Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa X: Lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành trả lời chất vấn

09:06, 15/06/2023

Sáng 15/6,  Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa X, nhiệm kỳ 2021- 2026 bước vào nội dung chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề cử tri và đại biểu HĐND quan tâm.

 

Sáng 15/6,  Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa X, nhiệm kỳ 2021- 2026 bước vào nội dung chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề cử tri và đại biểu HĐND quan tâm.

Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khoá X diễn ra sáng 15/6.
Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khoá X diễn ra sáng 15/6.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri các kỳ họp trước và đợt tiếp xúc cử tri kỳ họp thứ 6 tỉnh Vĩnh Long khóa X. 

Theo báo cáo, từ sau kỳ họp thứ 5 đến trước kỳ họp thứ 6, UBND tỉnh nhận và trả lời 165 ý kiến, kiến nghị của cử tri, liên quan đến các lĩnh nông nghiệp, thủy lợi, nước sạch vệ sinh môi trường; giao thông vận tải; tài nguyên và môi trường; quản lý thị trường...

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri các kỳ họp trước và đợt tiếp xúc cử tri kỳ họp thứ 6 tỉnh Vĩnh Long khóa X.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri các kỳ họp trước và đợt tiếp xúc cử tri kỳ họp thứ 6 tỉnh Vĩnh Long khóa X.

Nhìn chung, các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được các sở, ngành tập trung nghiên cứu, tiếp thu và giải quyết đầy đủ. Tuy nhiên theo đánh giá, các kiến nghị liên quan đến việc xử lý tồn tại về đất đai, hạ tầng giao thông, thủy lợi, chế độ chính sách đối với cấp cơ sở,…vẫn còn chậm. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri có lúc, có việc còn chưa chặt chẽ...

Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, sẽ chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể, bảo đảm kịp thời giải quyết các kiến nghị của cử tri; tăng cường bám sát tình hình cơ sở để xử lý những vấn đề phức tạp tồn đọng kéo dài. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri đối với các sở, ngành, địa phương, nhất là các kiến nghị cấp thiết gắn với cuộc sống dân sinh.

* Đại biểu Lê Chí Thanh- đơn vị TP Vĩnh Long chất vấn:

UBND có kế hoạch gì công tác quy hoạch vùng trồng, quá trình thực hiện quy hoạch, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; việc cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn chất lượng; việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, liên kết sản xuất tiêu thụ, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đóng gói nông sản chủ lực của tỉnh phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu?

* Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh: Xây dựng vùng trồng nông sản an toàn, bền vững, mở rộng thị trường xuất khẩu

Xem video clip

Tỉnh luôn xác định quy hoạch vùng trồng là nhiệm vụ quan trọng, vì vừa đảm bảo mục tiêu xây dựng vùng hàng hóa tập trung, vừa giúp cho công tác đầu tư đúng mục tiêu, tránh dàn trải.

Hiện nay, tỉnh đã xây dựng kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực  và tiềm năng  để định hướng phát triển và tổ chức sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt; dự kiến đến năm 2030, diện tích đạt 169.500 ha, sản lượng khoảng 2,6 triệu tấn/năm. Các hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh.

Tính đến tháng 5/2023, trên địa bàn tỉnh có 107 vùng trồng đã được cấp mã số; 12 cơ sở được chứng nhận các tiêu chuẩn GAP, ISO và tương đương; 24 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu.

Công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, liên kết sản xuất tiêu thụ, xúc tiến thương mại được tập trung chỉ đạo. Tổng sản lượng nông sản xuất khẩu của tỉnh hàng năm trên 32.000 tấn. Thị trường xuất khẩu nông sản chủ yếu của tỉnh là Trung Quốc, Mỹ, Úc…

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước vẫn còn một số hạn chế như: Công tác xây dựng vùng trồng còn khó khăn, nhất là tiêu chí về diện tích tối thiểu (10ha). Chưa xây dựng được chuỗi liên kết bền vững.

Tiến độ thực hiện quy hoạch, phát triển mã số vùng trồng còn chậm. Chi phí kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đối tượng kiểm dịch thực vật còn hạn chế. Nhân lực phục vụ công tác kết nối với các doanh nghiệp nước nhập khẩu ở một số doanh nghiệp của tỉnh còn chưa đảm bảo, nhất là trình độ ngoại ngữ. Nhân lực hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng tại địa phương còn thiếu.

Công tác phòng, chống gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng còn chặt chẽ, ảnh hưởng đến uy tín vùng sản xuất, cũng như hoạt động duy trì, quản lý mã số vùng trồng.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau: Nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào Nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế- xã hội hàng năm của tỉnh.

Tập trung chỉ đạo phát triển vùng cây trồng theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Huy động nguồn lực (nhân lực và tài chính) hỗ trợ người dân xây dựng mã số vùng trồng, đóng gói sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ nông sản của tỉnh. Nhất là có các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhằm khuyến khích, phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Chỉ đạo ngành chức năng xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng hướng dẫn Trung ương. Đặc biệt chú trọng các quy định, điều kiện sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu; thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện nghiêm công tác quản lý, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; thực hiện tốt công tác thông tin, dự báo thị trường tiêu thụ nông sản, các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng nông sản của từng thị trường tiêu thụ.

Triển khai các giải pháp kết nối mở rộng thị trường và kênh phân phối cho sản phẩm nông sản tỉnh; Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, thương mại điện tử.Tập trung đầu tư hạ tầng tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

* Đại biểu Phan Kim Quyên- đơn vị huyện Tam Bình

Theo kế hoạch đến cuối vào năm 2024, BVĐK tỉnh sẽ được xây dựng thành bệnh viện tuyến cuối theo Nghị quyết HĐND tỉnh. Đến nay còn khoảng 18 tháng thực hiện, ngành y tế đã thực hiện được những việc gì thời gian qua; những khó khăn, vướng mắc và giải pháp gì thời gian tới để đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra?

Vẫn còn bộ phận đội ngũ ngành y tế đối xử chưa chuẩn mực với người bệnh, lãnh đạo ngành làm gì để khắc phục tình trạng này?

* Ông Văn Công Minh- Giám đốc Sở Y tế: Phối hợp hỗ trợ đào tạo đội ngũ bác sĩ đáp ứng yêu cầu

Để xây dựng BVĐK tỉnh thành bệnh viện tuyến cuối, hiện ngành y tế đã xây dựng đề án triển khai thực hiện.

Cụ thể, để thực hiện đề án, ngành y tế là đưa đào tạo nguồn nhân lực, ký kết phối hợp với các viện, trường hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng đội ngũ y, bác sĩ. Tuy nhiên, dù ngành đã tập trung chuẩn bị ngay từ đầu nhưng cũng gặp không ít khó khăn, nhất là việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tuyển dụng sau đại dịch. Để chủ động, vừa qua Sở Y tế đã phối hợp với Trường Đại học Y dược Cần Thơ hỗ trợ bệnh viện nguồn nhân lực với 12 bác sĩ chuyên khoa 2 và tiến sĩ để làm lãnh đạo các khoa theo tiêu chuẩn.

Bên cạnh, năm 2022 BVĐK tỉnh cũng đưa đào tạo 28 cán bộ, trong đó có 19 bác sĩ, 9 điều dưỡng để chuyển giao kỹ thuật bệnh viện tuyến trên. Năm 2023, theo kế hoạch tiếp tục đưa đào tạo, đến nay là 20/34 cán bộ, trong đó 24 bác sĩ, còn lại điều dưỡng, mục đích để sau đó ký kết hợp đồng với bệnh viện làm việc.

Xem video clip

Về trang thiết bị, trước đây bệnh đã được đầu tư một phần cơ bản. Và sau đó là việc triển khai nguồn vốn ODA của Chính phủ Áo đầu tư trang thiết bị cho bệnh viện. Tuy nhiên, sau dịch COVID- 19 lại gặp khó khăn do vướng cơ chế quy định trang thiết bị về Việt Nam phải cấp mã số lưu hành. Sau đó, các nhà thầu thực hiện thủ tục trình Bộ Y tế 57 danh sách trang thiết bị, đến thời điểm này đã đầy đủ. Tuy nhiên, trang thiết bị loại C và D còn 9 danh mục đang vướng. Để giải quyết, Sở Y tế đang phối hợp các bộ ngành tiếp tục tháo gỡ. Theo cam kết trong tháng 7 này 9 danh mục thiết bị còn lại sẽ được cấp mã số lưu hành.

Liên quan đội ngũ y ngành y tế đối xử chưa chuẩn mực người bệnh, đặc biệt tại BVĐK tỉnh, Giám đốc Sở Y tế đã tiếp thu, ghi nhận ý kiến phản ánh của đại biểu HĐND, đồng thời cho biết giải pháp trong thời gian tới ngoài tuyên truyền sẽ có bước chấn chỉnh. Cụ thể, đối với cơ sở y tế đơn vị sự nghiệp sẽ thành lập cơ chế tự kiểm soát đồng bộ, đánh giá khắc phục không chỉ về quy tắc ứng xử mà cơ chế còn kiểm soát hoạt động của cơ sở…

 

Tin, ảnh: MINH ANH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh