6 tháng đầu năm 2023, mặc dù bối cảnh trong nước, của tỉnh tiếp tục còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm và đời sống người dân cơ bản ổn định; các lĩnh vực văn hóa- xã hội, quốc phòng- an ninh, xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Đại biểu thảo luận nhiều vấn đề cử tri quan tâm. |
(VLO) 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù bối cảnh trong nước, của tỉnh tiếp tục còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm và đời sống người dân cơ bản ổn định; các lĩnh vực văn hóa- xã hội, quốc phòng- an ninh, xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa X, các đại biểu đề xuất các giải pháp thiết thực để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.
Tăng trưởng nhưng còn chậm
Theo UBND tỉnh, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy; sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, 6 tháng đầu năm 2023, các cân đối lớn của nền kinh tế tỉnh được đảm bảo ổn định, kinh tế tiếp tục tăng trưởng.
Trong đó, GRDP của tỉnh ước đạt 18.934 tỷ đồng, tổng sản phẩm tăng 1,5% so cùng kỳ. Thu, chi ngân sách đạt tiến độ dự toán.
Bên cạnh, hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư được tăng cường; công tác tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được quan tâm thực hiện; đã phát triển mới 192 doanh nghiệp, thành lập mới 5 HTX. Kim ngạch xuất khẩu đạt 348,6 triệu USD, đạt 47,7% kế hoạch.
Việc huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, NTM được tập trung, tỉnh có thêm 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và 3 xã NTM nâng cao.
Song song đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, chăm lo người có công luôn được quan tâm thực hiện; an sinh xã hội được đảm bảo; tăng cường kết nối cung- cầu lao động, hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm mới gần 13.000 lao động, đạt tỷ lệ 65%, tăng 4,5%. Hoạt động khám, chữa bệnh ngày càng nâng cao chất lượng…
Cùng với đó, an ninh chính trị được giữ vững. Trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ điều tra phá án đạt 89,6%.
Công tác đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, ma túy, môi trường, triệt xóa các tệ nạn xã hội đạt hiệu quả cao. Công tác cải cách, đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tiếp tục được thực hiện nghiêm túc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình KT-XH của tỉnh còn những hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự ổn định vững chắc; nhu cầu tiêu dùng, xuất khẩu giảm mạnh, chính sách tiền tệ thắt chặt; một số sản phẩm nông nghiệp có thời điểm khó tiêu thụ… đã ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Mức tăng trưởng kinh tế đạt thấp so mục tiêu đề ra; sản xuất công nghiệp, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn; một số doanh nghiệp cắt giảm quy mô hoặc dừng hoạt động; kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, áp lực lãi suất tăng cao, nguy cơ nợ xấu tăng; tình hình dịch bệnh, thiên tai dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp.
Triển khai quyết liệt các giải pháp
Công tác chăm lo người có công luôn được quan tâm thực hiện. |
Thời gian tới, KT-XH trong tỉnh được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nguồn lực tái đầu tư tăng chậm, sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng chậm...
Do đó, để hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2023 với kết quả cao nhất, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách- HĐND tỉnh, kiến nghị cần tập trung các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết 79 của HĐND tỉnh.
Theo đó, quan tâm ổn định sản xuất nông nghiệp, giải quyết khó khăn cho công nghiệp và dịch vụ để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước và có nguồn chăm lo an sinh xã hội; điều hành phương án thu, chi ngân sách nhà nước cho phù hợp với tình hình KT-XH, đặc biệt là giải pháp tăng thu ở một số nguồn có khả năng.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ giống, hạ tầng, liên kết sản xuất- tiêu thụ, nguồn nhân lực…
Ông Nguyễn Đắc Phương- Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh, kiến nghị trong các giải pháp thực hiện cần cụ thể hơn, nhất là về giải quyết việc làm, tuyển dụng lao động, đào tạo nghề.
Trong đó, cần đánh giá kỹ tình trạng mất việc, thiếu việc, giảm giờ làm... để có chính sách phù hợp với người lao động, góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội.
Bên cạnh, quan tâm giải pháp về củng cố y tế cơ sở; cung ứng thuốc điều trị, vật tư y tế trong hệ thống y tế công lập; quan tâm khắc phục tình trạng chậm cấp thẻ BHYT đáo hạn cho người dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đến các cơ sở khám, điều trị bệnh tại các cơ sở y tế trong, ngoài tỉnh.
Xoay quanh những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh các ngành, các cấp sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023; khẩn trương hoàn thành và triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Song song, tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp xanh, sạch; hỗ trợ xây dựng các nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng; thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, khuyến công…
Đồng thời, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; chăm lo đời sống nhân dân; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Đồng thời, tăng cường triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách tư pháp; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị và hành chính công, cải cách hành chính và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Trước Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa X, các vị đại biểu đã nghiên cứu, thảo luận, đóng góp 113 lượt ý kiến, trong đó có 96 ý kiến tập trung vào lĩnh vực KT-XH, quốc phòng- an ninh. Nhiều ý kiến cho rằng, với kết quả đạt được cho thấy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, điều hành của chính quyền và sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự chia sẻ khó khăn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật, tạo được niềm tin trong nhân dân, doanh nghiệp, đối với các cấp ủy đảng, chính quyền về triển khai thực hiện kịp thời các chương trình phục hồi, phát triển KT-XH. |
Bài, ảnh: CẨM HUỆ- XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin