Kiên cố nhà ở, đề phòng giông, lốc

05:07, 11/07/2023

Theo tổng hợp của cơ quan chuyên môn, 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh, giông, lốc, mưa lớn, gió mạnh đã làm hư hỏng 56 căn nhà, trụ sở, cùng với nhiều công trình, cây cối bị đổ ngã, ước thiệt hại gần 60 tỷ đồng.

Giông, lốc xoáy có sức tàn phá như bão, gây thiệt hại lớn về nhà ở, cây trồng (ảnh tư liệu).
Giông, lốc xoáy có sức tàn phá như bão, gây thiệt hại lớn về nhà ở, cây trồng (ảnh tư liệu).

(VLO) Theo tổng hợp của cơ quan chuyên môn, 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh, giông, lốc, mưa lớn, gió mạnh đã làm hư hỏng 56 căn nhà, trụ sở, cùng với nhiều công trình, cây cối bị đổ ngã, ước thiệt hại gần 60 tỷ đồng. Thời tiết trong tỉnh đang vào mùa mưa, cũng là thời kỳ giông, lốc xoáy xảy ra nhiều nhất. Nhằm giảm tổn thất do các thiên tai nguy hiểm này gây ra, một số giải pháp sau đây cần quan tâm thực hiện.

Xây dựng, kiên cố nhà ở

Theo các chuyên gia, lốc xoáy rất nguy hiểm, sức tàn phá có thể so sánh như cơn bão, nhưng phạm vi ảnh hưởng nhỏ hơn, khó dự đoán hơn bão, vì lốc xoáy xuất hiện cùng lúc với giông (mưa lớn kèm theo gió mạnh), thời gian xảy ra ngắn, từ vài chục phút đến vài giờ, nhiều người lầm tưởng chỉ có mưa, giông.

Do đó, giải pháp an toàn có tính lâu dài để phòng, tránh giảm thiệt hại do lốc xoáy nói riêng và bão nói chung là cần phải có những giải pháp kỹ thuật hợp lý từ quy hoạch, kiến trúc, kết cấu, vật liệu đến thi công và chằng chống gió, bão, lốc xoáy đối với công trình, nhà ở bán kiên cố.

Về quy hoạch, khi chọn địa điểm xây dựng, nên chú ý lợi dụng địa hình, địa vật để chắn gió mạnh cho công trình, nhà ở. Xây dựng nhà tập trung thành từng khu vực, bố trí các nhà nằm so le với nhau.

Ở những nơi có điều kiện, có đất rộng thì nên trồng hàng cây có độ chống chịu cao để chắn gió mạnh thổi vào nhà. Không nên xây dựng nhà tại các nơi trống trải, giữa cánh đồng, ven sông lớn.

Về kiến trúc, kích thước nhà phải hợp lý, tránh nhà mảnh và dài. Đơn giản nhất là mặt bằng hình vuông và hình chữ nhật có chiều dài không lớn hơn 2,5 lần chiều rộng; bố trí mặt bằng các bộ phận cần hợp lý, tránh mặt bằng có thể tạo túi hứng gió như mặt bằng hình chữ L, chữ T và chữ U…; tăng cường kết cấu xung quanh cho những phòng quan trọng trong nhà, có thể làm chỗ trú ẩn cho những người đang có mặt trong khi xảy ra thiên tai.

Về giải pháp kết cấu, nhà ở, công trình cần kiên cố, liên kết chắc chắn các bộ phận từ mái, tường, cửa tới móng theo cả 2 phương ngang và phương thẳng đứng.

Ngày nay, nhà ở của dân thường đã kiên cố phần móng, tường, cửa, nhưng phần mái thì xây dựng mỗi hộ đều khác nhau, ít chú trọng đến an toàn chống gió mạnh, nên đa số nhà thường bị tốc mái, dầm, đòn tay, kèo hơn là bị sập.

Do vậy, mái, dầm, kèo đỡ, đòn tay phải liên kết chắc với kết cấu tường, cột; mái nhà nên sử dụng mái liền, giảm sự thò dài của mái để tránh bọc gió.

Đối với nhà ở đã xây dựng, đang ở, mái lợp lá, tôn kẽm, tôn fibro xi măng, ngói..., phải được dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn kết hợp neo, buộc dây cho chắc chắn và chất lên mái các vật có tải trọng đủ nặng như bao chứa cát, túi nilon chứa nước… để hạn chế tốc mái khi có gió mạnh.

Tùy theo điều kiện của từng nơi, từng hộ mà chọn cách chằng, chống giảm thiểu tốc mái, sập nhà phù hợp nhất.

Theo dõi tin tức, quan sát hiện tượng thời tiết để tránh lốc xoáy

Hiện nay, các dự báo về thời tiết nói chung và mưa, giông nói riêng được thông tin khá phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng điện tử… và ngay cả trên điện thoại thông minh của từng người.

Tuy nhiên, độ chính xác về không gian, thời gian xảy ra mưa, giông sau khi có dự báo là khác nhau. Người dân, các tổ chức cần cân nhắc, lựa chọn, khai thác sử dụng.

Về dự báo mưa, giông ở khu vực tỉnh ta, hiện nay bản tin dự báo của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long là đáng tin cậy, có độ chính xác khá cao.

Đài có thể dự báo được khoảng thời gian (trước 30-40 phút hoặc vài giờ tới) và khu vực (huyện, thị xã hay thành phố trong tỉnh) có thể xảy ra mưa lớn, giông, kèm theo cảnh báo lốc xoáy, sét có khả năng xuất hiện cùng với mưa, giông.

Từ đó, các bản tin dự báo được Đài Phát thanh- Truyền hình, Báo Vĩnh Long thông tin rộng rãi và được ban chỉ huy phòng, chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) các cấp, các ngành trong tỉnh sử dụng để chỉ đạo, điều hành phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Những năm qua, Văn phòng Thường trực ban chỉ huy PCTT- TKCN cấp tỉnh, huyện đã thiết lập hệ thống tin nhắn nhanh SMS để thông tin về dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn, thiên tai nói chung, mưa, giông nói riêng đến 1.792 đầu số điện thoại di động là tổ chức, các cá nhân có liên quan trong công tác phòng, chống thiên tai.

Bên cạnh, các tổ chức, cá nhân còn sử dụng các trang điện tử (như Zalo, Facebook...) lập các nhóm để trao đổi thông tin với nhau hoặc chính quyền ở cơ sở khai thác thông tin, loan báo trên hệ thống loa truyền thanh ở cấp xã để người dân biết.

Nhờ đó, các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai được lan tỏa khắp nơi, góp phần giúp người dân chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Song song đó, người dân cần theo dõi, quan sát bầu trời, trong mùa mưa chú ý đến hướng Tây Nam để nhận biết mưa, giông.

Khi thấy đám mây gây mưa, giông kéo đến (đám mây có màu đen, xám xịt, vắt ngang một dãy dài trên nền trời) thì người đi trên sông lớn phải nhanh chóng trở vào bờ hoặc di chuyển tìm nơi tránh, trú an toàn.

Ở trên đất liền, khi thấy có gió mạnh nên lập tức đóng cửa, cài chặt các then, chốt cửa cái, cửa sổ để phòng gió giật làm bung cửa và để tránh gió luồn vào nhà, gây tốc mái; cần sơ tán người già và trẻ em ra khỏi những căn nhà tạm bợ, đến những nơi an toàn, vững chắc hơn.

Mọi người phải tìm những nơi trú ẩn an toàn như các nhà kiên cố, tránh núp dưới bóng cây, nhà tạm bợ dễ bị ngã đổ gây tai nạn.

Tháng 7, tháng 8 là thời đoạn ít mưa của mùa mưa cũng là lúc giông, lốc xoáy thường xảy ra nhiều nhất. Ở những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của lốc xoáy, người dân và các tổ chức cần đề phòng, thực hiện ngay các biện pháp phòng, tránh để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản ở mức thấp nhất.

Bài, ảnh: THÀNH THẶNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh