Xâm nhập mặn sẽ bớt gay gắt

11:03, 29/03/2023

Xâm nhập mặn (XNM) trong mùa khô năm nay ở ĐBSCL (trong đó có tỉnh Vĩnh Long) đang trong thời kỳ cao điểm. Từ đầu mùa khô đến nay, thiên tai này không gay gắt như đã xảy ra trong những năm cực đoan (mùa khô 2015-2016 và 2019-2020), nhưng có những diễn biến khó lường. Trong đó yếu nguồn nước thượng nguồn trực tiếp làm giảm về diện và lượng của XNM. 
 

Xây dựng công trình thủy lợi kiểm soát mặn ở xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm.
Xây dựng công trình thủy lợi kiểm soát mặn ở xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm.
Xâm nhập mặn (XNM) trong mùa khô năm nay ở ĐBSCL (trong đó có tỉnh Vĩnh Long) đang trong thời kỳ cao điểm. Từ đầu mùa khô đến nay, thiên tai này không gay gắt như đã xảy ra trong những năm cực đoan (mùa khô 2015-2016 và 2019-2020), nhưng có những diễn biến khó lường. Trong đó yếu nguồn nước thượng nguồn trực tiếp làm giảm về diện và lượng của XNM. 
 
Bất thường 
 
Đúng với dự báo ban đầu của các cơ quan chức năng là XNM mùa khô năm nay tương đương 2 năm gần đây, không gay gắt như đã xảy ra trong những năm cực đoan. Nhưng ở từng thời đoạn, diễn biến XNM có bất thường hơn so với dự báo, nhất là vào cuối tháng 1, cuối tháng 2, vào đầu và cuối tháng 3, tuy nhiên gây ảnh hưởng và thiệt hại  không lớn.
 
Bất thường thứ nhất là 2 đợt triều cường rất cao vào hạ tuần tháng 1 (kỳ triều cường đầu tháng Giêng, những ngày Tết Quý Mão 2023) và hạ tuần tháng 2 (kỳ triều cường đầu tháng 2 âl) với đỉnh triều tại trạm Mỹ Thuận đạt 1,95m (vào ngày 25/1) và 1,87m (vào 22/2), gây ngập lụt trong mùa khô.
 
Thay vì vào thời điểm này ở những năm trước, XNM đã ảnh hưởng đến đồng bằng với độ mặn tăng cao. Hiện tượng này cộng mưa trái mùa với lượng mưa lớn từ tháng 12/2022-2/2023 ở Vĩnh Long làm mặn không đến sớm hơn so mọi năm.
 
Đầu tháng 1/2023, độ mặn tại các trạm đo trong tỉnh đều dưới 1‰. Đến đầu tháng 2, độ mặn trên 1‰ mới xuất hiện, cao nhất phía sông Cổ Chiên thuộc địa bàn huyện Vũng Liêm chỉ đạt từ 2-4,5‰, phía sông Hậu thuộc huyện Trà Ôn từ 0,5-2,5‰; phía sông Tiền, tại xã Đồng Phú (Long Hồ) đạt 0,1‰; trong nội đồng tại trạm Ngã Tư (xã Hiếu Nghĩa) là 1,3‰. 
 
Bất thường thứ hai là vào đầu tháng 3, dự báo của cơ quan chuyên môn thời kỳ này độ mặn ở Vĩnh Long không cao, nhưng từ ngày 2-7/3, độ mặn trên địa bàn tỉnh bất ngờ lên khá cao.
 
Theo quan trắc của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, độ mặn cao nhất trên các sông, rạch xuất hiện vào ngày 7/3, trên sông Cổ Chiên tại huyện Vũng Liêm và Mang Thít đạt từ 3-6,3‰, trên sông Hậu tại huyện Trà Ôn từ 1,8-4‰, trong nội đồng tại huyện Trà Ôn là 1,8‰, cao hơn năm 2021, 2022 từ 1-2‰, nhưng còn thấp hơn đỉnh mặn năm 2016,  2020 từ 2-3‰.
 
Bất thường thứ ba là dự báo của cơ quan chuyên môn, từ ngày 28/2-6/3, xả nước từ các thủy điện ở thượng nguồn giảm xuống mức thấp nhất, dự báo sẽ ảnh hưởng đến đồng bằng và các vùng ven biển từ ngày 21-31/3. Khả năng XNM sâu thêm trên các cửa sông chính trong thời gian trên, độ măn có thể lên cao trở lại ở kỳ triều cường từ 21-25/3. Tuy nhiên, thực tế độ mặn không tăng cao như dự báo. Tại Vĩnh Long, độ mặn cao nhất từ ngày 22-25/3 tại huyện Vũng Liêm dưới 1,5‰, các nơi khác dưới 0,5‰. 
 
Do đâu?
 
Nguồn nước từ thượng nguồn về nhiều do vận hành của thủy điện ở thượng lưu là yếu tố chính làm cho XNM diễn biến bất thường ở những thời đoạn nêu trên và không gay gắt như những năm cực đoan.
 
Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, sau mùa lũ năm 2022, nguồn nước ở vùng châu thổ sông Mekong còn khá nhiều. Lưu lượng trong tháng 12/2022 tại trạm Kratie (Campuchia) là 5.324 m3/s, cao hơn mực nước cùng thời điểm của các mùa khô năm 2015-2016, 2018-2019, 2019-2020 và 2020-2021 lần lượt là 1.482 m3/s, 156 m3/s, 1.856 m3/s, 172 m3/s. 
 
Từ ngày 9-22/2/2023, thủy điện Cảnh Hồng (thuộc Trung Quốc, hồ chứa thủy điện có dung tích 249 triệu mét khối, chi phối phần lớn lượng nước sông Mekong) gia tăng lượng xả. Trong đó, từ 9-16/2, xả nước từ thủy điện này xuống hạ lưu dao động từ 813-1.005 m3/s, là cao hơn so với 3 tuần liên tục xả thấp trước đó. Đến tuần lễ từ 16-23/2, lượng xả dao động từ 678-1.130 m3/s. 
 
Việc xả nước được duy trì cao làm nguồn nước về hạ lưu sông Mekong nhiều hơn. Đến ngày 22/2, mực nước tại Kratie ở mức 7,38m, cao hơn mực nước trung bình nhiều năm, mùa khô 2015-2016, 2019-2020, 2020-2021và 2021-2022 lần lượt là 0,84m, 0,66m, 0,86m, 0,48m và 0,33m. Ở đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước tại trạm Tân Châu và Châu Đốc (ngày 22/2) đạt lần lượt là 1,78m  và 1,92m.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn để chủ động lấy nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Trong ảnh: Trạm đo mặn ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn để chủ động lấy nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Trong ảnh: Trạm đo mặn ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ.
Nguồn nước về đồng bằng nhiều thường rơi vào thời đoạn kỳ triều thấp (trừ kỳ triều đầu tháng 3), tuy làm dâng cao mực nước sông, rạch vùng hạ lưu nhưng có tác động tích cực là giải quyết được tình trạng thiếu nước cho nhiều địa phương vùng ĐBSCL, làm XNM không lấn sâu vào đồng bằng, độ mặn không lên cao, nhất là trong các kỳ triều cao. 
 
Từ ngày 16-23/3, xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu dao động phổ biến từ 862-1.103 m3/s, xấp xỉ mức xả ở tuần lễ từ 9-16/3, nhưng cao hơn tuần lễ từ ngày 28/2-6/3 từ 170-500 m3/s. Điều này làm độ mặn cuối tháng 3 giảm xuống thấp nhất so dự báo. Bên cạnh, mưa trái mùa xuất hiện nhiều ở những tháng đầu mùa khô, nền nhiệt độ thấp đã góp phần giảm mức độ ảnh hưởng XNM hơn so với dự báo trước đó. 
 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, XNM ở vùng ĐBSCL còn biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện ở thượng lưu và các thời tiết cực đoan, có khả năng kéo dài tới tháng 5/2023. Các địa phương cần thường xuyên theo dõi nguồn nước, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó.
 
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh