Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Phạm Hùng quê ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Được nuôi dưỡng, giáo dục và tiếp thu truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương, ông đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước. Một đời người 60 năm cống hiến cho hoạt động cách mạng, bác Hai luôn dành tình cảm đậm sâu, gắn bó với quê hương Vĩnh Long. Ông là tấm gương mẫu mực cho thế hệ sau học tập và noi theo.
Thế hệ trẻ hôm nay tự hào tiếp bước bác Hai Phạm Hùng. |
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Phạm Hùng quê ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Được nuôi dưỡng, giáo dục và tiếp thu truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương, ông đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước. Một đời người 60 năm cống hiến cho hoạt động cách mạng, bác Hai luôn dành tình cảm đậm sâu, gắn bó với quê hương Vĩnh Long. Ông là tấm gương mẫu mực cho thế hệ sau học tập và noi theo.
Người con Vĩnh Long giản dị, hết lòng vì dân
Đồng chí Phạm Hùng tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912 tại làng Long Hồ, quận Châu Thành (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ). Là người con thứ hai trong gia đình có truyền thống gia giáo, thời niên thiếu Phạm Văn Thiện chứng kiến nỗi khổ dân ta mất nước, nhìn thấy bao cảnh đời cơ cực, nên luôn mang đầy tâm trạng, hoài bão lớn.
14 năm hy sinh tuổi thanh xuân trong lao tù, trên những chiến trường ác liệt, trước những bước ngoặt của cách mạng hay trước những nhiệm vụ mới nặng nề, đầy khó khăn, phức tạp… đồng chí Phạm Hùng luôn tỏ rõ là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân...
Trong ký ức của nhiều thế hệ người Vĩnh Long, bác Hai luôn được tin yêu, kính trọng với hình ảnh gần gũi giản dị, hết lòng vì dân. Theo nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cửu Long- Trương Công Giang, năm 1982, nhân dịp bác Hai về thăm làm việc với tỉnh, lần đầu tiên gặp bác Hai, ông vô cùng phấn khởi, khâm phục, ngưỡng mộ nhân vật Phạm Hùng, người cộng sản chân chính “sẵn sàng lên máy chém”.
Ở tuổi 70, bác Hai hồng hào khỏe mạnh. Bác bận bộ đồ xám, mái tóc màu tro bạc, đôi mắt sáng hiền từ cởi mở, bình dị. Bác Hai nói chuyện ngắn gọn, rõ ràng, chặt chẽ.
Ông Trương Công Giang đã nhiều lần tới thăm nhà của bác Hai ở xã Long Phước và kể rằng: “Tiếng là quê hương, gia đình, nhà cửa của vị đứng đầu chính phủ của một quốc gia, cho đến nay vẫn không có gì gọi là bề thế, no đủ (thập niên đầu sau giải phóng cũng thiếu gạo ăn như bao người dân khác). Căn nhà nhỏ lợp tôn (dưới cấp 4) mấy cái giường vạc, vài ba chiếc ghế đôn gỗ mộc, có ai ra vào thăm hỏi thì chủ khách ngồi trên giường nói chuyện”.
Khi tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh hợp nhất thành tỉnh Cửu Long, những lần về thăm quê hương, bác Hai đã góp ý, trao đổi với lãnh đạo địa phương nhiều vấn đề khác nhau. Ông Nguyễn Chiến Thắng- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chia sẻ: “Khi về làm việc với tỉnh, đồng chí Phạm Hùng lưu ý, khi xây dựng TP Vĩnh Long phải chú ý đặc điểm sông nước, xây dựng thành phố ven sông phải thật đặc biệt.
Bác Hai về thăm trường ông học thuở nhỏ, thăm Trường Mầm non Huỳnh Kim Phụng, thăm Trường Công nông Vĩnh Long. Khi nhắc đến trường học, ông quan tâm đến từng chi tiết, tính toán khoảng cách để trẻ em không phải đi học quá xa”.
Tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay
Hơn 20 năm làm việc ở Văn phòng UBND, ông Võ Ngọc Quang- nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cửu Long, đã có nhiều kỷ niệm đáng trân quý với bác Hai Phạm Hùng. “Khi anh Hai về tỉnh Cửu Long cùng đi xe qua Trà Ôn, xuống Cầu Ngang, rồi chúng tôi lội bộ xuống chỗ khó khăn nhất ở xã Trường Long Hòa.
Sau chiến tranh, dân chỉ còn cái chòi lá, ra thấy anh Hai lau nước mắt. Khu vực nổi tiếng vùng trồng dưa hấu Ba Động nên anh Hai ngạc nhiên khi thấy bà con trồng khoai lang. Khi hỏi thăm, bà con nói: “Dưa hấu trồng ăn chơi nhưng khoai lang mới là lương thực cứu đói”, anh Hai hết lòng động viên, khen ngợi lãnh đạo và bà con”.
Điều mà ông Võ Ngọc Quang luôn ấn tượng, ghi khắc hình ảnh bác Hai trong lòng là ý chí kiên cường, bất khuất, không lùi bước. “Anh Hai luôn vì nhân dân, lo cho dân từ việc nhỏ đến việc lớn. Nơi nào khó khăn thì anh không ngại đến giúp đỡ. Nội bộ công tác có gì chưa đúng thì anh em mạnh dạn nhận khuyết điểm, thẳng thắn chỉ bảo sửa đổi, luôn giữ tinh thần đồng đội, đồng chí gắn bó, đoàn kết keo sơn. Đó là điều mà mãi về sau chúng ta cũng cần học tập ở anh Hai”- ông Võ Ngọc Quang cho biết.
Ông Võ Ngọc Quang- nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cửu Long (thứ 2 từ trái sang) kể những kỷ niệm về Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng. |
Cùng với hơn 200 đoàn viên, thanh niên, sinh viên các trường CĐ, ĐH trên địa bàn tỉnh về nguồn và nghe kể chuyện về bác Hai Phạm Hùng, bạn Thái Kim Yến- Sinh viên Trường ĐH Kinh tế phân hiệu Vĩnh Long, xúc động chia sẻ:
“Khi nghe thuyết minh về những câu chuyện, quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng đã giúp em hiểu biết nhiều hơn, nhận thức sâu sắc hơn về những đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước. Chúng em có ý thức phấn đấu hơn trong học tập và các hoạt động phong trào, tích cực rèn luyện, trau dồi bản thân để có thể đóng góp cho đất nước, xứng đáng là thế hệ kế thừa”.
Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng đã yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng hơn 35 năm, nhưng trong tâm khảm của các thế hệ có cơ hội làm việc, trưởng thành bên cạnh ông, cả thế hệ sau nữa đều không quên những câu chuyện về người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người lãnh đạo tài ba vẫn hết sức giản dị, gần gũi. Nhắc đến ông, người dân xứ sở miệt vườn vẫn thường gọi một cách thân thương: Bác Hai!
Những ngày tháng 6 về, thêm một lần nhớ bác Hai, thêm một lần tự hào vì những trang sử oanh liệt, vẻ vang của Đảng và cách mạng Việt Nam. Tự hào về người con Vĩnh Long đã làm rạng danh quê hương giàu truyền thống yêu nước.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin