Sáng nay 2/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 01/2023.
Thủ tướng phát biểu tại phiên họp |
Sáng nay 2/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 01/2023.
Phiên họp được tổ chức trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 2; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; đặc biệt, triển khai các nhiệm vụ sau Tết theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong tháng 1, Chính phủ tập trung chỉ đạo tổ chức đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, không để ai không có Tết; đồng thời, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH và đạt được kết quả tích cực.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm thu NSNN đạt 11,3% dự toán; xuất siêu 3,6 tỷ USD; An ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm; Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Thị trường tiền tệ chủ động thích ứng với những biến động nhanh và mạnh của thị trường quốc tế; Thương mại, dịch vụ sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 20% so năm 2022 và tăng 34,2% so với 2019. Có trên 871 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 23,3% so tháng trước và gấp 44,2 lần cùng kỳ.
Tại phiên họp, các đại biểu đã báo cáo tình hình địa phương trong tháng 1 và đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, và giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhờ đó mà tình hình kinh tế - xã hội phục hồi tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt trong năm 2022 và tháng 1 năm 2023 đã tạo điều kiện cho nhân dân cả nước vui Xuân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với không khí phấn khởi, đoàn kết, tương thân tương ái, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ của năm mới 2023.
Trước các khó khăn thách thực hiện nay, các đại biểu cũng đề nghị cần có các giải pháp chủ động điều hành mới, chính xác, kịp thời. Chủ Tịch UBND Tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh và Chủ Tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nếu ý kiến.
Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết: "Vốn đầu tư công thì Quảng Ngãi giải ngân 100 % theo chỉ đạo của Thủ tướng, Tăng trưởng và về thu ngân sách thì Quảng Ngãi đạt rất cao so với những năm trước đây, để có được kết quả đó là ngoài sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi có sự hỗ trợ giúp đỡ có hiệu quả của các cơ quan Trung ương, đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã hỗ trợ cho tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian vừa qua, đặc biệt là những khó khăn mà Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương đã giải quyết kịp thời."
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu: "Đề nghị Thủ tướng tập trung những giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhất là về thị trường xuất khẩu bị đứt gãy trong thời gian qua, trong đó ảnh hưởng đối với góc độ và xuất khẩu thủy sản và hàng may mặc mà các tỉnh phía Nam và trong đó Đồng Tháp cũng bị ảnh hưởng; về ứng dụng và lãi suất thì đây là vấn đề mà doanh nghiệp phản ảnh nhiều nhất, vi lãi suất thì ngày càng tăng cũng đề nghị Thủ tướng quan tâm như các ngành quan tâm để có chính sách chỉ đạo cho phù hợp."
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân tích tình hình thế giới và trong nước, đồng thời chỉ rõ những kết quả đạt được và khó khăn thách thức. Trong thời gian tới Thủ tướng yêu cầu: “Phải nắm chắc tình hình thực tế, bám sát những chủ trương, đường lối pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của các cấp, để trên cơ sở đó có phản ứng chính sách kịp thời sát với thực tiễn, nhất là từ những biến động bên ngoài, rồi những cái khó khăn, thách thức từ bên trong; tuyệt đối không lơ là, chủ quan mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang dao động, thiếu tự tin, phải luôn luôn bình tĩnh chủ động, linh hoạt sáng suốt tháo gỡ những khó khăn, vượt qua những thách thức, để thực hiện các mục tiêu chúng ta đã đề ra; phát huy tinh thần đoàn kết kỷ luật, kỷ cương, chung sức đồng lòng đề cao trách nhiệm và tinh thần và tính chủ động sáng tạo của người đứng đầu ở các cấp".
Cùng với đó Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, quyền hạn của mình chủ động, tích cực đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, tập trung nguồn lực cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo, tuyệt đối không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành “giật cục”. Đặc biệt về nhiệm vụ cụ thể Thủ tướng yêu cầu, dành ưu tiên cao nhất cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.
Thủ tướng đề nghị: "Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng đảm bảo các cân đối lớn là mục tiêu chúng ta phải thực hiện bằng được, muốn thực hiện mục tiêu này thì tôi đề nghị cần phải cân bằng, hài hòa, hợp lý phù hợp hiệu quả về 4 vấn đề lớn, giữa tỷ giá và lãi suất, giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và tình hình ngoài nước. Về kiểm soát lạm phát thì cần chú ý các nhóm mà làm cho tăng cái rổ lạm phát là lương thực và thực phẩm và nhóm về xây dựng và vật liệu xây dựng, hai nhóm này các đồng chí phải kiểm soát chặt chẽ; điều hành thận trọng giá các mặt hàng nhà nước quản lý ngay từ đầu năm, đảm bảo cung cầu những mặt hàng thiết yếu; hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào miễn, giảm thuế, phí, lệ phí phù hợp, cắt giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính và từ đấy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn chủ động linh hoạt, kịp thời và hiệu quả."
Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp.
Phiên họp diễn ra với hình thức trực tuyến |
Với tổng vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng của năm 2023, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm; Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, đổi mới cách nghĩ, cách làm, xây dựng chính sách, dự án có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp đặc thù riêng của địa phương; Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; không để thiếu hụt năng lượng. Thúc đẩy chuyển đổi phương thức sản xuất, thương mại trong ngành nông nghiệp; Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tiếp tục triển khai các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân./.
Theo Vũ Khuyên/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin