Phòng chống thiên tai: Cần chủ động phòng ngừa

01:06, 27/06/2023

Tại nhiều địa phương, thiên tai diễn biến ngày một cực đoan, khó lường hơn. Do đó, để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, theo ngành chức năng, cần thay đổi tư duy trong thực hiện phương châm chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa. 

Thiên tai, sạt lở diễn biến khó lường, gây nhiều thiệt hại.
Thiên tai, sạt lở diễn biến khó lường, gây nhiều thiệt hại.

(VLO) Tại nhiều địa phương, thiên tai diễn biến ngày một cực đoan, khó lường hơn. Do đó, để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, theo ngành chức năng, cần thay đổi tư duy trong thực hiện phương châm chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng chống thiên tai (PCTT).

Thời tiết cực đoan, thiên tai khó lường

Theo BCĐ Quốc gia về PCTT, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) trong đó có hơn 1.000 trận thiên tai đã được thống kê.

Tại Vĩnh Long, theo Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tình hình diễn biến sạt lở trong những năm gần đây xảy ra rất phức tạp và ngày càng nghiêm trọng.

Sạt lở gây ảnh hưởng đến nhà ở các hộ dân sống dọc theo hai bên bờ sông, làm mất diện tích đất sản xuất, ảnh hưởng kết cấu hạ tầng và luôn đe dọa cuộc sống của người dân. Hàng năm xảy ra khoảng 200 điểm, tuyến sạt lở, làm mất từ 5-6km bờ sông, kênh, rạch, thiệt hại về tài sản trên 10 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, xâm nhập mặn cũng đã làm ảnh hưởng đến đất nông nghiệp trong đó chủ yếu là cây ăn trái. Xâm nhập mặn thường gây ra thiếu nước, nặng nhất là vào mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020, các năm còn lại xâm nhập mặn diễn ra nhưng thiệt hại không đáng kể.

Nguyên nhân tình trạng hạn xảy ra hàng năm một phần là do thiếu nguồn nước (đặc biệt là ở khu vực Nam Mang Thít), nguyên nhân khác là do hệ thống công trình thủy lợi chưa đồng bộ và hoàn chỉnh: kênh mương bị bồi lắng, hệ thống trạm bơm còn thiếu, đóng cống dài ngày để ngăn mặn... nên chưa đáp ứng được nhu cầu đưa nước vào mặt ruộng của toàn bộ diện tích canh tác, dẫn đến hạn hán cục bộ tại một số nơi.

Song song đó, triều cường và mưa lớn cũng là một loại hình thiên tai gây ra nhiều thiệt hại cho tỉnh. Đặc biệt những trận mưa lớn xảy ra trong mùa khô và mưa lớn diện rộng trong mùa mưa xảy ra với tầng suất nhiều hơn trong những năm gần đây.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, trong 6 tháng đầu năm nay, ước tổng thiệt hại do thiên tai trên 7,7 tỷ đồng. Các loại thiên tai chủ yếu là giông, lốc, mưa lớn, sét, sạt lở bờ sông, triều cường.

Cụ thể, giông, lốc, mưa lớn, sét làm chết 1 người (do sét đánh), sập 2 căn nhà; tốc mái 7 căn nhà; xảy ra 82 tuyến, điểm sạt lở (tăng 63 tuyến/điểm so với cùng kỳ năm trước), làm mất trên 2.400m bờ sông, kênh, rạch kèm theo các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn, ước thiệt hại trên 7,5 tỷ đồng (tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ); triều cường làm sạt lở 1 đoạn bờ bao mới thi công với chiều dài 80m, chiều ngang 4m...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT- Nguyễn Văn Liêm cho biết: Tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch xảy ra nhiều nơi (mỗi năm xảy ra hàng trăm điểm/tuyến sạt lở), tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên số điểm/tuyến được xử lý khắc phục rất ít, chỉ chiếm khoảng 20-30% so với nhu cầu.

Tỉnh cũng đã thực hiện nhiều giải pháp phòng chống sạt lở, trong đó, thường xuyên kết hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn khai thác cát, xây dựng công trình sai phép, trái phép làm ảnh hưởng hoặc gây sạt lở bờ sông, kênh rạch.

Chủ động ứng phó, phòng ngừa

Thời gian qua, nhờ sự chủ động của các ngành, địa phương và cộng đồng nên công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn đã đạt kết quả toàn diện, góp phần giảm tối đa thiệt hại.

Công tác khắc phục hậu quả được triển khai nhanh chóng, kịp thời ngay sau khi thiên tai xảy ra góp phần giảm thiệt hại tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Tuy nhiên, theo ngành chức năng, công tác PCTT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: khả năng chống chịu của kết cấu hạ tầng nói chung cũng như công trình PCTT nói riêng còn thấp; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế; nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu...

Để làm tốt hơn công tác PCTT trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Liêm cho biết: Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng thủy văn, thiên tai xảy ra; phối hợp ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.

Đồng thời, chuẩn bị các phương án đề phòng giông lốc, di dời dân trong vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở vào mùa mưa; kịp thời tổ chức triển khai các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình thiên tai năm 2023 có khả năng ở mức trung bình so với nhiều năm trước.

Để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, công tác PCTT cần tập trung vào nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, cần chú trọng rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tai và tập trung vào các nhiệm vụ như xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện chiến lược, chương trình tổng thể PCTT quốc gia.

Đồng thời, cần nâng cao chất lượng dự báo cảnh báo và theo dõi giám sát thiên tai; tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành công tác cứu hộ, cứu nạn, nâng cao năng lực cho cứu hộ cứu nạn đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Song song đó, phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng, tập trung vào việc phổ biến quy định kiến thức liên quan đến công tác PCTT.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh