Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, gay gắt

01:05, 31/05/2023

Những năm gần đây, một số địa phương ở ĐBSCL đã xây dựng những phương án xây dựng các hồ trữ nước nhằm khắc phục tình trạng khô hạn đang ngày càng diễn ra thường xuyên hơn, cực đoan hơn.

(VLO) Những năm gần đây, một số địa phương ở ĐBSCL đã xây dựng những phương án xây dựng các hồ trữ nước nhằm khắc phục tình trạng khô hạn đang ngày càng diễn ra thường xuyên hơn, cực đoan hơn.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ bao quát tổng thể đây chỉ là những giải pháp tình thế, cục bộ và không mang lại tính kinh tế, tính hiệu quả cao. Bởi nó chỉ mới chạm đến “phần ngọn” của vấn đề.

Bản chất của vấn đề khô hạn và thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt có rất nhiều nguyên nhân, có khách quan và cả chủ quan. Nhưng có thể soi vào 2 nguyên nhân cốt lõi nhất.

Khi mà biến đổi khí hậu càng trở nên gay gắt, thì cùng với đó là câu chuyện quản lý nguồn nước sông Mekong không có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước, sự xâm phạm thô bạo vào dòng chảy, chế độ thủy văn của các nước thượng nguồn thực sự tàn phá kinh khủng hệ sinh thái; mà đồng bằng chính là nơi dễ tổn thương nhất do vị trí địa lý cuối nguồn.

Việc trữ nước và xả nước từ các siêu đập thủy điện thượng nguồn không có sự cộng đồng trách nhiệm đã biến cho phía hạ nguồn trở nên cực đoan hơn khi khô hạn thì càng trở nên gay gắt và khi mùa mưa thì thừa thải nước gây ra ngập lụt toàn vùng.

Trong khi đó, sự phát triển tự phát thiếu quy hoạch tổng thể của nền nông nghiệp manh mún, đã đánh mất đi không gian trữ nước vốn là ưu thế của đồng bằng.

Đó là sự đánh đổi cả một tài nguyên thiên nhiên, đánh đổi ưu thế của hệ sinh thái nhưng giá trị lợi nhuận thu được của người nông dân là còn quá thấp. Các vùng sinh thái truyền thống của đồng bằng bị xáo trộn và dần biến mất.

Cùng với những ảnh hưởng ngày càng có tính cực đoan, thì nhiều địa phương lại chạy theo những giải pháp cục bộ càng tốn kém và không giải quyết được vấn đề một cách căn cơ, lâu dài được. Không thể xây dựng những hồ trữ nước để giải quyết vấn đề khô hạn cho một đồng bằng có diện tích trên 40.000km2.

Cùng với vấn đề quy hoạch sản xuất chung cho toàn vùng, thì cũng cần có những giải pháp mang tính hệ thống, tính kết nối chung của toàn vùng, tránh những phương án mang tính tự phát, cục bộ càng làm xáo trộn và trầm trọng hơn vấn đề xử lý nguồn nước cho dân sinh và sản xuất của đồng bằng.

Và quan trọng hơn cả, cần có sự cam kết những nguyên tắc ứng xử của tất cả các nước, lãnh thổ có dòng sông đi qua. Nên hiểu rằng, những ảnh hưởng, tác hại phía thượng nguồn cũng làm trầm trọng các vấn đề của dòng sông ở phía thượng nguồn.

Quyền lợi và trách nhiệm chung của các cộng đồng cư dân cùng một dòng sông, cần phải được bảo đảm tính công bằng, công khai, nghiêm túc và khoa học.

Hailua@.com

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh