​Khai thác đất mặt ruộng: Hệ lụy lâu dài

Cập nhật, 15:16, Thứ Ba, 14/03/2023 (GMT+7)

 

Tình trạng khai thác đất mặt ruộng xảy ra nhiều sau vụ lúa Đông Xuân.
Tình trạng khai thác đất mặt ruộng xảy ra nhiều sau vụ lúa Đông Xuân.

Dù các nhà khoa học, cơ quan chức năng đã khuyến cáo nhiều về những hệ lụy của việc khai thác đất mặt ruộng, thế nhưng vẫn không ít nông dân “phớt lờ” vì lợi ích trước mắt mà khai thác và bán đất mặt ruộng.

Nhiều hệ lụy

Theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày qua, tại một số cánh đồng ở huyện Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình… đã có một số người dân khai thác đất mặt ruộng để bán đất cho người có nhu cầu đến mua. Nhiều người dân khu vực lân cận cho hay, việc mua bán đất mặt ruộng này diễn ra vào sau vụ Đông Xuân, khi vừa gặt lúa xong.

Theo đó, chủ đất khoán trắng cho người mua đất với giá từ 1- 1,4 triệu đồng/công, người mua đem máy cạp đến lấy đất hoặc cho máy cày vào cày đất lên rồi cho nhân công xúc đất vào bao, cộ về tập kết ở vườn nhà dân rồi sẽ được đem tiêu thụ ở các tỉnh lân cận với giá từ 12.000- 14.000 đ/bao.

Một số người mua cho biết, tùy nơi và lớp đất sâu cạn mà giá bán có chênh lệch đáng kể. Nhìn chung, sẽ lấy khoảng từ 5- 10cm, ruộng cao hơn sẽ lấy sâu hơn.

Một số nông dân lý giải, việc bán đất mặt ruộng, do ruộng gò cao nên chuột phá hoại mùa màng, không giữ được nước nên việc sản xuất lúa gặp khó. Do đó, bán lớp đất mặt không chỉ giúp trồng lúa thuận lợi, tránh trường hợp bị cỏ dại và đỡ tốn kém chi phí bơm nước mà chủ ruộng còn có thêm thu nhập.

Bên cạnh đó, đất mặt ruộng lấy đi được bán cho người có nhu cầu để trồng cây kiểng, làm nền nhà, lắp ao… Song, trên thực tế, tại những nơi bị đào lớp đất mặt thì năng suất những vụ lúa tiếp theo thường không cao, lúa dễ bị đổ ngã do nền đất mềm, phải dùng nhiều phân bón nên chi phí cuối vụ bị tăng hơn nhiều so với trước.

Theo ngành chức năng, đất mặt ruộng là tài nguyên, muốn khai thác phải làm thủ tục và đóng thuế. Hiện tượng khai thác này gây nhiều lãng phí, tác động xấu đến mùa màng sau này. Bởi, lấy đất mặt cũng đồng nghĩa lấy đi “cốt”, lấy độ phì nhiêu, màu mỡ được tích tụ qua nhiều năm trên đất. Từ đó sẽ phát sinh việc xì phèn. Ngoài ra, những thửa đất bị lấy đất mặt sau này canh tác không tốt, ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp và phải mất nhiều năm đất mới cải tạo, phục hồi nguyên trạng được.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, đất mặt ruộng có lượng dinh dưỡng chỉ sâu khoảng 20cm. Nếu nông dân đào và lấy tầng đất này đi sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và làm cho năng suất chất lượng lúa có thể bị giảm. Đặc biệt là nếu đào xuống tầng dưới, đụng đến tầng sinh phèn đối với những đất có phèn thì có thể gây ngộ độc cho cây lúa (ngộ độc phèn) ở vụ sau.

“Nếu nông dân sử dụng tầng đất mặt cho mục đích khác sẽ làm ảnh hưởng xấu đến việc canh tác đất lúa và phải tốn ít nhất 5- 7 năm mới phục hồi lại chất dinh dưỡng cho mặt ruộng. Nếu người dân muốn cải tạo lại thì phải cần nhiều thời gian, tốn chi phí, để bón trả chất hữu cơ cho đất”- ông Liêm cho biết thêm.

Cần kịp thời chấn chỉnh

Theo UBND huyện Long Hồ, hiện nay việc khai thác đất mặt (lớp mặt của đất ruộng) để vận chuyển đi nơi khác nhằm mục đích kinh doanh, cho tặng… đang diễn ra trên diện rộng ở địa bàn huyện sau vụ lúa Đông Xuân vừa thu hoạch.

Nhằm chấn chỉnh việc này, UBND huyện Long Hồ giao UBND các xã, thị trấn tổ chức họp dân đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đang hoạt động khai thác đất mặt, đất ruộng để tuyên truyền vận động, cho ký cam kết vào biên bản làm việc. Mục tiêu là làm cho người dân hiểu được các hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh đất mặt, đất ruộng là hành vi vi phạm pháp luật.

Nội dung tuyên truyền theo các điều, khoản của Luật Khoáng sản và Nghị định của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Theo đó, đất mặt trên đồng ruộng là tài nguyên khoáng sản, không được tự ý vận chuyển đi nơi khác nhằm vào các mục đích cho tặng hay kinh doanh.

Tùy theo khối lượng khoáng sản được khai thác, được tính bằng mét khối theo quy định nêu trên sẽ bị phạt tiền với mức thấp nhất là 1 triệu đồng đến mức cao nhất là 50 triệu đồng và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung.

Ngành chức năng cần phối hợp quản lý chặt chẽ hoạt động lấy đất mặt.
Ngành chức năng cần phối hợp quản lý chặt chẽ hoạt động lấy đất mặt.

Để cải tạo lại mặt đất ruộng, theo ông Nguyễn Văn Liêm, người dân có thể dùng nhiều cách mà vẫn đảm bảo hiệu quả sản xuất lúa. Thứ nhất, là cào riêng lớp mặt đất để sang một bên, sau đó đào lấy tầng đất phía dưới, có thể sử dụng cho mục đích khác, sau đó ban trở lại, làm bằng mặt ruộng như hiện trạng ban đầu.

Thứ hai, là nông dân có thể lấy 1/3, giúp hạ thấp độ cao mặt đất ruộng theo nhu cầu cải tạo ruộng lúa, đồng thời vẫn còn giữ lại một phần chất hữu cơ trong đất. Thứ ba, trong điều kiện đất không bằng phẳng thì có thể tập trung lấy đất ở những nơi gò cao, mục đích tạo cho mặt bằng tốt hơn. Việc làm này thì cực và tốn nhiều thời gian cho người nông dân, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cho vụ lúa tiếp theo.

Có thể thấy, tình trạng khai thác trái phép này không những gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, tác động xấu đến môi trường sinh thái mà còn để lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với sản xuất nông nghiệp. Ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật cho người dân hiểu rõ để thực hiện đúng theo quy định, khuyến cáo của ngành chức năng. Đồng thời, cần phối hợp quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác đất trái phép; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Bài, ảnh: TRÀ MY