Bộ GTVT khẳng định quá trình khai thác vật liệu tại các mỏ cát đều được giám sát tác động theo quy định, không gây sạt lở lòng, bờ sông và theo tính toán nhu cầu vật liệu cát đắp nền cho các dự án đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long triển khai trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 53,69 triệu m3.
Bộ GTVT khẳng định quá trình khai thác vật liệu tại các mỏ cát đều được giám sát tác động theo quy định, không gây sạt lở lòng, bờ sông và theo tính toán nhu cầu vật liệu cát đắp nền cho các dự án đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long triển khai trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 53,69 triệu m3.
Liên quan đến nguồn vật liệu cát cung cấp cho dự án Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau và ý kiến lo ngại nếu tiếp tục khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu sẽ làm trầm trọng sạt lở và sụt lún ở Đồng bằng Sông Cửu Long, phía Bộ GTVT đã có những giải đáp và đánh giá cụ thể về vấn đề này.
Vật liệu cát sông được dùng để đắp nền đường các dự án Cao tốc Bắc-Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. |
Theo báo cáo của tư vấn và số liệu quy hoạch mỏ cát từ các địa phương, tổng trữ lượng các mỏ (cát sông) trong quy hoạch khoảng 215,58 triệu m3; trong đó tỉnh An Giang khoảng 54,54 triệu m3/13 mỏ, tỉnh Đồng Tháp khoảng 33,57 triệu m3/10 mỏ, tỉnh Vĩnh Long khoảng 42,3 triệu m3/10 mỏ, tỉnh Sóc Trăng khoảng 85 triệu m3.
Tuy nhiên, đối với các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng thuộc khu vực hạ lưu sông Tiền và sông Hậu, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận chất lượng cát kém do lẫn nhiều tạp chất, hàm lượng bùn sét lớn nên vật liệu cát để sử dụng cho các dự án chủ yếu lấy từ các tỉnh An Giang và Đồng Tháp.
Phía Bộ GTVT cũng tính toán nhu cầu vật liệu cát đắp nền cho dự án Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau là 18,07 triệu m3 và tổng nhu cầu cho các dự án đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long triển khai trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 53,69 triệu m3, tương ứng khoảng 35% trữ lượng các mỏ đã quy hoạch.
Để bảo đảm đủ nguồn vật liệu cát đắp cho dự án Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp kiểm tra, làm việc và chỉ đạo các tỉnh ưu tiên bố trí đủ nguồn vật liệu, cũng như giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, điều tiết phù hợp tiến độ thi công các dự án, cụ thể đã giao chỉ tiêu cho các tỉnh An Giang (7 triệu m3), Đồng Tháp (7 triệu m3), Vĩnh Long (5 triệu m3) ưu tiên bố trí ngay nguồn cát đắp cho dự án.
Đến thời điểm hiện nay, các tỉnh đã cơ bản bố trí đủ nguồn từ các mỏ đang khai thác và các mỏ chưa khai thác (nhưng đã quy hoạch) và đang triển khai các thủ tục đánh giá tác động môi trường để cấp phép khai thác phục vụ dự án.
“Việc khai thác vật liệu cát tại các mỏ đều được đánh giá tác động môi trường kết hợp với việc thiết lập hệ thống và thực hiện quan trắc, giám sát tác động xói lở lòng, bờ sông theo quy định để đảm bảo các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác, không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông”, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.
Về lâu dài, để chủ động nguồn vật liệu thay thế cát sông, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai dự án “đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Mặt khác, Bộ GTVT đã chủ động triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng đắp nền đường cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả Đường tỉnh 978 thuộc dự án Cao tốc Hậu Giang-Cà Mau), đến nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng và tiến hành quan trắc.
Theo kết quả thí nghiệm mẫu lấy tại Trà Vinh và Sóc Trăng, cát biển có các chỉ tiêu cơ lý, hóa học cơ bản đáp ứng yêu cầu. Bộ GTVT đang tiếp tục theo dõi, đánh giá về chỉ tiêu môi trường, dự kiến cuối năm 2023 sẽ có kết quả về việc sử dụng cát biển cho các dự án trong khu vực Đồng bằng sông Cửu long.
“Với trữ lượng cát biển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nếu việc thí điểm và đánh giá đáp ứng yêu cầu, đây sẽ là nguồn vật liệu rất lớn cho khu vực”, Bộ GTVT nhìn nhận.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương, đến nay nguồn vật liệu cát đắp đã bố trí cho dự án Cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau được 1,47 triệu m3 và sẽ tiếp tục cung cấp cát từ các mỏ đang khai thác thêm 2,7 triệu m3 (An Giang 2,2 triệu m3, Đồng Tháp 0,5 triệu m3), đến tháng 10/2023, khi tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp hoàn thành các thủ tục cấp mỏ mới sẽ đảm bảo nhu cầu 9,1 triệu m3 trong năm 2023 cho dự án.
Với khối lượng nguồn vật liệu cát còn lại, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp, làm việc với địa phương để đảm bảo nguồn cung vật liệu theo kế hoạch triển khai nhằm hoàn thành tiến độ của dự án đề ra.
Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ-Cà Mau có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 25.523 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận là chủ đầu tư.
Đoạn tuyến cao tốc này được phân thành 2 dự án thành phần gồm dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Hậu Giang dài hơn 37km, mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng; dự án thành phần đoạn Hậu Giang-Cà Mau dài hơn 73km, mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.
Dự án được khởi công đầu năm 2023, hoàn thành cơ bản năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Theo Phi Long/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin