Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết XI Đại hội Đảng bộ tỉnh, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng nhiều chương trình, đề án để thực hiện 3 khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, thu hút đầu tư, hướng đến phát triển nhanh và bền vững. |
Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết XI Đại hội Đảng bộ tỉnh, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng nhiều chương trình, đề án để thực hiện 3 khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đạt kết quả tích cực sau nửa nhiệm kỳ
Đối với khâu đột phá thứ nhất là tiếp tục phát triển nguồn nhân lực phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và lao động có tay nghề cao, Vĩnh Long đã quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Đã đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho 428 đồng chí (thạc sĩ 408; tiến sĩ 20); lý luận chính trị cho 1.845 đồng chí; tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng chức danh cán bộ cho 7.881 lượt.
Đồng thời thực hiện hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, với 6 lớp quản trị kinh doanh chuyên sâu; thành lập 39 hội đồng khoa học và công nghệ tư vấn xác định nhiệm vụ và nghiệm thu 20 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, đã thu hút được 58 lượt tiến sĩ, 74 lượt thạc sĩ, 50 kỹ sư- cử nhân ĐH tham gia.
Tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin cho 11.776 lượt cán bộ, công chức, viên chức…
Vũng Liêm tập trung các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đến nay nguồn nhân lực hệ thống chính trị huyện không ngừng tăng nhanh về số lượng và chất lượng, tương đối đáp ứng được tình hình mới. Phó Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm Lê Anh Nghĩa cho biết, Huyện ủy xây dựng kế hoạch cụ thể, kịp thời về quy hoạch, đào tạo nên nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng được nhu cầu.
Đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ trẻ sau khi quy hoạch, bố trí, bổ nhiệm tại cơ sở, tạo điều kiện cho đội ngũ này phát huy được năng lực, từng bước rèn luyện đạt chuẩn, đảm bảo đáp ứng được nguồn nhân lực cho nhiệm kỳ sau.
Ở khâu đột phá thứ 2 là tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp và du lịch, tỉnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực, cân đối và lựa chọn thứ tự ưu tiên, đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nhằm đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Hệ thống giao thông đường bộ từng bước được nâng cấp, đồng bộ; đảm bảo thông suốt, liên hoàn trong tỉnh với mạng lưới đường bộ khu vực. Hạ tầng đô thị cơ bản phát triển đúng theo định hướng của quy hoạch chung đô thị được duyệt.
Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã huy động, bố trí trên 8.479 tỷ đồng để xây dựng mới và cải tạo 241km cầu, đường giao thông, đạt 51,6% kế hoạch; xây dựng 73/87 xã đạt chuẩn xã NTM (đạt 98,6% chỉ tiêu nghị quyết), có 2/7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt 66,7% chỉ tiêu nghị quyết); xây dựng 264/398 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 66,3%).
Khâu đột phá thứ 3 về đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và du lịch, giai đoạn 2021-2023, đa số các dự án đầu tư vào tỉnh tập trung trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, công nghiệp (19 dự án); hạ tầng khu công nghiệp có 2 dự án đầu tư (KCN Đông Bình và KCN Gilimex Bình Tân, vốn đăng ký 5.597 tỷ đồng);
3 dự án đầu tư phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản, vốn đăng ký 907 tỷ đồng; 3 dự án đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ- du lịch, vốn đăng ký 2.098 tỷ đồng; 2 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, vốn đăng ký 35,8 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, từ sự quyết tâm của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, các công trình hạ tầng kinh tế- xã hội được đầu tư phát huy được hiệu quả, thu hút được đầu tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển ở từng địa phương và sự phát triển chung của tỉnh.
Tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra
Để tiếp tục thực hiện thành công 3 khâu đột phá đến cuối nhiệm kỳ, Tỉnh ủy tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự điều hành linh hoạt của UBND tỉnh và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân để đạt được kết quả tốt nhất. Tỉnh sẽ tập trung làm tốt hơn nữa công tác lựa chọn, quy hoạch cán bộ để lựa chọn những người có đức, có tài, tâm huyết bố trí vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
Đồng thời, chấn chỉnh, thay đổi vị trí công tác, xử lý nghiêm cán bộ có tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao làm cản trở đến phát triển kinh tế- xã hội.
Ông Võ Thanh Danh- Phó Trưởng Ban Thường trực BTC Tỉnh ủy, cho biết, sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm của từng cơ quan, đơn vị. Tập trung rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ, nhất là quy hoạch BCH, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gắn với đào tạo, điều động, luân chuyển, chuẩn bị tốt nguồn nhân sự nhiệm kỳ 2025-2030.
Còn theo Phó Bí thư Huyện ủy Trà Ôn Trương Kế Truyền, Trà Ôn tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho các đồng chí bí thư chi bộ và cấp ủy cơ sở, góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ công tác Đảng để vận dụng vào thực tiễn công tác đạt hiệu quả cao.
Chú trọng thực hiện công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo và bố trí, bổ nhiệm cán bộ là người dân tộc, tôn giáo nhằm bảo đảm tỷ lệ cán bộ dân tộc, tôn giáo trong cấp ủy và các cơ quan dân cử các cấp.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế nhanh và bền vững, sử dụng tối đa các nguồn lực; nhất là khai thác, sử dụng hết tiềm năng về đất đai, lao động để phát triển kinh tế. Xúc tiến kêu gọi đầu tư sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi.
Đồng thời, để thu hút đầu tư góp phần tăng trưởng kinh tế, tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đảm bảo tính đồng bộ, kết nối trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư; thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển; thu hút, mời gọi đầu tư vào lĩnh vực đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và du lịch.
Ông Võ Quốc Thanh- Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết, để tiếp tục huy động có hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết XI, tỉnh phải triển khai thực hiện nhanh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt.
Trọng tâm là đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, mang tính động lực (cầu Đình Khao, QL53, QL54,...) nhằm tạo không gian phát triển mới, kết nối các khu công nghiệp, các vùng, địa phương trong tỉnh; đồng thời huy động, thu hút đầu tư hạ tầng các đô thị, khu, cụm công nghiệp, du lịch, logistics…
Bài, ảnh: HẢI YẾN