Cần vận hành phần mềm cơ sở dữ liệu dùng chung

08:04, 28/04/2023

Để nắm tình hình, đánh giá hiệu quả công tác công chứng, chứng thực (CC, CT), đáp ứng nhu cầu của nhân dân; bảo đảm tính an toàn pháp lý trong giao dịch của các tổ chức và cá nhân; Ban Pháp chế HĐND tỉnh vừa có đợt khảo sát, giám sát về công tác quản lý nhà nước về công tác CC, CT trên địa bàn tỉnh.

 

 

Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát tại UBND xã Tân Hạnh (huyện Long Hồ).
Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát tại UBND xã Tân Hạnh (huyện Long Hồ).

Để nắm tình hình, đánh giá hiệu quả công tác công chứng, chứng thực (CC, CT), đáp ứng nhu cầu của nhân dân; bảo đảm tính an toàn pháp lý trong giao dịch của các tổ chức và cá nhân; Ban Pháp chế HĐND tỉnh vừa có đợt khảo sát, giám sát về công tác quản lý nhà nước về công tác CC, CT trên địa bàn tỉnh.

Tạo hành lang pháp lý hiệu quả

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác CC, CT trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến công tác này. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời ban hành các quy định theo thẩm quyền được giao nhằm tạo hành lang pháp lý hiệu quả cho công tác CC, CT trên địa bàn. Công tác quản lý đội ngũ CC viên; tổ chức hành nghề CC được thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

Theo đó, những năm qua, hoạt động CC trên địa bàn tỉnh có sự phát triển. Nhiều văn phòng CC được thành lập, đáp ứng nhu cầu CC của các tổ chức, cá nhân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 tổ chức hành nghề CC với 16 CC viên, được tổ chức, hoạt động đúng theo quy định của Luật CC. Chất lượng của đội ngũ CC viên đáp ứng hoạt động hành nghề CC.

Các tổ chức hành nghề CC; phòng tư pháp các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã tổ chức thực hiện tốt các quy định về CC, CT cơ bản phục vụ đáp ứng yêu cầu CC, CT của người dân trong các giao dịch dân sự. Đến nay, chưa phát hiện trường hợp sai phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp- Trương Văn Tùng cho biết, hàng năm Sở Tư pháp đều có kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành những quy định của pháp luật về CC, CT trên địa bàn tỉnh. Trong kỳ giám sát, sở đã nhận 4 đơn thư có liên quan đến hoạt động CC; đã chỉ đạo giải quyết xong, đạt 100%.

Còn bất cập

Tuy nhiên, công tác CC, CT trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Nhiều địa phương được khảo sát đã phản ánh gặp khó khăn chung về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là đường truyền chưa đảm bảo yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Mặt khác, một số đơn vị cấp xã quá tải trong công tác CT. Công chức tư pháp- hộ tịch thực hiện quá nhiều công việc (11 nhiệm vụ chính và 1 nhiệm vụ do Chủ tịch UBND cấp xã giao) nhưng chỉ có 1 biên chế, nên có lúc, có khi không đáp ứng được yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Sang- Chủ tịch UBND xã Tân An Luông (Vũng Liêm) cho biết: “Địa bàn xã lớn, dân số đông. Chỉ có 1 công chức đảm nhiệm công tác CT và lượng công việc phát sinh nhiều, nên đôi khi việc tiếp nhận và trao trả kết quả yêu cầu CT đã trở nên quá tải”.

Trong công tác CC, CT các giao dịch dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên.

Theo bà Phan Ngọc Kiều- Trưởng Văn phòng CC Phan Ngọc Kiều (TX Bình Minh), khi thực hiện quy định của Luật Cư trú, không còn sử dụng hộ khẩu, và công an không xác nhận thông tin cư trú cho người dân, tổ chức hành nghề CC chưa được cấp tài khoản để sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chủ thể tham gia giao dịch đối với quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình.

Hơn nữa, “trên thực tế hiện nay, công nghệ tinh vi làm giả nhiều giấy tờ, tài liệu bằng mắt thường khó có thể phân biệt được, gây nhiều rủi ro cho CC viên khi tác nghiệp và mất thời gian phải xác minh thông tin dẫn đến kéo dài thời gian chứng nhận hợp đồng, giao dịch của người dân, làm ảnh hưởng đến hoạt động CC...”, ông Phạm Văn Minh Tú- Phó Trưởng phòng Phòng CC số 2, tỉnh Vĩnh Long, cho biết thêm.

Nâng cao hiệu quả quản lý

Để đổi mới, nâng cao chất lượng trong quản lý hoạt động CC, CT, Sở Tư pháp kiến nghị Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về lĩnh vực này. Đồng thời, kiến nghị tỉnh quan tâm bố trí kinh phí đảm bảo xây dựng hạ tầng quản lý về CC, CT; có giải pháp hỗ trợ công chức tư pháp- hộ tịch cấp xã hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao…

Tại buổi giám sát, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh- Đỗ Đình Gần kiến nghị Sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về công tác CC, CT; nhất là về công tác CT điện tử theo Nghị định 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Khẩn trương nâng cấp phần mềm cơ sở dữ liệu CC, CT dùng chung của tỉnh; đồng thời chỉ đạo các tổ chức hành nghề CC, CT thực hiện công tác CT phải vận hành phần mềm này.

Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc CC, CT các hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện quyền sử dụng đất; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra…

Bên cạnh đó, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan, nâng cấp và vận hành hiệu quả phần mềm chung về cơ sở dữ liệu về CC, CT của tỉnh theo khoản 6, phần II kế hoạch triển khai thi hành Luật Công chứng ban hành kèm theo Quyết định số 39/QĐ-UBND ngày 13/1/2015 của UBND tỉnh.

Quan tâm đầu tư trang thiết bị, nâng cấp đường truyền ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan đơn vị; đảm bảo kết nối các cơ sở dữ liệu, đồng bộ, ổn định, liên thông, đáp ứng yêu cầu cung cấp và trao đổi thông tin…

Trong năm 2021-2022, các tổ chức hành nghề CC đã thực hiện CC được 116.356 việc, thu phí được hơn 38 tỷ đồng; CT hơn 29,6 triệu bản sao từ bản chính, 6.224 việc CT chữ ký giấy tờ; tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước hơn 4,5 tỷ đồng. Song song đó, cấp huyện đã thực hiện 62.130 CT các loại; cấp xã với hơn 2,2 triệu CT các loại.

Bài, ảnh: TUYẾT NGA

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh