33 m; nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều các năm 2000, 2011.
Dự báo mưa do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới xảy ra trên lưu vực khá lớn đặc biệt trong ngày 25 và 26/9. Vì vậy, nhận định nguồn nước trên dòng chính sông MêKong khu vực trung hạ Lào và Campuchia trong các ngày tới sẽ tăng trở lại với cường suất khá cao.
Nguồn nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc nhận định tăng nhẹ trong 2 ngày tới, sau đó tăng mạnh hơn và nếu trong 2 tuần đầu tháng 10 diễn biến mưa bão trên lưu vực sông Mêkong không có gì bất thường thì nhiều khả năng lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ đạt đỉnh lũ chính vụ vào ngày 1- 2/10 với mực nước tại Tân Châu đạt khoảng 2,90 – 3,10m. Lũ nội đồng ĐBSCL dự báo có xu thế tăng trong tuần tới và biến đổi mạnh theo triều.
Với mức lũ chính vụ được nhận định như trên được xem là khá thuận lợi cho sản xuất vụ lúa Thu Đông. Tuy nhiên, triều cường năm 2023 được dự báo ở mức khá cao, đặc biệt là trong kỳ triều cường đầu tháng 10 kết hợp lũ chính vụ, và các kỳ triều cường cuối tháng 10, tháng 11, tháng 12 có nhiều nguy cơ gây ra tình trạng ngập lụt/úng trên các khu vực thấp trũng thuộc vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL, tình trạng ngập lụt/úng sẽ nguy hiểm hơn trong trường hợp triều cường gặp mưa lớn.
Vì vậy, kiến nghị các địa phương phải theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo để kịp thời xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.
N.HOÀNG