Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), đẩy mạnh quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (gọi tắt là Nghị quyết 24), công tác ứng phó với BĐKH ở tỉnh Vĩnh Long có những chuyển biến tích cực, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do các hiện tượng khí tượng, thiên tai cực đoan từ BĐKH gây ra.
Thủy lợi, giao thông bộ được đầu tư lớn, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, bảo vệ tốt cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Trong ảnh: Đê bao kinh Xã Hời (Bình Tân). |
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), đẩy mạnh quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (gọi tắt là Nghị quyết 24), công tác ứng phó với BĐKH ở tỉnh Vĩnh Long có những chuyển biến tích cực, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do các hiện tượng khí tượng, thiên tai cực đoan từ BĐKH gây ra.
Những chuyển biến tích cực
Theo Sở TN-MT, thời gian qua, tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch về ứng phó BĐKH về cơ bản đã đáp ứng theo mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu tại Nghị quyết 24, cụ thể như: Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 16/9/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1031/QĐ-UBND ngày 9/7/2014 về phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU. BCĐ về ứng phó với BĐKH giai đoạn 2014-2020, giai 2021-2030 được thành lập để chỉ đạo công tác ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đã 2 lần phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó BĐKH vào năm 2016 và 2021, trong đó đã đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình trọng tâm, các dự án ưu tiên ứng phó BĐKH và là cơ sở cho hoạch định, cập nhật chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của ngành, địa phương trong giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Về giải pháp phi công trình, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.
Nhiều mô hình bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, các chương trình, dự án về giảm nhẹ khí nhà kính góp phần bảo vệ khí hậu đã được triển khai trên các ngành, lĩnh vực (phát triển năng lượng tái tạo- điện mặt trời, chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, sản xuất vật liệu xanh, xây dựng công trình xanh, đô thị xanh, đô thị sinh thái…); đặc biệt là mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ đã phát triển mạnh mẽ.
Sản xuất theo hướng GAP (sản xuất nông nghiệp tốt); trong đó, ứng dụng các biện pháp “3 giảm, 3 tăng” hay “1 phải, 5 giảm”, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM), công nghệ sinh thái, kỹ thuật trồng lúa cải tiến SRI, lúa hữu cơ; mô hình sản xuất rau màu trong nhà lưới, nhà màng, tưới tiết kiệm nước… được triển khai ứng dụng có hiệu quả trong lĩnh vực trồng trọt.
Thực hiện chăn nuôi tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP/ASC,VietGAP, BMP, chăn nuôi an toàn sinh học, triển khai chương trình khí sinh học biogas… đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng BĐKH.
Những năm gần đây, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có gần 1 triệu cây lâm nghiệp, cây xanh được trồng góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho môi trường xung quanh, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với BĐKH. Giai đoạn 2013-2022, chủ động di dời, sắp xếp lại hơn 1.100 hộ dân ở những vùng thường xuyên bị tác động của lũ lụt, bão và những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất.
Về giải pháp công trình, đầu tư cho ứng phó BĐKH được lồng ghép vào nhiều nguồn vốn. Lĩnh vực thủy lợi, giao thông và phát triển đô thị được tập trung đầu tư nhiều công trình nhất. Đến nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo nhu cầu cơ bản cho công tác ứng phó BĐKH, phòng, chống thiên tai. Hệ thống thủy lợi đã khép kín trên 94% diện tích canh tác (tương đương 112.855ha).
Hệ thống giao thông bộ từng bước xây dựng, nâng cấp kết nối với hệ thống thủy lợi ứng phó hiệu quả với xâm nhập mặn, triều cường. Đã xây dựng 21 công trình dự báo, cảnh báo thiên tai đang hoạt động tốt phục vụ tích cực cho công tác dự báo. Hệ thống điện, thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình đảm bảo thông suốt thông tin khi thiên tai xảy ra.
Chương trình phát triển nhà, cơ sở giáo dục và đào tạo, nhà văn hóa công cộng… được triển khai mạnh mẽ, là chỗ ở, trú ẩn an toàn khi có mưa lớn, gió mạnh xảy ra. Ngành cấp nước cũng đã đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo nhiều công trình cấp nước sạch, đến nay đã có trên 94% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch.
Những khó khăn, thách thức mới
Theo đánh giá của ngành chức năng, công tác ứng phó BĐKH trong thời gian qua còn những hạn chế nhất định. Đó là, hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về ứng phó BĐKH chưa hoàn thiện; công tác dự báo còn gặp khó khăn với một số loại hình thời tiết, thiên tai cực đoan như lốc, sét, sạt lở bờ sông; đội ngũ cán bộ tham gia công tác ứng phó BĐKH còn hạn chế về chuyên môn và số lượng; vật tư, phương tiện, trang bị kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu, còn khó khăn khi tổ chức ứng phó thiên tai lớn xảy ra.
Công tác ứng phó BĐKH đòi hỏi kinh phí thực hiện lớn, trong khi nguồn lực tài chính của tỉnh còn hạn chế, từ đó dẫn đến triển khai các giải pháp, các chương trình, dự án ứng phó BĐKH, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ và mục tiêu đề ra.
Song song đó, tại Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (UBND tỉnh phê duyệt ngày 23/3/2021), các yếu tố khí tượng, khí hậu trên địa bàn tỉnh được dự báo có xu thế biến đổi theo hướng tiêu cực hơn trong tương lai, làm xuất hiện các loại hình thiên tai, thời tiết cực đoan mới trái với quy luật, cường độ quy mô thiên tai xu thế gia tăng, tần suất thiên tai càng dày hơn.
Trong đó, mưa (mưa lớn), mực nước sông (triều cường) có xu thế gia tăng, ngập lụt thường xuyên tại các đô thị và nguy cơ xâm nhập mặn lan rộng từ nay đến năm 2050. Bên cạnh đó, nguồn nước ở vùng ĐBSCL (trong đó có Vĩnh Long) còn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi hoạt động của con người ở thượng lưu. Lũ có xu thế giảm nhưng do phụ thuộc vào vận hành của các đập thủy điện, thủy nông ở thượng nguồn nên diễn biến lũ về ĐBSCL và triều cường rất khó lường.
Vì vậy, công tác ứng phó BĐKH cần được quan tâm đầu tư hơn nữa để đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra tại các chương trình, kế hoạch về ứng phó BĐKH trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 24, góp phần chủ động hơn, thực hiện hiệu quả hơn trong phòng, chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin