Nhìn lại thiên tai năm 2022: Tìm cơ hội vượt khó khăn

06:02, 15/02/2023

Năm 2022 đánh dấu ảnh hưởng sâu rộng của hiện tượng La Nina đến khí hậu toàn cầu. Bão mạnh, mưa lớn, sạt lở đất xuất hiện ở nhiều nơi trong cả nước. 

Năm 2022, triều cường kỷ lục, gây ngập nhiều nơi, sinh hoạt cộng đồng dân cư gặp nhiều khó khăn.
Năm 2022, triều cường kỷ lục, gây ngập nhiều nơi, sinh hoạt cộng đồng dân cư gặp nhiều khó khăn.

(VLO) Năm 2022 đánh dấu ảnh hưởng sâu rộng của hiện tượng La Nina đến khí hậu toàn cầu. Bão mạnh, mưa lớn, sạt lở đất xuất hiện ở nhiều nơi trong cả nước. Ở Vĩnh Long, triều cường, mưa lớn là hai loại hình thiên tai bất thường nhất trong năm, thách thức lớn đối với sản xuất, đời sống nhân dân nhưng cũng có thể là cơ hội để điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội, nhằm thích ứng tốt hơn trong thời gian tới.

Thiên tai gây thiệt hại hơn 4 lần so với năm trước

Tổng thiệt hại do thiên tai trong năm 2022 (đến giữa tháng 12) là hơn 80 tỷ đồng, thấp hơn 3 - 4 lần so với những năm có thiên tai lớn như năm 2016, 2020, nhưng cao hơn 4 lần so với năm 2021. Trong đó, 2 loại thiên tai bất thường và ảnh hưởng lớn nhất là triều cường và mưa lớn.

Năm 2022, triều cường lịch sử trở lại sau 3 năm kể từ triều cường kỷ lục năm 2019, mà đỉnh cao nhất là vào kỳ triều cường rằm tháng 9 âl (giữa tháng 10/2022) ở các trạm đo trong tỉnh đã vượt từ 2 - 11cm so với đỉnh triều năm 2019, gây tràn, vỡ nhiều công trình thủy lợi, đường giao thông, làm ngập nhiều diện tích đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, các đô thị lớn như TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, TT Cái Nhum...

Có gần 850ha cây trồng bị ngập; 5.454 căn nhà, 10 trường học, 9 điểm chợ và 26 trụ sở cơ quan bị ngập nền, ngập sân; 27 ao nuôi thủy sản bị vỡ bờ ao; gần 110km đê bao, cống đập thủy lợi, đường giao thông bị tràn; 1.253m đê bao, cống đập, đường giao thông bị sạt lở... Tổng thiệt hại do triều cường là 7 tỷ đồng.

Mùa mưa năm 2022 trong cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long đều tăng về lượng, thời gian. Tổng lượng mưa (đến hết tháng 11) tại các nơi trong tỉnh đạt từ 1.797,2 - 2.242,3mm, hầu hết cao hơn so với năm 2021 từ 180 - 610mm, trong tháng 12 vẫn còn mưa.

Mưa nhiều, mưa lớn kết hợp giông, lốc xoáy làm ngập úng trên 2.500ha lúa Thu Đông, lúa Đông Xuân 2022 - 2023 mới sạ (trong đó có 1.722ha bị chết giống phải sạ lại), gây đổ ngã nhiều hoa màu, cây ăn trái và làm sập, tốc mái 120 căn nhà, phòng học, trạm y tế… Thiệt hại do mưa lớn, giông, lốc là 29,5 tỷ đồng (cao hơn 14,7 tỷ đồng so với năm 2021).

Một loại thiên tai đáng quan ngại khác là sạt lở bờ sông, tuy số vụ ít hơn năm trước nhưng mức độ gây hại cao hơn nhiều.

Đã xảy ra 116 điểm sạt lở, dài trên 4.000m làm ảnh hưởng 101 hộ, phá hoại và làm mất nhiều công trình thủy lợi, giao thông, ao hầm nuôi thủy sản, nhà cửa, đất đai, cây trồng ở ven sông, thiệt hại hơn 41 tỷ đồng (cao hơn 33,6 tỷ đồng so với năm 2021).

Tìm cơ hội để điều chỉnh

Cần triển khai xây dựng nhanh các công trình chống ngập do triều cường tại các đô thị để giảm bị ngập nặng.
Cần triển khai xây dựng nhanh các công trình chống ngập do triều cường tại các đô thị để giảm bị ngập nặng.

Bên cạnh những tác động bất lợi gây ra, triều cường lịch sử, mưa lớn trong năm 2022 - có thể nói, đã tạo "cơ hội" để các cơ quan quản lý, tổ chức và người dân điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội, nhằm thích ứng tốt hơn.

Trước hết, đây là "cơ hội" đánh giá mức độ gia tăng nước dâng thực tế so với theo kịch bản biến đổi khí hậu đã tính toán.

Theo tính toán tại kịch bản Quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) của Việt Nam phát hành vào năm 2011: Vĩnh Long thuộc vùng thứ 6, cũng là vùng có mức nước biển dâng cao; ở kịch bản trung bình, đến năm 2020, mực nước biển dâng lên 9cm, đến năm 2030 tăng lên 14cm, đến năm 2050 tăng 27cm.

Còn tại kịch bản có mực nước dâng cao nhất trong kịch bản BĐKH của Vĩnh Long lập năm 2021: Ở cửa sông Cổ Chiên và sông Hậu, vào đầu thế kỷ XXI (2030), mức nước biển dâng trung bình 9,55 - 12cm.

Thế nhưng thực tế, mực nước tăng nhanh hơn so với tính toán. Trong 11 năm từ 2011 - 2022: Nếu so với năm lũ lớn năm 2011, mực nước cao nhất tại trạm Mỹ Thuận (sông Tiền) tăng 14cm (từ 2,03m vào năm 2011 tăng lên 2,17m vào năm 2022); mực nước cao nhất tại trạm Cần Thơ (sông Hậu) tăng 12cm (từ 2,15m năm 2011 lên 2,27m năm 2022).

Nếu so với năm lũ nhỏ (năm 2015), mực nước cao nhất tại trạm Mỹ Thuận tăng 32cm (từ 1,85m vào năm 2015 tăng lên 2,17m năm 2022); mực nước cao nhất tại trạm Cần Thơ tăng 33cm (từ 1,94m vào năm 2015 lên 2,27m năm 2022).

Kế đến là, triều cường lịch sử là "cơ hội" giúp điều chỉnh kế hoạch, hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp thích ứng với điều kiện bị ngập lụt. Thiên tai này đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Vì vậy, ở vùng bị ngập lụt buộc phải quan tâm nhiều hơn về diễn biến triều cường để từ đó điều chỉnh và đề ra kế hoạch bảo vệ tài sản, kế hoạch hoạt động sản xuất - kinh doanh, kinh tế - xã hội phù hợp để tránh bị thiệt hại; đồng thời thúc đẩy chính quyền, cộng đồng nhận thức đúng đắn và chủ động hơn trong phòng, chống, ứng phó với thiên tai, BĐKH.

Triều cường lịch sử còn "kiểm chứng" năng lực ứng phó của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là công trình thủy lợi, giao thông, từ đó có sự điều chỉnh trong thiết kế, xây dựng nhằm đảm bảo công trình an toàn trên đỉnh triều cường, “vượt lũ”.

Bên cạnh còn thúc đẩy chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh phải triển khai xây dựng nhanh chóng các công trình chống ngập tại các đô thị để giảm thiệt hại.

Cuối cùng là, nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng đặt ra vấn đề cần triển khai chương trình dự báo sạt lở bờ sông.

Trong đó, vụ sạt lở bờ sông Cổ Chiên tại xã Hòa Ninh vào ngày 5/12 là vụ nghiêm trọng nhất trong 10 năm qua kể từ vụ sạt lở đầu cù lao Minh tại xã An Bình (huyện Long Hồ) vào năm 2012, gây thiệt hại lớn và để lại hậu quả nặng nề.

Do đó, đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu và sớm triển khai ứng dụng rộng rãi, phổ biến các đề tài, mô hình dự báo sạt lở đã có, để giúp các địa phương chủ động hơn trong công tác phòng chống sạt lở bờ sông.

Thiên tai năm qua có nhiều bất thường và là bài học lớn đối với mọi người, mọi nơi - không được chủ quan, lơ là với bất kỳ thiên tai nào, ở bất kỳ thời điểm nào.

Bài, ảnh: HÀ THÀNH THẶNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh