Không ít người từ vùng miền khác về miền Tây hay than: "Sao xứ gạo mà ăn cơm dở quá?". Đó là thực tế, khi ngoài một số nhà hàng nổi tiếng, còn lại cả hệ thống quán cơm bình dân đều có chất lượng gạo… không nuốt nổi.
(VLO) Không ít người từ vùng miền khác về miền Tây hay than: “Sao xứ gạo mà ăn cơm dở quá?”. Đó là thực tế, khi ngoài một số nhà hàng nổi tiếng, còn lại cả hệ thống quán cơm bình dân đều có chất lượng gạo… không nuốt nổi.
Người dân thì không ít người ăn gạo Thái, gạo Đài Loan. Đó là bất hợp lý đầu tiên của “xứ gạo”. Còn ở “vương quốc trái cây” thì lâu lâu lại xuất hiện loại trái cây hot, giống cây mới của… Thái, hoặc của một nước nào đó.
Riêng về giống cây trồng có thể nói thiệt tình rằng mình đã đi sau nước bạn láng giềng Thái Lan. Mới liệt kê sơ sơ đã thấy những bất hợp lý, những khoảng trống mênh mông của nền nông nghiệp đồng bằng.
Với chuyện gạo dở trong các quán cơm bình dân, đây không phải chỉ là chuyện nhu cầu ăn ngon, mà thông qua hệ thống quán ăn cũng chính là kênh quảng bá gạo xứ mình.
Đây là câu chuyện dài với nhiều nguyên nhân và những thói quen kinh doanh khó lòng thay đổi trong một sớm, một chiều. Trong khi lâu lâu đồng bằng có được giống gạo ngon mới xuất hiện thì y như rằng không lâu thị trường sẽ xuất hiện gạo giả, gạo nhái thương hiệu.
Với xứ sở cây trái đồng bằng, thì càng có nhiều chuyện không vui. Chúng ta có nhiều viện, nhiều trung tâm nghiên cứu vật nuôi, cây trồng, nhưng trong lĩnh vực tạo nên những dòng cây trái lai tạo mới thì có lẽ còn thua xa Thái Lan.
Có lẽ Hai Lúa tui nói vậy dễ… chạm tự ái mấy nhà nghiên cứu, nhưng thực tế là vậy. Cùng với đó là tâm lý sính trái cây ngoại của người tiêu dùng, có những giống cây trái là thế mình xứ mình, nhưng có khi người ta dám bỏ tiền triệu để ăn một trái cây nhập từ nước ngoài về.
Điều này, trước khi trách người tiêu dùng, cần nhìn lại công tác nghiên cứu lai tạo giống cây trồng ở nước ta.
Từ đây, dẫn đến hệ lụy đáng buồn là những ai sớm có loại giống cây mới từ nước ngoài sẽ tranh thủ tối đa để quảng bá, để bán giống cho nông dân với giá đắt đỏ.
Cùng với đó, là công tác quản lý, kiểm soát giống cây trái hình như còn… thả nổi. Từ đây kéo theo nhiều hệ lụy, mà người lãnh đủ, người chịu thiệt hại nhiều nhất chính là nông dân.
Lâu lâu thấy một nông dân khoe có giống cây mới, có khi họ nhận nguồn từ nước ngoài về, thỉnh thoảng cũng mừng có những giống cây do chính nông dân mình tìm tòi lai tạo nên.
Nhưng trong niềm vui vẫn có một nỗi buồn không hề nhẹ, bởi ai cũng hiểu một nền nông nghiệp không mạnh về giống, thì sẽ khó lòng là một nền nông nghiệp có sức cạnh tranh mạnh mẽ.
Hailua@.com
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin