Long Phú nâng chất tiêu chí thu nhập

12:01, 11/01/2023

Cuối năm 2022, xã Long Phú về đích NTM với 9/19 tiêu chí có chỉ tiêu đạt vượt. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 53,4 triệu đồng/năm, vượt 400.000đ so quy định; tỷ lệ nghèo đa chiều còn 3,15% (quy định 4% trở xuống). Để đạt được kết quả này, xã đã tập trung nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Để giúp người dân nâng cao thu nhập, xã Long Phú đang tích cực vận động người dân tích cực phát triển sản xuất.
Để giúp người dân nâng cao thu nhập, xã Long Phú đang tích cực vận động người dân tích cực phát triển sản xuất.

(VLO) Cuối năm 2022, xã Long Phú về đích NTM với 9/19 tiêu chí có chỉ tiêu đạt vượt. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 53,4 triệu đồng/năm, vượt 400.000đ so quy định; tỷ lệ nghèo đa chiều còn 3,15% (quy định 4% trở xuống). Để đạt được kết quả này, xã đã tập trung nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Phát triển sản xuất

Chỉ với 300m2 đất, anh Nguyễn Văn Bê - ấp Phú Sơn C đã kết hợp hiệu quả mô hình nuôi vịt xiêm Pháp phía trên và kết hợp với nuôi heo rừng bên dưới. Mô hình này đã giúp gia đình anh có được nguồn thu khá.

Trong đó, đàn heo rừng của anh hiện có 9 con nái và 1 con đực - đã được ký hợp đồng đầu ra với một công ty bên Đồng Tháp. Nguồn thức ăn cho heo rừng khá đơn giản, chủ yếu là rau củ quả hoặc chuối cây kết hợp cám, tấm…

Trước đây, cha anh Bê nuôi 3 con vịt xiêm Pháp, thấy nó đẻ nhiều và mạnh khỏe nên anh nhân giống ra nuôi. Đồng thời, mua thêm mấy con vịt bố mẹ về để nhân rộng mô hình và không bị trùng huyết. Hiện, đàn vịt của anh có hơn 50 con bố mẹ và gần 200 con vịt con.

Trung bình, nuôi khoảng 2 tháng 15 ngày thì vịt trống có thể đạt 3,3 - 3,4 kg/con, là có thể cho xuất chuồng, giá bán 55.000 đ/kg trở lên.

Theo anh Bê, nuôi vịt chủ yếu cho ăn thức ăn, khi vịt đẻ thì trộn thêm chút đỉnh lúa cho chắc trứng. Cứ mỗi đợt, vịt đẻ từ 15 đến hơn 20 trứng. Nếu ấp bằng máy thì vịt đẻ liên tục, nếu để vịt mái tự ấp trứng thì khoảng 1 tháng - khi trứng nở thì vịt mới đẻ tiếp.

Anh Bê chia sẻ: “Tôi mong sau này sẽ có thêm nhiều hộ phát triển chăn nuôi vịt xiêm Pháp và cùng nhau tham gia vào HTX hoặc tổ hợp tác, để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và sản phẩm làm ra có đầu ra ổn định hơn”.

Sau thời gian trồng 2.000m2 mận xanh đường thấy có hiệu quả, anh Nguyễn Văn Chiến - ấp Phú Sơn A đã nhân rộng mô hình lên 5.000m2 và trồng xen với cây bưởi. Mỗi năm, anh xử lý ra trái 2 - 3 vụ. Chỉ tính riêng tiền mận xanh đường đã giúp anh kiếm tiền lời 50 - 60 triệu đồng/năm.

Thông qua sự vận động của huyện, xã, anh bắt đầu áp dụng mô hình trồng mận xanh đường theo hướng VietGAP từ tháng 7/2022.

Anh dự kiến qua Tết Nguyên đán 2023 sẽ bán trái qua sàn giao dịch nông sản tỉnh Vĩnh Long. Với sản phẩm làm ra theo chuẩn VietGAP, anh tin rằng: “Sẽ giúp trái mận nâng cao giá trị, vừa có lợi cho mình và có lợi cho người tiêu thụ”.

Nâng cao thu nhập

Nhiều mô hình kinh tế đang phát huy hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.
Nhiều mô hình kinh tế đang phát huy hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Ông Trần Văn Tấn - Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Phú cho biết: Toàn ấp có hơn 4ha trồng mận xanh đường. Hiện, xã đang làm thí điểm mô hình trồng cây ăn trái theo hướng VietGAP đối với hộ gia đình anh Chiến trên diện tích 2.000m2 trồng mận xanh đường.

Đồng thời thực hiện thí điểm mô hình trồng cam sành theo hướng VietGAP đối với một hộ ở Ấp 6B cũng với diện tích 2.000m2. Đây là 2 mô hình mẫu, khi thực hiện thành công sẽ tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.

Theo BCĐ Chương trình xây dựng NTM xã Long Phú, để giúp người dân nâng cao thu nhập, thời gian qua xã đã vận động người dân tích cực cải tạo vườn tạp, phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả để nhân rộng…

Nhờ vậy, đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã 53,4 triệu đồng/năm, vượt 400.000đ so quy định.

Thời gian qua, bằng các giải pháp thiết thực như: hỗ trợ cất nhà, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế… xã đã giúp thoát nghèo 17 hộ, hiện còn 10 hộ nghèo; thoát cận nghèo 138 hộ, hiện còn 83 hộ cận nghèo. Như vậy, toàn xã còn 93 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó 20 hộ không còn khả năng lao động.

Sau khi đi thẩm định thực tế các mô hình kinh tế của xã Long Phú, ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh lưu ý, xã cần tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn trái theo hướng VietGAP, quan tâm phát triển sản xuất, xác định vùng trồng cây chủ lực, chăn nuôi chủ lực, xây dựng mã số vùng trồng, phát triển sản phẩm OCOP.

Đồng thời, tiếp tục có các giải pháp để giảm sâu hộ nghèo và không ngừng nâng cao đời sống người dân theo định hướng lâu dài.

Qua thẩm định, xã Long Phú đã về đích NTM vào cuối năm 2022. Trong đó, có 9/19 tiêu chí có chỉ tiêu đạt vượt. Cụ thể, tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố và bán kiên cố vượt 15%; tỷ lệ lao động qua đào tạo vượt gần 16,2%; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động vượt 20%; tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử vượt 27%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy định vượt hơn 46,3%...

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh