Sau 3 năm thực hiện trong bối cảnh có nhiều khó khăn, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao, trong đó có một số chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đang từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. |
(VLO) Sau 3 năm thực hiện trong bối cảnh có nhiều khó khăn, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao, trong đó có một số chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Chương trình MTQG xây dựng NTM không chỉ là xây dựng cầu, đường, trường, trạm mà đây là chương trình đa mục tiêu nhằm xây dựng NTM ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Những đóng góp quan trọng
Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 với mục đích cụ thể hóa, đưa các nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, góp phần cải thiện diện mạo nông thôn, thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.
Qua gần 3 năm triển khai thực hiện, tại tỉnh Vĩnh Long đã đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể: toàn tỉnh có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, có 72/87 xã đạt chuẩn NTM, tăng 16 xã so cuối năm 2020, chiếm tỷ lệ 82,8% trên tổng số xã trong toàn tỉnh; trong đó 27 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Các xã đạt bình quân 17,5 tiêu chí/xã.
Hiện, cả nước có 6.022 xã đạt chuẩn NTM, chiếm gần 73,7%, tăng 11,3% so cuối năm 2010; có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Theo ông Ngô Trường Sơn- Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Trung ương, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Nổi bật là, hạ tầng kinh tế- xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; giáo dục và đào tạo phát triển ổn định vững chắc; hoạt động văn hóa thể dục, thể thao ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng.
Bên cạnh, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 khoảng 46,3 triệu đồng/năm, tăng 4,6 triệu đồng so năm 2020; chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo và kịp thời chăm lo cho đối tượng chính sách, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2022 còn khoảng 5,4%, giảm 1,7% so năm 2020; giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp tăng 3,36% (cao nhất trong những năm gần đây); môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn luôn được ổn định.
Giữ gìn bản sắc văn hóa nông thôn
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Long, cùng với những mặt đạt được, Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 vẫn còn nhiều hạn chế trong thực hiện.
Đó là: bộ tiêu chí, các cơ chế chính sách của Trung ương ban hành chậm, một số quy định thực hiện chương trình của Trung ương gây lúng túng trong việc triển khai thực hiện ở các cấp...
Ông Ngô Trường Sơn cho biết thêm, bên cạnh những kết quả đạt được thì kết quả đạt chuẩn NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn.
Tỉnh Vĩnh Long đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 3/7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 85% số xã đạt chuẩn NTM tương đương 74/87 xã, trong đó có 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. |
Đặc biệt, đến nay vẫn còn 16 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh vẫn còn “trắng xã NTM”. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế...
“Chúng ta đi một chặng đường, chúng ta cần dừng lại xem cái gì đã đạt được, cái gì chưa làm được; từ đó bàn giải pháp, đưa ra những sáng kiến, những mô hình mà các địa phương đã làm, trong điều kiện đó chúng ta làm được gì và sẽ làm gì”- ông Lê Minh Hoan- Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT, nhấn mạnh và cho rằng: “Trong thời gian tới, chúng ta xem chương trình MTQG này nằm trong tâm thức chúng ta với nhiều trăn trở về bản sắc văn hóa làng quê nông thôn...”.
Theo ông Lê Minh Hoan: “Chúng ta tự hào mỗi địa phương có những di sản nông thôn để lại cho thế hệ mai sau và tự hào với thế giới rằng chúng ta còn những di sản nông thôn còn giữ gìn đậm đà bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử bên cạnh kết cấu hạ tầng được nâng cấp khang trang, kiên cố”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT cũng bày tỏ mong muốn: địa phương, Trung ương, bộ, ngành cùng tìm ra con đường, cái gì đã tốt rồi thì làm cho tốt hơn, cái gì chưa tốt thì làm cho tốt, cái gì sai thì làm cho đúng. Bên cạnh, làm sao sản phẩm OCOP kích hoạt đời sống bà con với sự tham gia của cộng đồng và niềm tự hào của cộng đồng, của cả làng đối với sản phẩm.
“Xây dựng NTM là chương trình MTQG niềm tự hào của địa phương, của đất nước. Khi chúng ta tiếp cận bằng tâm thế đó thì chúng ta sẽ đạt được kết quả có chiều sâu và có được sự đồng thuận của người dân, được người dân đón nhận và vinh danh”- ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng NTM đến năm 2025 là: Phấn đấu cả nước có ít nhất 80% xã đạt chuẩn NTM; trong đó khoảng 40% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; tiếp tục xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu đối với các xã, huyện, tỉnh đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Bên cạnh, có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; trong đó ít nhất 20% huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Có 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin