Chủ động ứng phó thiên tai các tháng cuối năm

01:08, 23/08/2023

Những tháng đầu năm nay, tình hình khí tượng thủy văn, thiên tai diễn biến bất thường hơn cùng kỳ năm ngoái: Xâm nhập mặn không gay gắt nhưng đỉnh mặn cao hơn và duy trì dài hơn đến tháng 6; giông, lốc xoáy, sạt lở bờ sông xảy ra nhiều nơi...

Đề phòng thời tiết cực đoan, thiên tai bất thường ở các tháng cuối năm 2023. Ảnh: Tư liệu
Đề phòng thời tiết cực đoan, thiên tai bất thường ở các tháng cuối năm 2023. Ảnh: Tư liệu

(VLO) Những tháng đầu năm nay, tình hình khí tượng thủy văn, thiên tai diễn biến bất thường hơn cùng kỳ năm ngoái: Xâm nhập mặn không gay gắt nhưng đỉnh mặn cao hơn và duy trì dài hơn đến tháng 6; giông, lốc xoáy, sạt lở bờ sông xảy ra nhiều nơi... Theo dự báo, diễn biến thiên tai ở tháng cuối năm còn phức tạp hơn bởi là thời kỳ cao điểm của mùa mưa, lũ và tác động của hiện tượng El Nino.

Mưa, bão, lũ sẽ gia tăng từ đây đến tháng 10

Theo nhận định của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, các thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh như mưa lớn, lũ, triều cường, bão sẽ gia tăng diện ảnh hưởng từ đây đến cuối tháng 10, đến tháng 11 sẽ giảm dần do tác động mạnh lên của hiện tượng El Nino.

Về mưa, từ tháng 8-10 là các tháng được dự báo có lượng mưa lớn nhất trong năm (đạt khoảng từ 200-300mm).

Trong đó, lượng mưa trong tháng 8 khoảng từ 250-300mm, phổ biến cao hơn khoảng 40-50% so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ; lượng mưa trong tháng 9 khoảng từ 200-300mm, phổ biến xấp xỉ đến cao hơn khoảng 20-30% so với TBNN cùng thời kỳ; lượng mưa trong tháng 10 khoảng từ 150-220mm, phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

Bước sang tháng 11, lượng mưa giảm dần, ước khoảng từ 100-180mm, phổ biến xấp xỉ đến thấp hơn khoảng 40% so với TBNN cùng thời kỳ. Mùa mưa năm nay có khả năng kết thúc vào giữa tháng 11. Đến tháng 12, mưa giảm dần, phổ biến ít mưa, lượng mưa trong tháng không vượt quá 50mm.

Về bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), từ nay đến tháng 10, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 6-8 cơn bão, ATNĐ, trong đó có khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Từ tháng 10-12, số lượng bão, ATNĐ trên Biển Đông dự báo có khoảng 3-5 cơn (thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ khoảng 1-2 cơn) và có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ. Về cuối năm, có xu hướng di chuyển lệch về phía Nam, vào khu vực Nam Trung Bộ đến Nam Bộ.

Về dự báo thủy văn, lũ, theo Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, lũ đầu vụ năm nay ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN, nhưng cao hơn cùng kỳ năm 2022. Đỉnh lũ chính vụ đầu nguồn sông Cửu Long trong năm nay có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 9 đầu tháng 10.

Đỉnh lũ tại Tân Châu dao động ở mức 3,2-3,5m, xấp xỉ và thấp hơn báo động 1 (BĐ1) khoảng 0,3m, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,4-0,7m và thấp hơn đỉnh lũ năm 2022 khoảng 0,14-0,44m.

Đỉnh lũ tại Châu Đốc dao động ở mức 2,9-3,1m (xấp xỉ và cao hơn BĐ1 khoảng 0,1m, nhưng thấp hơn TBNN khoảng từ 0,41-0,61m và thấp hơn đỉnh lũ năm 2022 khoảng 0,24-0,44m.

Tuy nhiên, cũng cần theo dõi chặt chẽ các biến động bất thường của thời tiết, thiên tai. Khu vực giữa và cuối nguồn ĐBSCL do tác động mạnh bởi triều cường cao và lũ đầu nguồn nhận định ở mức thấp nên nhiều khả năng đỉnh lũ xuất hiện cùng với đỉnh triều cường, cụ thể là vào cuối tháng 10 và tháng 11, đỉnh lũ phổ biến ở mức BĐ3, và một số trạm trên mức BĐ3.

Đặc biệt, tác động của hiện tượng El Nino sẽ làm cho nhiệt độ tăng cao hơn khoảng 0,5-0,8ºC so với TBNN cùng thời kỳ trong tháng 12 và mặn có thể xâm nhập sớm ngay các tháng cuối năm 2023.

Chủ động ứng phó với thiên tai các tháng cuối năm

Để đảm bảo an toàn trước diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai từ nay đến cuối năm, cần làm gì để phòng, tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra?

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT-TKCN), người dân, các tổ chức các nơi trong tỉnh cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết, khí tượng, thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp phòng, tránh và xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp; đồng thời sẵn sàng triển khai công tác, kế hoạch phòng, chống ứng phó thiên tai.

Khi thiên tai xảy ra, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh cần thực hiện phương án ứng phó theo quy định tại Quyết định số 919/QĐ-UBND ngày 26/4/2023 của UBND tỉnh về phê duyệt phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Gần đây, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức, điều hành và thực hiện trong công tác phòng, chống và ứng phó thiên tai các tháng cuối năm.

Trong đó nổi bật nhất là Công điện số 3682/CĐ-UBND ngày 13/7/2023 về việc chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, ngập úng đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất của nhân dân trước, trong mùa mưa lũ năm 2023; Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 16/6/2023 về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành quan tâm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư, trường học, các cơ sở y tế, trụ sở cơ quan; tổ chức cắm biển cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao để có các biện pháp thích hợp phòng tránh hoặc giảm thiệt hại; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản cho người dân và kết cấu hạ tầng; rà soát hiện trạng các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, đặc biệt là các tuyến kinh mương nội đồng, xem xét cân đối, bố trí các nguồn vốn để thực hiện nạo vét, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi phục vụ phòng, chống mưa, lũ...

Đồng thời, tổ chức xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn 2023-2025, trong đó có các giải pháp ứng phó với các kịch bản khác nhau ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, bao gồm trường hợp El Nino có mức độ ảnh hưởng mạnh, kéo dài như đã xuất hiện trong các năm 2014-2016, 2019-2020, làm cơ sở để triển khai các giải pháp công trình, phi công trình và huy động các nguồn lực trong phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh, ban chỉ huy PCTT- TKCN cấp huyện, xã, các cơ quan, đơn vị và người dân trong tỉnh cần tuân thủ các văn bản chỉ đạo nêu trên để tổ chức chỉ đạo, điều hành và thực hiện tốt công tác phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Bài, ảnh: THÀNH THẶNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh