Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, cán bộ và nhân dân huyện Bình Tân đón chào xuân mới với niềm vui, vinh dự và tự hào khi cuối năm 2022 Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Bình Tân đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Tuyến đường ngập sắc xuân tại huyện Bình Tân. |
(VLO) Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, cán bộ và nhân dân huyện Bình Tân đón chào xuân mới với niềm vui, vinh dự và tự hào khi cuối năm 2022 Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Bình Tân đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Đây là thành quả lớn lao của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân huyện nhà qua hơn 10 năm chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có những câu chuyện mang tính “lịch sử” và đã tạo nên sự đổi thay lớn ở huyện Bình Tân.
Hiến đất, góp tiền làm giao thông
Tuyến đường từ Quốc lộ 54 đến giáp ranh xã Tân Hưng đi qua ấp An Thới - An Phước (xã Tân An Thạnh), dài khoảng 3km được đầu tư xây dựng đã làm nên câu chuyện lịch sử.
Đó là, một số người dân nơi đây không chỉ hiến hàng trăm mét vuông đất mà mỗi người còn góp hàng chục, hàng trăm triệu đồng cho hộ phía trước để mở được con lộ này.
Anh Thĩnh (trái) đã hiến 600m2 đất, đốn bỏ 30 gốc mận An Phước và góp hơn 337 triệu đồng để xây đường An Thới - An Phước. |
Trong đó, anh Nguyễn Ngọc Thĩnh- ấp An Thới là một trong những điển hình như vậy. Anh không chỉ hiến 600m2 đất, đốn bỏ 30 gốc mận An Phước, mà còn hùn hơn 337 triệu đồng để hộ phía trước đồng ý giao đất cho Nhà nước đầu tư xây đường.
Anh Thĩnh cho biết, để mở con lộ này, thì các hộ dân cần phải hiến đất theo chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, trong đó hộ có đất ở mặt tiền Quốc lộ 54 cần phải hiến 300m2 đất. Do hộ này đất không nhiều, nếu hiến sẽ rất khó khăn.
Qua buổi họp bàn với chính quyền địa phương, anh Thĩnh được bầu làm Tổ trưởng Tổ vận động, anh đã tính thử bài toán, trị giá của phần đất này là 1,08 tỷ đồng.
Rồi anh tiếp tục bàn bạc với 6 hộ có đất ở mặt tiền (khu vực khi hiến đất sẽ ra mặt tiền) cùng nhau hùn tiền đưa cho hộ phía trước, “kể như cùng nhau mua 300m2 rồi hiến cho Nhà nước xây lộ” - anh Thĩnh nói.
Qua bàn bạc tính toán, hộ nào sau khi hiến đất được ra mặt lộ nhiều nhất thì góp tiền theo tỷ lệ, trong đó anh Thĩnh là người góp nhiều nhất, có hộ góp hơn 200 triệu đồng, hộ góp ít nhất cũng hơn 40 triệu đồng. Điều đáng mừng là cả 6 hộ dân đều gật đầu đồng thuận.
Trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, đất đai được xem là tài sản gắn liền như “khúc ruột” của người dân, nhưng vẫn có những người như anh Thĩnh đã sẵn lòng cho đi phần đất của mình, còn vận động các hộ lân cận chung tay góp tiền để mua đất và hiến cho Nhà nước thật là quý báu vô cùng.
Điều này đã làm nên câu chuyện “lịch sử” về công tác huy động sức dân tại huyện Bình Tân.
Trước đây, anh Thĩnh còn dành đất của mình mở đường đi cho các hộ cất nhà sâu bên trong được thuận tiện đi lại.
Khi Nhà nước phát động phong trào làm đường, anh cũng tham gia ủng hộ kinh phí, tính toán cách làm sao cho giảm được chi phí và làm nhanh nhất để người dân thuận tiện đi lại.
“Tôi thấy cái nào mình tham gia đóng góp được thì đóng góp. Mình làm có lợi cho dân mình và có lợi cho địa phương” - anh Thĩnh nói.
Phục vụ người dân nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất
Ông Nguyễn Văn Tập - Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho biết, sau khi về đích huyện nông thôn mới, huyện tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó nâng chất tiêu chí giao thông.
Qua thời gian dài tuyên truyền, vận động, đến nay nhiều người dân đã hiểu rất rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình cũng như lợi ích thiết thực của mình trong xây dựng nông thôn mới.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn được triển khai thu hút người dân tham gia rộng rãi. |
Chính vì vậy, công tác huy động sức dân có những thuận lợi nhất định và câu chuyện về người dân sẵn sàng hiến đất rồi góp thêm hàng trăm triệu đồng là những tấm lòng thơm thảo, đáng quý.
Ông Nguyễn Văn Tập - Chủ tịch UBND huyện Bình Tân Để nông thôn không ngừng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần người dân không ngừng được nâng cao, BCĐ Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Bình Tân định hướng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao và phát triển bền vững; đổi mới nội dung, cách thức tuyên truyền để phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. |
Sự đóng góp của người dân đã tạo nên thành quả lớn lao. Qua hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bình Tân đã quyết tâm, nỗ lực không ngừng, xây 9/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và Bình Tân được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 668/QĐ-TTg ngày 2/6/2022 của Thủ trướng Chính phủ.
Theo Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, điểm nổi bật trước tiên chính là hạ tầng giao thông, thủy lợi, các công trình trường học, trạm y tế được đầu tư góp phần quan trọng phục vụ người dân nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn, giảm dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Cùng với đó, các tuyến đường hoa, hệ thống chiếu sáng được triển khai dọc theo các trục lộ góp phần tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp.
Nhà ở dân cư được xây cất khang trang, qua đây khẳng định mức sống người dân đã được nâng cao. |
Trong những năm qua, đời sống người dân được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần, thu nhập bình quân đầu người đạt 54,16 triệu đồng/năm (2022), tăng 34,46 triệu đồng/năm so năm 2011.
Chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, chương trình giảm nghèo được chú trọng, công tác đào tạo và giới thiệu việc làm được triển khai rộng rãi đặc biệt là đưa lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Hệ thống hạ tầng của huyện Bình Tân được đầu tư ngày càng hoàn thiện. |
Ông Nguyễn Văn Tập cũng cho biết: Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội được quan tâm nhiều mô hình phòng chống tội phạm hoạt động có hiệu quả, lực lượng công an chính quy được triển khai đồng bộ đến các xã, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin