Nghỉ lễ 30/4 nhưng hàng ngàn kỹ sư, công nhân vẫn bám công trường để đưa các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam về đích đúng hẹn.
(VLO) Nghỉ lễ 30/4 nhưng hàng ngàn kỹ sư, công nhân vẫn bám công trường để đưa các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam về đích đúng hẹn.
Trên công trường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, dưới nắng nóng thường xuyên 35 độ C, hàng trăm kỹ sư, công nhân vẫn bám công trường miệt mài với công việc của mình.
Theo kế hoạch dự án sẽ về đích cuối năm nay nên tiến độ thực hiện khá khẩn trương, máy móc, thiết bị được tăng cường để đảm bảo tiến độ.
Trên công trường cầu Mỹ Thuận 2, để đảm bảo tiến độ công trình trọng điểm, nhiều kỹ sư, công nhân vẫn tình nguyện ở lại thi công xuyên lễ.
Theo Ban Quản lý dự án 7, dự án có 4 gói thầu xây lắp (3 gói thầu phần đường dẫn, 1 gói thầu thi công cầu chính). Cho đến nay, phần đường dẫn đã cơ bản hoàn thành. Sản lượng thực hiện đạt hơn 78%.
Đối với phần cầu chính, trong dịp lễ 30/4, 1/5, việc thi công tập trung chủ yếu vào công tác thi công đúc hẫng nhịp chính dây văng, phấn đấu đến ngày 9/11/2023 sẽ hợp long nhịp giữa.
Theo kế hoạch cuối năm 2023 khi cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành, cùng với cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, Mỹ Thuận- Cần Thơ sẽ hoàn thành tuyến cao tốc đường bộ từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, rút ngắn thời gian di chuyển của người dân và vận chuyển hàng hóa.
Một tin rất vui là cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây và Mai Sơn- QL45 cũng khánh thành dịp lễ này. Đây là “mảnh ghép” quan trọng rút ngắn tuyến cao tốc Bắc- Nam.
Cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây dài 99km, đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Còn cao tốc Mai Sơn- QL45 dài 63,37km, đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các đơn vị, không quản ngày đêm, thực hiện nghiêm các cam kết để đưa dự án vào hoàn thành. Đây là những đoạn cao tốc quan trọng, rút ngắn thời gian đi lại và đảm bảo an toàn.
TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã tiến sát về miền Trung, tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra khu công nghiệp mới, khu đô thị mới, khu dịch vụ mới.
Bộ GT-VT cho biết, mục tiêu đến năm 2025 cả nước ta sẽ có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc và sẽ thông toàn tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Đây là tin không thể vui hơn trong thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Mục tiêu tiếp tục là sự khẳng định, giao thông đang là lĩnh vực “đi trước, mở đường” trong thời gian tới!
N. HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin