Tháng 4: Xâm nhập mặn có xu thế giảm dần

05:04, 04/04/2023

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, do ảnh hưởng của việc duy trì xả nước ở mức tương đối cao của thủy điện thượng nguồn từ giữa tháng 3/2023 đến nay, nên làm mực nước trên hệ thống sông, rạch vùng ĐBSCL gia tăng, xâm nhập mặn giảm và còn có xu thế giảm dần trong tháng 4 này.

(VLO) Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, do ảnh hưởng của việc duy trì xả nước ở mức tương đối cao của thủy điện thượng nguồn từ giữa tháng 3/2023 đến nay, nên làm mực nước trên hệ thống sông, rạch vùng ĐBSCL gia tăng, xâm nhập mặn giảm và còn có xu thế giảm dần trong tháng 4 này.

Trong tuần qua (từ 23-30/3), xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) xuống hạ nguồn dao động từ 647-1.198 m3/s. Các hồ chứa trên lưu vực sông Mekong thuộc Trung Quốc có dung tích điều tiết còn 10 tỷ m3, tương đương với 42,1% tổng dung tích hữu ích.

Các hồ chứa trên lưu vực còn 38,5% tổng dung tích hữu ích, tương đương với tổng dung tích nước có thể điều tiết cho mùa kiệt năm 2023 vào khoảng 25,2 tỷ m3.

Dự báo, trong tháng 4, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần. Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, các tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, độ mặn 4‰ có thể xâm nhập sâu 40-55km, nếu có gió chướng mạnh có thể vào sâu 45-60km, làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống.

Tuy nhiên, trong tuần đầu tháng 4 dự báo mặn có thể tăng cao trở lại trong kỳ triều rằm tháng 2 âl (nhuận), nhưng ở mức thấp hơn đỉnh mặn đã xảy ra trong tháng 3/2023. Các địa phương cần chú ý vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn, kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước tưới.

TRUNG CHÁNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh