Trong bối cảnh các đô thị (ĐT) gia tăng nguy cơ rủi ro từ BĐKH, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 438 ngày 25/3/2021 phê duyệt Đề án Phát triển các ĐT Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030.
Lồng ghép nội dung ứng phó biến đổi khí hậu trong các quy hoạch, chiến lược phát triển đô thị. |
(VLO) Trong bối cảnh các đô thị (ĐT) gia tăng nguy cơ rủi ro từ BĐKH, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 438 ngày 25/3/2021 phê duyệt Đề án Phát triển các ĐT Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030. Tại Vĩnh Long, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quyết định này.
Mục tiêu cụ thể của Đề án Phát triển các ĐT Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030 là xây dựng chương trình, kế hoạch điều tra, đánh giá mức độ tác động của BĐKH đến hệ thống ĐT được cảnh báo có nguy cơ rủi ro cao.
Đồng thời, xây dựng khung nhiệm vụ và giải pháp ứng phó thích nghi với BĐKH và nước biển dâng, hạn chế, giảm thiểu rủi ro trong xây dựng, phát triển ĐT; đề xuất các chương trình, dự án thí điểm, dự kiến kinh phí và phân công thực hiện.
Định hướng phát triển ĐT tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ môi trường, quy hoạch tổng thể thích ứng thiên tai, BĐKH…
Giai đoạn I (từ 2021-2025), đề án được thực hiện tại 5 ĐT gồm TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và các ĐT thuộc 7 tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ, duyên hải miền Trung, ĐBSCL và 7 tỉnh vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Giai đoạn II (từ 2026-2030), thực hiện tại các ĐT ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt; có nguy cơ cao chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh thuộc vùng miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh có ĐT xuất hiện các tác động mới của BĐKH. Giai đoạn sau năm 2030, mở rộng phạm vi áp dụng toàn quốc.
Theo đề án, tỉnh Vĩnh Long có các ĐT nằm trong hệ thống ĐT thuộc 40 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long, thực hiện Quyết định số 438 của Thủ tướng Chính phủ, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 64 ngày 5/9/2022.
Mục tiêu của kế hoạch là nhằm từng bước nâng cao chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ môi trường; hạn chế, giảm thiểu rủi ro trong xây dựng, phát triển ĐT theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH…
Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, năng lực của cán bộ lãnh đạo các cấp về chủ động ứng phó với BĐKH trong phát triển các ĐT và bảo vệ môi trường.
Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong công tác điều tra, đánh giá mức độ tác động của BĐKH đến phát triển hệ thống ĐT hiện có và ĐT dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2021-2030.
Cùng với đó, xác định, khoanh vùng, cảnh báo khu vực có nguy cơ chịu tác động của BĐKH; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro BĐKH tại ĐT (gọi tắt là atlas ĐT và khí hậu).
Triển khai thực hiện tốt việc tích hợp nội dung ứng phó với BĐKH vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các đồ án quy hoạch xây dựng.
Lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH; cảnh báo rủi ro tại các khu vực phát triển ĐT, điểm dân cư có khả năng chịu tác động từ BĐKH vào chương trình, kế hoạch phát triển ĐT.
Đồng thời, thực hiện chương trình nâng cấp ĐT (nếu có), rà soát bổ sung nội dung, giải pháp kiểm soát phát triển ĐT thích ứng với BĐKH; cải tạo, nạo vét, khơi thông dòng chảy; kiên cố hóa cống, đập, xây dựng kè, các công trình hồ chứa đảm bảo điều tiết, kiểm soát, hạn chế ngập úng, giông, lốc, sạt lở đất...; tiếp cận với các chương trình, dự án và kế hoạch hành động ứng phó BĐKH tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Trên cơ sở nội dung phù hợp với những định hướng trong đồ án quy hoạch, chương trình phát triển ĐT TP Vĩnh Long, TX Bình Minh đến năm 2030, Dự án Phát triển ĐT và tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH TP Vĩnh Long…
Nằm ven sông Hậu, phường Thành Phước (TX Bình Minh) từng là một trong những phường bị ngập rất nặng vào mùa mưa lũ hàng năm. Tuy nhiên, cùng với hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư thì việc đầu tư các dự án kè trong điều kiện thích ứng với BĐKH qua địa bàn phường đã và đang phát huy hiệu quả.
Một người dân ở Khóm 2 (phường Thành Phước) vui vẻ cho biết giờ không còn lo ngập úng và sạt lở như trước kia nữa. Ông Trần Văn Tám- Chủ tịch UBND phường Thành Phước, cho biết, các tuyến kè đi qua đã giúp khắc phục sạt lở, ngập úng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống người dân.
Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Bí thư Thị ủy Bình Minh, cho biết, thời gian qua, thị xã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các công trình công cộng, hệ thống hạ tầng, trong đó có các tuyến kè kết hợp với giao thông…
Mục tiêu đặt ra là phát triển TX Bình Minh thành ĐT xanh, hiện đại, phấn đấu đến năm 2025 từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt của đô thi ̣loại III và định hướng sau năm 2030 đạt đô thị loại II, là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật phía Nam của tỉnh.
Theo Sở Xây dựng, trong các quy hoạch xây dựng (quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch ĐT) và quy hoạch tỉnh đều có thực hiện lồng ghép nội dung ứng phó BĐKH. Hiện tỉnh đang có Dự án “Mở rộng nâng cấp ĐT Việt Nam- Tiểu dự án TP Vĩnh Long” và Dự án “Phát triển ĐT và tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long” vay vốn Ngân hàng Thế giới, trong đó có hợp phần tăng cường quản lý ĐT thích ứng với BĐKH và hướng tới phát triển ĐT thông minh, bền vững.
Tuy nhiên, cũng theo Sở Xây dựng, công tác ứng phó BĐKH đòi hỏi kinh phí thực hiện khá lớn (để đầu tư các công trình xử lý nước thải tập trung ĐT, xử lý chất thải rắn…), từ đó dẫn đến việc triển khai các dự án ưu tiên ứng phó BĐKH còn gặp khó; cần huy động nguồn lực để thực hiện.
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin