Tài năng về khoa học tự nhiên và lòng yêu nước đã được giáo dục, chăm bồi từ nhỏ trong một gia đình nhà giáo nền nếp ở làng quê nghèo Tam Bình (Vĩnh Long) những năm đầu thế kỷ XX. Nhưng chỉ đến khi có cơ hội được gặp Bác Hồ, được Người tin tưởng trao cho trọng trách, thì tài năng và lòng yêu nước của bậc đại trí thức Trần Đại Nghĩa mới được phát huy một cách trọn vẹn.
Bác Hồ làm việc với GS.VS Trần Đại Nghĩa. Ảnh: Tư liệu |
Tài năng về khoa học tự nhiên và lòng yêu nước đã được giáo dục, chăm bồi từ nhỏ trong một gia đình nhà giáo nền nếp ở làng quê nghèo Tam Bình (Vĩnh Long) những năm đầu thế kỷ XX. Nhưng chỉ đến khi có cơ hội được gặp Bác Hồ, được Người tin tưởng trao cho trọng trách, thì tài năng và lòng yêu nước của bậc đại trí thức Trần Đại Nghĩa mới được phát huy một cách trọn vẹn.
Để ngày nay, quê hương Vĩnh Long tự hào về chàng thanh niên Phạm Quang Lễ vinh dự được Bác Hồ đặt cho tên gọi là Trần Đại Nghĩa.
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh GS.VS, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, Tỉnh ủy Vĩnh Long, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tổ chức Hội thảo khoa học: “GS.VS Trần Đại Nghĩa, nhà khoa học- quân sự tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, đã khắc họa rõ nét chân dung bậc đại trí thức và những đóng góp to lớn của ông vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho nước nhà.
Trước hết là mạch nguồn gia đình, quê hương, hoàn cảnh đất nước đã hình thành nhân cách, ý chí, lý tưởng cách mạng, khát vọng độc lập, tự do của người thanh niên Phạm Quang Lễ: “Năm 1923, tôi 10 tuổi, ở Vĩnh Long đi học hàng ngày qua cầu sắt rất cao. Hai lần tôi thấy 2 người đàn ông ngồi ở giữa cầu sắt khóc nức nở rồi nhảy xuống sông tự tử. Tôi hỏi đồng bào xung quanh mới biết là do chế độ rất tàn ác của thực dân Pháp, một số đồng bào chỉ còn cách là tự tử. Tôi hỏi tại sao không đánh mà đuổi bọn ngoại xâm ra khỏi đất nước. Đồng bào trả lời hiện tại hàng trăm chiến sĩ cách mạng đang chuẩn bị chuyện đó”- đây là những dòng ghi chép của GS.VS Trần Đại Nghĩa. Nó thật sự lạ lùng là những câu hỏi đặt ra vấn đề rất lớn về dân tộc, về đất nước của một cậu bé chỉ mới 10 tuổi đầu.
Và đó không phải là những câu hỏi tò mò, thoáng qua mà trở thành một ám ảnh gieo vào lòng cậu bé Phạm Quang Lễ một nhận thức ngày càng sâu sắc hơn theo thời gian.
Đó là năm 1926, khi ông vào học Trường Trung học Mỹ Tho tiếp tục theo dõi tình hình đất nước, đặc biệt là các cuộc khởi nghĩa từ khi giặc Pháp đánh chiếm Đà Nẵng năm 1858 rồi lan tỏa dần ra đánh chiếm nước ta. Trước tiên, cuộc khởi nghĩa Trương Công Định, rồi nối tiếp Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám… dù nghĩa quân chiến đấu rất anh dũng nhưng cuối cùng tất cả đều thất bại.
Thanh niên Phạm Quang Lễ đã tìm hiểu nguyên nhân chính là do chúng ta chiến đấu bằng vũ khí thô sơ so với giặc Pháp. Đó là một quá trình chuyển đổi nhận thức trong Phạm Quang Lễ từ lòng yêu nước, thương xót đồng bào sống cảnh đời lầm than dưới ách thống trị của thực dân đi đến ý chí, hoài bão muốn đánh đuổi giặc ngoại xâm, khi mới chỉ 17 tuổi:
“Tôi nhận thức là muốn phục vụ đất nước thì phải biết chế tạo vũ khí đi đôi với con người có tài thao lược. Ở Mỹ Tho tôi mới thấy về toán, cơ lý hóa tôi có năng khiếu. Tôi mới xác định được hoài bão của tôi. Chuẩn bị để lo vũ khí cho các cuộc nổi dậy trong tương lai và tất nhiên đi đôi với khoa học quân sự. Đó là hoài bão của tôi năm 1930 (17 tuổi)” (GS.VS Trần Đại Nghĩa- Về hoài bão của tôi phục vụ Tổ quốc chống ngoại xâm).
Thiếu tướng, TS Dương Văn Yên- Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, lý giải là do:
“Được nuôi dưỡng, giáo dục trong một gia đình nhà giáo thanh liêm, căn cơ, nề nếp, với tố chất thông minh thiên bẩm thừa hưởng từ cha, lòng bao dung, nhân hậu từ mẹ, ngay từ nhỏ, Phạm Quang Lễ đã bộc lộ khả năng tư duy sâu sắc, ý chí hơn người. Ông đã nhận thức từ rất sớm nỗi đau mất nước, mất độc lập, tự do dưới sự cai trị hà khắc của thực dân Pháp.
Đồng thời ông cũng hiểu được rằng để cứu nước, cứu nhà thì mỗi người dân Việt Nam phải đứng lên đồng lòng, góp sức, muốn vậy phải nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí. Bản thân ông đã nghiêm túc đặt ra cho mình mục tiêu học tập thành tài và nung nấu khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân khi có thời cơ”.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng) tham quan Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa ngày 7/9, nhân Hội nghị bàn giao sản phẩm trưng bày tại khu lưu niệm. |
Và thời cơ đó đã đến vào năm 1946. Sau thời gian bí mật, kiên trì, bền bỉ nghiên cứu về vũ khí và các lĩnh vực khoa học kỹ thuật cao ở Pháp và Đức, mùa thu năm 1946, kỹ sư Phạm Quang Lễ đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ đã từ lâu được cộng đồng người Việt Nam yêu nước ở Pháp hết sức cảm phục, kính trọng.
Đây là sự kiện đã đưa đến bước ngoặt trong cuộc đời của người trí thức yêu nước. “Mong muốn được gặp Bác, được bước theo con đường cách mạng của Bác, là điều nung nấu không chỉ của riêng tôi, mà của nhiều trí thức Việt kiều yêu nước, nhất là sau khi biết rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc nổi tiếng, biểu tượng của lòng yêu nước trong sáng và bền bỉ của dân tộc Việt Nam”.
Chính vì vậy, khi được Bác Hồ hỏi: “Nguyện vọng của chú lúc này là gì?”, kỹ sư Phạm Quang Lễ trả lời rất nhanh: “Dạ thưa, nguyện vọng cao nhất của cháu là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần”.
Ngày 10/9/1946, Bác gọi kỹ sư Phạm Quang Lễ đến và bảo rằng: “Hội nghị Fontainebleau không thành, Bác sắp về nước, chú chuẩn bị để vài ngày nữa chúng ta lên đường. Chú đã sẵn sàng chưa?” và Phạm Quang Lễ đã sung sướng trả lời Bác: “Thưa Bác, cháu đã sẵn sàng”.
Đó là bước ngoặt “định mệnh” đưa kỹ sư Phạm Quang Lễ trở thành “Nhà khoa học- quân sự tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Và quê hương Vĩnh Long tự hào đã cống hiến cho đất nước, cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng ta một đại trí thức tài, đức vẹn toàn có lòng yêu nước lớn lao, trọn đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG