"Thấy người ăn khoai, vác mai đi đào"

12:02, 15/02/2023

Dân gian có câu: "Thấy người ăn khoai, vác mai đi đào", giờ thấy nhiều bà con nông dân mình canh tác cũng y như vậy. Không có định hướng rõ ràng, mà chăm chăm đu đeo thị trường.

(VLO) Dân gian có câu: “Thấy người ăn khoai, vác mai đi đào”, giờ thấy nhiều bà con nông dân mình canh tác cũng y như vậy. Không có định hướng rõ ràng, mà chăm chăm đu đeo thị trường.

Hai Lúa tui nói thị trường ở đây là những cơn sốt nóng giá, nóng nhu cầu và một tâm lý “đu đeo” bất kể cho đến lúc mất kiểm soát sản lượng, tạo nên sự thừa thãi cung quá lớn so với nhu cầu, thì những cái thế mạnh của nông nghiệp, của loại cây trái nào đó, lại trở thành điểm yếu… chết người.

Đây là “căn bệnh mạn tính” của nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ và còn mang đậm chất tiểu nông, lạc hậu.

Thật không may, tâm lý này lại trở thành chủ đạo trong tư duy, lề lối làm ăn của phần đông bà con nông dân nước mình.

Bây giờ mà hễ thấy loại cây trái nào đang “nóng”, thì những ai bình tĩnh sẽ cảm thấy có sự lo lắng. Bởi nông dân thường sẵn sàng thay đổi cây trồng hiện tại để chen chân vào cuộc đua tăng giá của thị trường; cho đến lúc diện tích quá lớn đẩy nông sản bị dội chợ, dội cả tại vườn, đến nỗi công hái còn bị lỗ nói gì tới chuyện tính toán những chi phí đầu tư.

Câu chuyện trái cam rớt giá thê thảm cũng đâu phải là chuyện mới. Người người, nhà nhà đua nhau trồng cam, bất kể hiện giờ diện tích ở địa phương mình đang là bao nhiêu, sản lượng bao nhiêu và nhu cầu thị trường là bao nhiêu.

Nhiều nông dân “cắm sổ” ngân hàng để chuyển đổi đất lúa lên liếp trồng cam, thử hỏi với tiềm lực mỏng manh, yếu thế dễ tổn thương như thế, sau vài năm đầu tư chờ trái chiếng, lại rơi đúng lúc cam rớt giá thế này, thì làm sao gượng dậy nổi. Tất cả tài sản, đất đai đều… nằm trong mấy công cam, thật sự “quá nhanh quá nguy hiểm”.

Không phải là không có sự cảnh tỉnh, cảnh báo từ các cơ quan chức năng, nhưng cơ chế quản lý hiện nay không thể bắt buộc từng hộ nông dân phải dừng lại các cuộc chạy đua theo những cây trồng đang sốt trên thị trường. Thời gian gần đây, thông tin một số loại trái cây đang lên giá dựng ngược, rồi sẽ có phong trào chặt - trồng mới ở các nhà vườn.

Một “căn bệnh mạn tính” của nền nông nghiệp còn riêng lẻ, manh mún. Chưa chuyển mình kịp để bắt nhịp với lối sản xuất hiện đại, liên kết chuỗi và ứng dụng khoa học kỹ thuật, tận dụng thế mạnh của thời đại kỹ thuật số toàn cầu. Lo thay!

Hailua@.com

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh