"Với truyền thống đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân và đồng hành của doanh nghiệp..., qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ 11 của Ðảng bộ tỉnh, kinh tế-xã hội của Vĩnh Long đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực...".
“Với truyền thống đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân và đồng hành của doanh nghiệp..., qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ 11 của Ðảng bộ tỉnh, kinh tế-xã hội của Vĩnh Long đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực...”.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Bùi Văn Nghiêm thăm hỏi, động viên người dân bị thiên tai tại xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. |
Ðồng chí BÙI VĂN NGHIÊM, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, đã trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân về kết quả hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những thuận lợi, khó khăn và thành tựu, kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay?
Ðồng chí Bùi Văn Nghiêm: Tỉnh Vĩnh Long triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 của Ðảng bộ tỉnh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế tăng trưởng chậm, giá nguyên, vật liệu tăng.
Bên cạnh đó, quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ lẻ; tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp; việc làm và đời sống của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn. Ðồng thời, tỉnh vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý các yếu kém, tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước để lại…
Phát huy truyền thống đoàn kết và với quyết tâm, nỗ lực chung, kinh tế-xã hội của tỉnh Vĩnh Long đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Ðến cuối tháng 6/2023, tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 12/24 chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội đề ra; các chỉ tiêu còn lại cũng đạt ở mức khá cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021-2023 ước tăng trưởng bình quân 6,18%/năm; quy mô nền kinh tế tăng 34% so với năm 2020.
GRDP bình quân đầu người ước đạt 76,5 triệu đồng, tăng 33% so năm 2020. Hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ; tỷ lệ hộ dân có điện sử dụng đạt hơn 99%, hộ dân nông thôn sử dụng nước máy tập trung đạt hơn 80%.
Tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt ba khâu đột phá mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11 đã đề ra về phát triển nguồn nhân lực phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung đào tạo nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và lao động có tay nghề cao; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch, nhất là phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch.
Nổi bật là xây dựng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp gắn với cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, chế biến, xuất khẩu.
Phong trào thi đua “Vĩnh Long chung sức xây dựng nông thôn mới” đạt nhiều kết quả quan trọng. Ðến nay, toàn tỉnh có 72/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 27 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 2/7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện.
Tỉnh đã triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách đối với người có công với nước, bảo trợ xã hội và các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm cho gia đình người có công với nước, hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Ðang hoàn thiện quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp thẩm quyền phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch vùng huyện...
Ðồng thời, tỉnh chú trọng xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị, góp phần đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Cổng dịch vụ công tỉnh đã kết nối và đồng bộ trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia…
Phóng viên: Thưa đồng chí, nội dung “Tăng cường xây dựng Ðảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện” được Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11 xác định là khâu then chốt trong nhiệm kỳ 2020-2025, vấn đề này được thực hiện ra sao trong nửa nhiệm kỳ qua?
Ðồng chí Bùi Văn Nghiêm: Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bảo đảm vai trò lãnh đạo, chỉ đạo được Tỉnh ủy tiếp tục chú trọng thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ. Tỉnh tập trung lãnh đạo thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chất lượng lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy tiếp tục được nâng lên, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị các cấp.
Tổ chức, bộ máy được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Năng lực đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh ngày càng được tăng cường, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương trong tình hình mới.
Thực hiện tốt việc phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cấp hành chính. Công tác rà soát, bổ sung quy hoạch, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031, được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các đơn vị, địa phương và cá nhân lãnh đạo, quản lý xây dựng kế hoạch, đăng ký các nội dung thực hiện nhiệm vụ và có sản phẩm cụ thể; đồng thời, bảo đảm tính khách quan, có sự so sánh mức độ hoàn thành nhiệm vụ giữa các tập thể, cá nhân có vị trí, chức năng, nhiệm vụ tương đồng.
Kết quả việc đánh giá, xếp loại bảo đảm tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không vượt quá 20% đúng quy định. Hằng năm, có từ 96% số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, vượt 3% so với chỉ tiêu nghị quyết Ðại hội đề ra.
Phóng viên: Thưa đồng chí, để thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, Tỉnh ủy Vĩnh Long sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gì trong thời gian tới?
Ðồng chí Bùi Văn Nghiêm: Trước hết, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba khâu đột phá về: Phát triển nguồn nhân lực; đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư và bảy chương trình về: Xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thu hút vốn đầu tư; phát triển đô thị và nhà ở; phát triển khu, cụm công nghiệp; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025.
Tỉnh tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế bền vững; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tiếp tục triển khai thực hiện Ðề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái xanh, tuần hoàn, từng bước chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ; rà soát lại diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả, vận động người dân khai thác, sử dụng tối đa đất nông nghiệp để trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao.
Tiến hành khởi công xây dựng cầu Ðình Khao; tập trung tháo gỡ khó khăn giải phóng mặt bằng, khẩn trương khởi công các công trình, dự án vốn đầu tư công và dự án vốn vay ODA nâng cấp thành phố Vĩnh Long.
Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch vùng huyện. Hoàn thành lập, trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch bảo tồn lò gạch, gốm Mang Thít; Bảo tàng nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Lãnh đạo phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa xã hội, giữa phát triển kinh tế với văn hóa-xã hội, bảo vệ môi trường. Chú trọng phát triển các dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động các làng nghề, xây dựng các sản phẩm đặc thù phục vụ khách du lịch.
Tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội; nâng cao chất lượng công tác diễn tập, huấn luyện, tuyển quân hằng năm.
Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương; nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII).
Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Xem sự đồng thuận của nhân dân là thước đo để xây dựng Vĩnh Long ngày càng phát triển.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất. Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ chức, cá nhân, các cơ quan, tập thể, cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Ðồng thời, kịp thời rà soát, xử lý thay thế hoặc điều chuyển sang công tác khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu kém, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.
Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quy trình, quy định công tác kiểm tra, giám sát để ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Ðảng.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo BÁ DŨNG/NDO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin