Xác định vai trò quan trọng của thủy lợi trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong năm qua, việc đầu tư phát triển công trình thủy lợi đã được ngành nông nghiệp - PTNT triển khai thực hiện với khối lượng lớn và còn tiếp tục ở năm 2023.
Nắng sớm đường quê. Ảnh: Bá Lâm (TP Vĩnh Long) |
Xác định vai trò quan trọng của thủy lợi trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong năm qua, việc đầu tư phát triển công trình thủy lợi đã được ngành nông nghiệp - PTNT triển khai thực hiện với khối lượng lớn và còn tiếp tục ở năm 2023.
Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển thủy lợi
Năm 2022 đánh dấu ảnh hưởng sâu rộng của hiện tượng La Nina toàn cầu, thiên tai bất thường, bão mạnh, mưa lớn xuất hiện ở nhiều vùng trong cả nước.
Ở Vĩnh Long, triều cường lịch sử, mưa lớn kéo dài là 2 thiên tai gây nhiều bất lợi nhất, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống nhân dân trong tỉnh.
Đầu tư phát triển công trình thủy lợi trong năm, chủ yếu nhằm củng cố các tiểu vùng thủy lợi đã được khép kín, chủ động ứng phó tốt với mưa, lũ, triều cường, ngập lụt, sạt lở bờ sông, rạch.
Để đáp ứng nhiệm vụ đó, trong năm qua, trên cơ sở Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng thủy lợi tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, định hướng đến 2030, kế hoạch trung hạn phát triển thủy lợi (giai đoạn năm 2021 - 2025), Sở Nông nghiệp - PTNT, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã triển khai những công trình, dự án thủy lợi cụ thể để đầu tư phục vụ cho cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phục vụ chương trình xây dựng NTM của tỉnh, trong đó có lồng ghép phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước
biển dâng.
Do gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng vì hầu hết các công trình thực hiện theo tuyến và theo phương châm vận động “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” nên tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi còn chậm, đến nay chỉ đạt gần 50% kế hoạch.
Từ các nguồn vốn khác nhau từ Trung ương và tỉnh, huyện, xã đầu tư, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 300/328 (ít hơn năm 2021 là 31 công trình) với tổng vốn đầu tư thực hiện đạt gần 436 tỷ đồng (đạt 48,7% kế hoạch).
Trong đó, Sở Nông nghiệp - PTNT thực hiện 56 công trình với giá trị xây dựng đạt hơn 400 tỷ đồng (đạt 46,8% kế hoạch).
Tuy nhiên, các công trình thủy lợi do các huyện, thị xã, thành phố tiến độ thực hiện nhanh hơn. Có 88/110 công trình hoàn thành với giá trị xây dựng 42,56 tỷ đồng (đạt 88,4% kế hoạch), khối lượng đào đắp là 575.140m3 đất.
Ngoài ra, UBND các xã đã triển khai thực hiện hoàn thành 141 công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng với giá trị xây dựng 1,172 tỷ đồng, đạt 93,6% kế hoạch.
Một số dự án thủy lợi lớn mà Sở Nông nghiệp - PTNT đã và đang thực hiện, như: Hệ thống thủy lợi (HTTL) ngăn mặn, tiếp ngọt khu vực huyện Vũng Liêm, HTTL phục vụ xây dựng NTM xã Phước Hậu (huyện Long Hồ), HTTL ngăn mặn, giữ ngọt khu vực Bắc Vũng Liêm (huyện Vũng Liêm), HTTL phục vụ xây dựng NTM xã Loan Mỹ (huyện Tam Bình), HTTL ngăn mặn, giữ ngọt xã Thanh Bình và xã Quới Thiện (huyện Vũng Liêm), đê bao chống ngập TP Vĩnh Long - khu vực sông Cái Cá, đê bao dọc sông Hậu (huyện Bình Tân, TX Bình Minh, huyện Trà Ôn), Đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2), kè chống sạt lở bờ sông kênh Chà Và, khu vực phường Đông Thuận (TX Bình Minh), kè chống sạt lở sông Măng Thít - Khu vực 10B, TT Trà Ôn, kè chống sạt lở sông Rạch Vồn, khu vực phường Cái Vồn, TX Bình Minh...
Kết quả này giúp củng cố, hoàn thiện HTTL hiện có ở Vĩnh Long nhằm đảm bảo phục vụ ổn định sản xuất cho 112.855ha đất nông nghiệp được khép kín thủy lợi trong những năm qua (chiếm tỷ lệ 94,24% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh).
Giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai
Hiệu quả đầu tư HTTL trong năm 2022 và các năm trước thể hiện rõ qua những tác động của đợt triều cường lịch sử vào tháng 10/2022. Theo đó, thiệt hại thấp hơn nhiều so với triều cường lịch sử năm 2019.
Cụ thể, trong năm toàn tỉnh có gần 850ha cây trồng bị ngập; 5.454 căn nhà, 10 trường học, 9 điểm chợ và 26 trụ sở cơ quan bị ngập nền, ngập sân; 27 ao nuôi thủy sản bị vỡ bờ ao; gần 110km đê bao, cống đập thủy lợi, đường giao thông bị tràn; 1.253m đê bao, cống đập thủy lợi, đường giao thông bị sạt lở… Tổng thiệt hại do triều cường là 7,055 tỷ đồng.
Nếu so với năm triều cường lịch sử năm 2019 thì thiệt hại năm nay thấp hơn 4 lần. Ảnh hưởng của mưa lớn và triều cường rằm tháng 9 âl năm 2019 đã gây thiệt hại về tài sản trên 20,669 tỷ đồng (trong đó: về nông nghiệp 6,507 tỷ đồng, công trình thủy lợi 5,111 tỷ đồng, về giao thông 8,607 tỷ đồng…).
Có 4.315 nhà, 24 điểm trường, 5 cơ quan, 32 điểm chợ bị ngập nền; 437 tuyến đê bao (dài 327,5km) bị tràn, 97 bờ bao (dài 3.941m) bị vỡ; 107 đập bị tràn (1.531m), 39 đập bị vỡ (dài 523m), 10,41km đường quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập, 128km đường huyện, xã bị ngập trong đó có 4.693m bị sạt lở...
Điều này cho thấy, ngoài các yếu tố khác góp phần giảm thiệt hại trong đợt triều cường rằm tháng 9 âl vừa qua (như sự chủ động ứng phó của người dân, chính quyền...) còn nhờ hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông bộ, thủy lợi được đầu tư khá lớn, cả về quy mô lẫn nguồn vốn đầu tư và hiệu quả trong những năm qua.
Phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng NTM và phòng, chống thiên tai
Những tháng đầu năm 2023 được dự báo hiện tượng La Nina vẫn còn ảnh hưởng đến nước ta, từ tháng 12/2022 - 2/2023 với xác suất trong khoảng từ 65 - 75%.
Đầu tư công trình thủy lợi của tỉnh sẽ tiếp tục phục vụ các mục tiêu nêu trên, đồng thời sẽ cập nhật bổ sung những công trình thủy lợi theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được duyệt.
Trong đó ưu tiên đầu tư nhằm đạt mục tiêu của kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, kết hợp phòng, chống thiên tai (nhất là khắc phục hậu quả sạt lở bờ sông tại các khu vực đã được UBND tỉnh công bố trình trạng thiên tai sạt lở khẩn cấp), ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sở Nông nghiệp - PTNT sẽ tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thành các dự án chuyển tiếp từ năm 2022, đồng thời triển khai thực hiện các dự án thủy lợi mới, như: HTTL phục vụ nuôi trồng thủy sản huyện Tam Bình và huyện Long Hồ, HTTL các xã Song Phú, Phú Lộc, Hậu Lộc, Hòa Lộc, Mỹ Lộc (huyện Tam Bình), HTTL cồn Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn (giai đoạn 2), nâng cấp hệ thống thủy lợi Mỹ Lộc - Mỹ Thạnh Trung - Long Phú - Song Phú (huyện Tam Bình), HTTL Thanh Đức - Long Mỹ (huyện Long Hồ, huyện Mang Thít), kè chống sạt lở sông Tắc Từ Tải, khu vực phường Cái Vồn và phường Thành Phước (TX Bình Minh), kè chống sạt lở bờ sông Cái Vồn Lớn và sông Cái Vồn Nhỏ, xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh), kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên (đoạn từ đầu cù lao An Bình đến phà An Bình), xã An Bình (huyện Long Hồ)…
Để thực hiện thành công, tỉnh Vĩnh Long rất cần sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp - PTNT trong đầu tư các công trình/dự án thủy lợi (phân cấp Trung ương đầu tư), phát triển nguồn nhân lực quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, ban hành các chính sách hỗ trợ và chuyển giao ứng dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ thủy lợi mới để phục vụ tốt hơn cho chương trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM và phòng, chống thiên tai của tỉnh.
LƯU NHUẬN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin