BHXH tỉnh Vĩnh Long chuyển đổi số để phục vụ tốt hơn

02:01, 13/01/2023

Những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, ngành BHXH xác định chuyển đổi số (CĐS) là yêu cầu tất yếu để đổi mới phương thức hoạt động, góp phần xây dựng thành công Chính phủ số.

(VLO) Những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, ngành BHXH xác định chuyển đổi số (CĐS) là yêu cầu tất yếu để đổi mới phương thức hoạt động, góp phần xây dựng thành công Chính phủ số.

Hiện nay, công tác CĐS được BHXH tỉnh triển khai ở từng lĩnh vực với mục tiêu phục vụ ngày càng tốt hơn lợi ích của doanh nghiệp (DN), người dân và các chủ thể tham gia BHXH, BHYT.

Để thông tin cụ thể hơn vấn đề trên, phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc phỏng vấn ông Phạm Minh Dương - Giám đốc BHXH tỉnh.

* Thưa ông, với phương châm lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ, thời gian qua việc ứng dụng CĐS trong hoạt động nghiệp vụ được BHXH tỉnh triển khai ra sao?

- BHXH tỉnh xác định cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đáp ứng được các yêu cầu tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong tình hình mới.

BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như: đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; thực hiện giao dịch điện tử lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ BHXH; hoàn thiện, mở rộng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.

Đặc biệt, việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng VssID - BHXH số trên nền tảng thiết bị di động, cung cấp các tiện ích, thông tin thiết yếu về quá trình tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đáp ứng sự hài lòng của người dân và DN.

Các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ của BHXH tỉnh đều được thực hiện trên phần mềm, giúp công tác quản lý, thống kê, báo cáo được chính xác và kịp thời, rút ngắn thời gian giải quyết công việc.

Từ đó hoạt động nghiệp vụ trở nên nhanh chóng, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và DN trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời nâng cao tính chính xác và năng lực quản lý dựa trên dữ liệu; tạo điều kiện tăng cường công tác thanh, kiểm tra điện tử; hạn chế gian lận, trục lợi trong đóng và hưởng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn cũng đã góp phần quan trọng đưa chính sách hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh kịp thời nhất. Mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất quyền lợi của DN và người dân.

BHXH tỉnh cũng đã đa dạng hóa hình thức truyền thông chính sách đến với người dân thông qua việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền trực tuyến về BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện và cài đặt VssID; tuyên truyền trực tuyến qua cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội, tổ chức chương trình livestream các chính sách BHXH, BHYT thu hút nhiều người xem.

Thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nối internet, người dân, người lao động có thể tìm hiểu chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp mọi lúc, mọi nơi.

* Ông có thể cho biết một số kết quả đạt được từ việc thực hiện CĐS trong công tác ngành?

- Trong năm 2022, về giao dịch điện tử, đã tiếp nhận 234.813 hồ sơ, trong đó có 184.671 nhận theo hình thức trực tuyến, chiếm 79%. Về triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số”, toàn tỉnh có 328.454 người đăng ký cài đặt và sử dụng ứng dụng (đạt 36% so với người đang tham gia BHYT).

Thông qua việc cài đặt và sử dụng ứng dụng, người dùng có thể thực hiện vai trò giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động cho người lao động, góp phần công khai, minh bạch thông tin và hạn chế tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Đây cũng là một kênh truyền thông trực tiếp đến người sử dụng, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp để người sử dụng thấy được giá trị nhân văn của các chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước.

* CĐS được xác định là xu hướng tất yếu và được ứng dụng vào hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực. Thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục triển khai công tác này ra sao, thưa ông?

- Có thể thấy, hiện nay tất cả các thủ tục hành chính của ngành BHXH đều được thực hiện trên không gian số. Điều này tạo sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT.

Việc thực hiện trên không gian số còn giúp cho DN, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết chế độ chính sách, nâng cao tính minh bạch.

Những lợi ích đó cho thấy công tác CĐS của ngành BHXH đang đi đúng hướng, mang lại những kết quả tích cực bước đầu, góp phần phục vụ người tham gia BHXH, BHYT ngày càng tốt hơn.

Vì vậy, thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hướng tới xây dựng thành công BHXH số.

Kịp thời rà soát, đề xuất cấp trên việc cập nhật, nâng cấp, điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ khi quy định hiện hành có sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai mạnh mẽ ứng dụng VssID và việc sử dụng CCCD gắn chip để thay thế thẻ BHYT giấy trong đăng ký khám, chữa bệnh BHYT, qua đó sẽ giúp người tham gia BHXH, BHYT có nhiều phương án lựa chọn khi khám chữa bệnh BHYT.

Tăng cường kết nối dữ liệu của BHXH tỉnh với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở khám chữa bệnh và các sở, ban, ngành có liên quan…

Đây là nền tảng quan trọng để toàn ngành tiếp tục hiện đại hóa toàn diện bộ máy quản lý, mang lại lợi ích và nâng cao sự hài lòng từ phía người dân, DN, góp phần xây dựng thành công BHXH số trên địa bàn tỉnh.

* Trân trọng cảm ơn ông!

P. PHONG (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh