Trong quá trình đô thị (ĐT) hóa và phát triển ĐT những năm qua, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ĐT đã được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, còn thiếu đồng bộ, liên kết yếu, chưa bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu. |
(VLO) Trong quá trình đô thị (ĐT) hóa và phát triển ĐT những năm qua, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ĐT đã được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, còn thiếu đồng bộ, liên kết yếu, chưa bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Hạ tầng được quan tâm đầu tư
Là một trong những hộ bị ảnh hưởng sạt lở ven kinh Hai Quý (phường Thành Phước, TX Bình Minh) được cấp nền vào nơi ở mới, ông Trần Văn Ba, 67 tuổi, bày tỏ vui mừng vì “trước đây sạt lở tới đường đi trước nhà nên rất lo lắng, giờ được vô nơi ở mới ổn định hơn”.
Còn ông Phạm Tấn Sĩ, ở Khóm 2, cho biết: “Khúc sông quanh nơi tôi ở trước đây bị sạt lở nhiều. Giờ có dự án đê bao sông Hậu thì dân ở đây rất mừng.
Bên cạnh đó, đường sá được nâng cấp, vỉa hè được xây mới… nên không còn bị ngập như trước nữa. Hạ tầng phát triển, kéo theo đời sống nhân dân cũng ngày càng nâng lên”.
Ông Trần Văn Tám- Chủ tịch UBND phường Thành Phước, cho biết thời gian qua, phường được quan tâm đầu tư nhiều về kết cấu hạ tầng như kè sông Hậu, kè kinh Hai Quý, đường xe 4 bánh ở Khóm 5, gia cố các tuyến Khóm 4 và nâng cấp các tuyến đường nội ô...
Qua đó, mỹ quan khu vực ven sông của phường ngày càng sáng đẹp, khang trang. Đồng thời, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân; công trình công cộng kết hợp đồng bộ với công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực chống ngập và chỉnh trang ĐT; thích ứng với BĐKH.
Bức tranh toàn cảnh TX Bình Minh sau hơn 10 năm thành lập có nhiều đổi khác, diện mạo thị xã không ngừng đổi mới qua từng năm.
Bí thư Thị ủy Bình Minh Trương Đặng Vĩnh Phúc cho biết, đặc biệt trong năm 2022 đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các công trình công cộng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trong đó có các tuyến kè kết hợp với giao thông…
Qua đó, tạo mọi điều kiện để người dân phát triển kinh tế, từ đó đời sống người dân từng bước được nâng cao cả về vật chất và tinh thần.
Về tình hình phát triển ĐT ứng phó BĐKH, theo Sở Xây dựng Vĩnh Long, thực hiện công văn của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện Quyết định số 438 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển các ĐT Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030”, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 64.
Bên cạnh, trong các quy hoạch xây dựng và quy hoạch tỉnh đều có lồng ghép nội dung ứng phó BĐKH.
Về các chương trình, dự án phát triển ĐT ứng phó với BĐKH, hiện tỉnh đang có dự án “Mở rộng nâng cấp ĐT Việt Nam- Tiểu dự án TP Vĩnh Long” và dự án “Phát triển ĐT và tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long” vay vốn Ngân hàng Thế giới.
Trong đó, có hợp phần tăng cường quản lý ĐT thích ứng với BĐKH và hướng tới phát triển ĐT thông minh, bền vững với thời gian (dự kiến thực hiện từ 2021-2025).
Tuy nhiên, công tác ứng phó BĐKH đòi hỏi kinh phí thực hiện khá lớn (để đầu tư các công trình xử lý nước thải tập trung, xử lý chất thải rắn... theo các quy hoạch được duyệt), dẫn đến việc triển khai các dự án ưu tiên thích ứng BĐKH gặp khó.
Đồng thời, xã hội hóa trong lĩnh vực ứng phó BĐKH chưa thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia; việc kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách… cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Quản lý phát triển ĐT bền vững
Theo Ban Kinh tế Trung ương, những năm qua, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các ĐT cả nước đã được quan tâm đầu tư.
Tuy nhiên, tỷ lệ đất dành cho giao thông ĐT ở mức thấp; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải ĐT mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thoát nước.
Tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý tại ĐT chỉ đạt khoảng 13%. Phần lớn các nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động dưới công suất 50% công suất thiết kế và xây dựng.
Xây dựng các công trình phòng chống sạt lở, tăng cảnh quan đô thị. |
Bên cạnh, tình trạng ngập úng ĐT thường xuyên xảy ra. Xử lý chất thải rắn đa số vẫn bằng phương pháp chôn lấp, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, tỷ lệ cây xanh ĐT chỉ bằng 1/5 trung bình thế giới… Bên cạnh, các công trình văn hóa, công viên cây xanh, sân chơi cho người dân còn thiếu.
Nhằm khắc phục những hạn chế và hướng đến phát triển ĐT bền vững trong thời gian tới, Nghị quyết 06 đã đề ra mục tiêu “kết cấu hạ tầng của ĐT, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại”.
Đồng thời, có nhóm nhiệm vụ về “phát triển hệ thống hạ tầng ĐT đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với BĐKH” với nhiều định hướng giải pháp cụ thể. Trong đó, đầu tư tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với BĐKH, nhất là tại ĐBSCL.
Tăng cường khai thác sử dụng hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm, không gian đa chức năng của ĐT; xây dựng, thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng số đồng bộ tại các ĐT; nâng cấp, cải tạo, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội hiện đại…
Định hướng phát triển ĐT Việt Nam thời gian tới, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, thống nhất nhận thức, tư duy, hành động về vai trò của ĐT.
Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển ĐT bền vững. Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng ĐT đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với BĐKH.
Xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo ra hành lang pháp lý, khơi thông nguồn lực và các điểm nghẽn trong phát triển ĐT thời gian qua, tạo sức bật và lợi thế nhất định cho thời gian tới.
Đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác để xây dựng mô hình phát triển ĐT bền vững, tăng trưởng xanh, có khả năng thích ứng BĐKH và phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin