Phòng chống thiên tai

Từ ứng phó đến hành động sớm

Cập nhật, 07:35, Thứ Ba, 23/05/2023 (GMT+7)

 

Hành động sớm giúp giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Hành động sớm giúp giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, các địa phương trong tỉnh đã chủ động, quyết liệt hơn thực hiện phương án phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn và với phương châm “phòng” hơn “chống”, từ ứng phó đến hành động sớm.

Hành động sớm giúp giảm thiểu thiệt hại

Theo ngành chức năng, năm 2023, thời tiết được dự báo là có nhiều diễn biến bất thường. Hiện tượng El Nino khiến nền nhiệt độ có thể lên đến mức kỷ lục kèm theo những hình thái thiên tai cực đoan.

Tại Vĩnh Long, thiệt hại do thiên tai từ đầu năm đến nay như mưa gió mạnh làm chết 1 người, tốc mái 2 căn nhà; sạt lở 7 điểm làm ảnh hưởng trực tiếp 12 hộ dân với chiều dài 160m và 1 đoạn sụt lún lòng sông thiệt hại về thủy sản; triều cường gây sạt chiều dài 80m.

Ước tổng thiệt hại khoảng 305,6 triệu đồng (trong đó: thiệt hại do mưa lớn gió mạnh 50 triệu đồng; sạt lở 193,6 triệu đồng gồm: sạt lở 93,6 triệu đồng, sụt lún lòng sông 100 triệu đồng; triều cường 62 triệu đồng).

Để ứng phó và hành động sớm, giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, thời gian qua, ngành chức năng cũng có nhiều giải pháp ứng phó, chủ động phòng chống.

Theo đó, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phòng, chống, ứng phó, khắc phục thiên tai của các cấp, các ngành đã mang lại hiệu quả tích cực.

Cụ thể, theo Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, địa phương, các hội, đoàn thể, cộng đồng tích cực tham gia công tác PCTT, hạn hán, xâm nhập mặn, lốc xoáy, sạt lở bờ sông với nhiều hình thức, sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân.

Các địa phương đã chủ động triển khai công tác ứng phó, huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, hậu cần của địa phương, đơn vị ứng phó với thiên tai. Đồng thời, làm tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, thực hiện công tác khắc phục hậu quả và hỗ trợ thiệt hại, di dời nhà, tài sản, người do sạt lở, giông, lốc gây ra…

Hiện nay, toàn tỉnh có 107/107 xã, phường, thị trấn đã thành lập đội xung kích PCTT cấp xã với trên 9.300 thành viên.

Đội xung kích PCTT cấp xã là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Song song đó, các công trình thủy lợi cũng được đẩy nhanh tiến độ thi công để PCTT, bảo vệ sản xuất và dân sinh; các đê bao kết hợp giao thông nông thôn sẽ góp phần hạn chế ảnh hưởng và thiệt hại do mưa lớn và triều cường.

Ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp-PTNT), cho biết: “Những năm qua, tỉnh luôn chủ động xây dựng các phương án, kịch bản để ứng phó với thiên tai, trong đó một trong những nội dung quan trọng hàng đầu đó là truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với công tác PCTT. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa, ứng phó kịp thời, đã chủ động chuyển từ ứng phó sang hành động sớm.

Nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo sớm

Thời gian qua, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam... về các loại hình thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường... khá chính xác, đúng thời điểm đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai.

Bên cạnh đó, nhờ chủ động tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo kịp thời bằng các hình thức trên phương tiện thông tin đại chúng, nên người dân cũng nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác trong cộng đồng dân cư để chủ động, không chủ quan, lơ là trong phòng, chống, ứng phó thiên tai xâm nhập mặn, giông, bão...

Nhà tránh trú bão giúp người dân phòng chống thiên tai.
Nhà tránh trú bão giúp người dân phòng chống thiên tai.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian tới, theo ông Trương Thành Dãnh- Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ngành chức năng sẽ thường xuyên cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó với thiên tai; kiện toàn, tăng cường hoạt động đội xung kích PCTT tại địa phương để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; rà soát kiểm tra các trang thiết bị, bổ sung các phương tiện cần thiết đáp ứng yêu cầu PCTT và tìm kiếm cứu nạn.

Đồng thời, đôn đốc thực hiện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai để góp phần bảo vệ dân cư và ổn định sản xuất kinh doanh; phối hợp với Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh nâng cao chất lượng thông tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai; đồng thời nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai…

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, trong những năm gần đây, thiên tai ở nước ta diễn ra khắp các vùng miền trên cả nước với xu thế ngày càng gia tăng, bất thường và khốc liệt. Trong vòng 20 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm thiên tai đã khiến trên 300 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế 1-1,5% GDP. Năm 2023 cũng là năm có ý nghĩa quan trọng đối với lĩnh vực PCTT của nước ta khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai. Vì vậy, chủ đề của tuần lễ quốc gia năm nay thể hiện vai trò dẫn dắt, trách nhiệm của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác ASEAN trong lĩnh vực quản lý thiên tai- một nội dung quan trọng trong trụ cột hợp tác văn hóa- xã hội của ASEAN.

Trong công tác quản lý rủi ro thiên tai, hành động sớm bao gồm việc giảm thiểu các tác động của thiên tai đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có trẻ em và tăng cường khả năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai thông qua việc tiếp cận với các nguồn lực tài chính cho hành động sớm.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG