Phân vùng môi trường nước mặt phục vụ phát triển bền vững

05:07, 13/07/2023

Mới đây, Sở TN-MT phối hợp với Sở KH-CN, Trường ĐH Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học góp ý kết quả nghiên cứu đề tài "Phân vùng môi trường nước mặt phục vụ phát triển bền vững tỉnh Vĩnh Long".

Cần quản lý, kiểm soát chất lượng nước mặt để phục vụ phát triển bền vững. Trong ảnh: Sông rạch đang chịu đựng nguồn thải lớn.
Cần quản lý, kiểm soát chất lượng nước mặt để phục vụ phát triển bền vững. Trong ảnh: Sông rạch đang chịu đựng nguồn thải lớn.

(VLO) Mới đây, Sở TN-MT phối hợp với Sở KH-CN, Trường ĐH Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học góp ý kết quả nghiên cứu đề tài “Phân vùng môi trường nước mặt phục vụ phát triển bền vững tỉnh Vĩnh Long”.

Đề tài nhằm đánh giá hiện trạng, phân vùng môi trường nước mặt tỉnh Vĩnh Long và đề xuất các biện pháp kiểm soát chất lượng môi trường nước mặt phục vụ phát triển bền vững tỉnh Vĩnh Long trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Sông rạch đang “chịu đựng” nguồn thải rất lớn

Theo ThS Võ Quốc Bảo- chủ nhiệm đề tài, để đánh giá đặc điểm thủy văn mạng lưới sông rạch tỉnh, nhóm thực hiện đã đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải 10 đoạn sông; đo đạc lưu lượng, mực nước tại 18 vị trí.

Bên cạnh, đánh giá hiện trạng chất lượng nước mặt giai đoạn 2017-2021, tiến hành lấy 200 mẫu nước mặt; lấy 30 mẫu để đánh giá chất lượng nước mặt ở khu vực bị tác động xâm nhập mặn.

Cùng với đó, đánh giá hiện trạng nguồn thải chính gây ô nhiễm nước mặt; tính toán tải lượng ô nhiễm của các nguồn thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, từ làng nghề, nuôi trồng thủy sản, giết mổ, chăn nuôi, y tế…

Ở chuyên đề 2, hiện trạng nguồn thải, tải lượng ô nhiễm; dự báo nguồn thải đến 2025, 2030, ThS Võ Quốc Bảo cho biết, phương pháp là lấy mẫu các nguồn thải từ hệ thống xử lý nước thải tập trung (khu công nghiệp), sinh hoạt, chăn nuôi, làng nghề, nuôi trồng thủy sản trong ao, nước thải giết mổ, bệnh viện và trung tâm y tế, chế biến đồ uống, chế biến thực phẩm và chế biến thủy sản.

Theo đó, kết quả tính toán tải lượng ô nhiễm của các nguồn thải (sau khi qua hệ thống xử lý), gồm: tải lượng ô nhiễm phát sinh từ khu công nghiệp khoảng 41,7 tấn/năm, từ làng nghề là 2,1 tấn/năm,
từ nuôi trồng thủy sản khoảng 2.801 tấn/năm, từ chăn nuôi 30,5 tấn/năm, từ y tế khoảng 11,3 tấn/năm, chế biến thủy sản 50,3 tấn/năm, từ thực phẩm khoảng 7,94 tấn/năm, từ giết mổ khoảng 36,5 tấn/năm, từ các nguồn khác khoảng 47,2 tấn/năm.

Còn kết quả tính tải lượng các nguồn phân tán (nguồn phân tán ra môi trường bên ngoài) thì: tải lượng phát sinh từ chảy tràn khoảng 19.337 tấn/năm (tải lượng phát sinh do đất nông nghiệp là cao nhất, tiếp đến là đất chuyên dùng, đất khu dân cư), từ sinh hoạt là 6.384 tấn/năm, từ nuôi trồng thủy sản (lồng bè) khoảng 594 tấn/năm.

Từ các kết quả nghiên cứu, ThS Võ Quốc Bảo đúc kết: “Sông rạch trên địa bàn tỉnh hiện nay chịu đựng nguồn thải rất lớn từ sinh hoạt, chảy tràn. Nhìn chung, nguồn thải phân tán chiếm tới 89% lượng thải đưa vào môi trường nước. Do đó, cần kiểm soát được nguồn thải phân tán này để bảo vệ nguồn nước mặt”.

Phân vùng môi trường nước mặt- cấp thiết

ThS Võ Quốc Bảo cho biết thêm, Vĩnh Long hiện nay chưa có phân vùng môi trường nước mặt. Theo đó, đề tài nhằm đánh giá hiện trạng chất lượng nước mặt, nguồn thải vào nguồn nước mặt tỉnh Vĩnh Long trong điều kiện biến đổi khí hậu; đánh giá khả năng tự làm sạch và khả năng chịu tải của hệ thống sông, rạch; đề xuất phân vùng môi trường nước mặt và quy hoạch các vùng xả thải vào nguồn nước mặt tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2025-2030. Đồng thời, đề xuất giải pháp quản lý chất lượng môi trường nước mặt phục vụ phát triển tỉnh Vĩnh Long.

Ông Nguyễn Văn Hiếu- Giám đốc Sở TN-MT, khẳng định: Nước là tài nguyên quý giá của quốc gia, đóng vai trò quan trọng đối với sinh mệnh của con người.

Do đó, bảo vệ nguồn nước là bảo vệ sự sống. Một trong những giải pháp trọng tâm để bảo vệ môi trường nước mặt là xây dựng phân vùng môi trường nước mặt, là nhiệm vụ đã được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường.

Bên cạnh, theo Kế hoạch số 209 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về thực hiện Kết luận số 56 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, một trong số các nhiệm vụ cấp bách có xác định nhiệm vụ là “phân vùng theo mức độ ô nhiễm môi trường để có biện pháp quản lý chất lượng môi trường sống, sinh thái và cảnh quan”.

“Với các yêu cầu đề ra trên thì việc triển khai đề tài là cần thiết và cấp bách, để có cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đắt lực và kịp thời công tác quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường nói chung và môi trường nước mặt nói riêng. Qua đó, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững tỉnh Vĩnh Long trong điều kiện biến đổi khí hậu”.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh