Không chỉ bị phạt tiền và bị tước giấy phép lái xe, sử dụng điện thoại khi lái xe còn tiềm ẩn rất lớn nguy cơ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều người mắc phải…
Khi cần thiết sử dụng điện thoại, người điều khiển phương tiện giao thông nên dừng xe sát lề đường một cách an toàn.Ảnh minh họa |
(VLO) Không chỉ bị phạt tiền và bị tước giấy phép lái xe, sử dụng điện thoại khi lái xe còn tiềm ẩn rất lớn nguy cơ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều người mắc phải…
Anh Huỳnh Thanh Sang ở TP Hồ Chí Minh về Vĩnh Long thăm bà con trên xe khách 16 chỗ của một hãng xe tại TP Vĩnh Long.
Trong suốt hành trình di chuyển, anh quan sát thấy tài xế liên tục vừa lái xe vừa nghe điện thoại, thậm chí tài xế này nhiều lần sử dụng điện thoại gọi người khác trong lúc xe vẫn đang di chuyển với tốc độ cao. “Tôi và nhiều hành khách trên xe vô cùng bức xúc và rất khó chịu.
Bởi xe nhỏ, chật hẹp nên khi một người nói là cả xe đều nghe, trong khi tài xế vẫn vô tư nói chuyện, thậm chí mở loa lớn”. Anh Sang cũng bức xúc cho rằng “vừa lái xe vừa liên tục sử dụng điện thoại, nếu một khi gặp tình huống bất ngờ, người lái xe không xử lý được thì tính mạng của hành khách sẽ ra sao?!”.
Anh Bùi Minh Phương (Phường 3, TP Vĩnh Long) là một tài xế xe hợp đồng, kể lại, buổi sáng hôm nọ anh chở khách từ Cần Thơ về Vĩnh Long, khi đến đoạn cầu Đôi về cầu Đường Chừa (xã Phước Hậu, huyện Long Hồ), phương tiện qua lại rất đông, một xe ô tô con đi rất chậm và ôm sát vạch kẻ đường gây cản trở nhiều phương tiện khác. Những xe sau bấm đèn xin nhường đường, thậm chí bấm còi, tuy nhiên xe con nọ cứ từ từ, từ từ...
Đến lúc, làn xe ngược chiều thông thoáng, những xe sau vượt qua được, nhìn sang xe ô tô con, phát hiện anh lái xe đang nói chuyện điện thoại, nên không quan tâm việc xung quanh.
“Bản thân tôi cũng là lái xe, nhưng tôi không bao giờ vừa lái xe vừa nghe điện thoại, bởi như vậy sẽ mất tập trung. Ngay cả khi để điện thoại kế bên, đang lưu thông trên đường, chuông điện thoại reo cũng làm dao động tâm lý.
Vì vậy, khi đang lái xe, tôi tắt điện thoại, hoặc để chế độ im lặng, khi đến điểm dừng an toàn mới xử lý”- anh Phương cho biết.
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, số vụ tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tương đương với số vụ tai nạn do người lái xe sử dụng rượu bia. Nghiên cứu cho thấy, tốc độ phản ứng của người lái xe khi sử dụng điện thoại giảm tới 50%.
Việc sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông sẽ gây phân tâm, hạn chế khả năng quan sát, khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung; khả năng điều khiển, kiểm soát tốc độ khi gặp tình huống bất ngờ bị giảm mạnh, trở nên lúng túng, không xử lý kịp thời rất dễ gây ra tai nạn.
Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Trong đó, quy định phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe tô tô có hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường.
Ngoài ra, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Phạt tiền từ 800.000đ đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh.
Ngoài phạt tiền, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Lái xe sử dụng điện thoại là hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro cao dẫn đến tai nạn. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng điện thoại, người điều khiển phương tiện nên tạt xe vào lề đường, dừng hẳn xe lại để sử dụng.
Hãy luôn nhớ rằng, không có cuộc gọi hay tin nhắn nào quan trọng bằng sinh mạng của chính bản thân và những người chung quanh!
Bài, ảnh: HẠNH UYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin