Thời gian tới, Huyện ủy Bình Tân có nhiều định hướng để đưa kinh tế huyện nhà không ngừng phát triển, đặc biệt là giúp nông dân gắn bó và làm giàu với nông nghiệp. Trong đó, xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất, hình thành vùng nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, đảm bảo năng suất và chất lượng, ưu tiên các sản phẩm chủ lực của huyện" - đồng chí Phạm Minh Hoàng
(VLO) “Thời gian tới, Huyện ủy Bình Tân có nhiều định hướng để đưa kinh tế huyện nhà không ngừng phát triển, đặc biệt là giúp nông dân gắn bó và làm giàu với nông nghiệp. Trong đó, xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất, hình thành vùng nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, đảm bảo năng suất và chất lượng, ưu tiên các sản phẩm chủ lực của huyện” - đồng chí Phạm Minh Hoàng - Bí thư Huyện ủy Bình Tân đã chia sẻ như thế trong câu chuyện đầu Xuân Quý Mão 2023.
Nông sản được giá, ăn Tết sung túc
Trên rẫy màu rộng lớn thuộc xã Tân Bình, chúng tôi đến tham quan nhà lưới 5.800m2 của anh Đặng Hoàng Minh - ấp Tân Qui nhân lúc vợ chồng anh đang bón phân chăm sóc cải tùa xại.
Anh Minh cho biết: Anh đã ký hợp đồng với Hợp tác xã Rau củ quả Tân Bình để trồng giống cải này, trồng 50 ngày sẽ thu hoạch, giá bán 8.500 đ/kg (loại I).
Mô hình trồng màu trong nhà lưới giúp hạn chế sâu bệnh, tiết kiệm phân thuốc, sản xuất an toàn hơn. |
Vụ màu Tết 2023, anh Minh trồng hành gốc trắng từ hạt. Mô hình này anh đã trồng thử nghiệm thành công cả trong nhà lưới và ngoài trời. “Cây có mẫu mã đẹp, lớn cọng, ăn ngon và trồng trong nhà lưới thì tuyệt chiêu luôn vì không sợ bệnh gì hết” - anh Minh nói.
Năm 2019, anh Minh được Hội Nông dân huyện và Trạm Khuyến nông hỗ trợ 23 triệu đồng, cộng với vốn của anh được tổng cộng 100 triệu đồng, anh đã đầu tư làm nhà lưới rộng 1.000m2. Đây chính là mô hình nhà lưới đầu tiên trong huyện được hỗ trợ.
“Những năm gần đây, Nhà nước có nhiều hoạt động hỗ trợ cho nông dân, có nhiều kỹ sư vô hướng dẫn; các ngành, đoàn thể thì tổ chức hội thảo, hỗ trợ mô hình. Về phía nông dân thì rất sâu sắc, chịu học hỏi, nên làm ăn có hiệu quả”- anh Minh nói.
Thấy trồng rau trong nhà lưới hiệu quả vì nhẹ công, ít phân thuốc, sản phẩm làm ra đạt chất lượng và an toàn… Vì vậy, anh Minh tiếp tục mở rộng nhà lưới lên 5.800m2.
Bên cạnh, anh còn thuê thêm 1ha đất rẫy để trồng hành và rau màu các loại; đất vườn thì anh trồng mít Thái giúp đa dạng nguồn thu.
Trong sản xuất nông nghiệp, nông dân huyện Bình Tân được cán bộ địa phương quan tâm, thường xuyên xuống hướng dẫn kỹ thuật. |
“Nông dân luôn trông vào thị trường Tết vì rau màu bán có giá hơn, mà năng suất cũng cao do thời tiết thuận lợi, chẳng hạn như ngày thường cây hành cho năng suất 30 - 35 tạ/công, nhưng đến Tết có thể cho 40 - 50 tạ/công, giá bán 1 triệu đồng/tạ. Nếu cứ được mùa, được giá như vậy là nông dân ăn Tết lớn”- anh Minh nói.
“Những ngày Tết, anh Minh vẫn ra thăm đồng thường xuyên. Vụ màu Tết thu hoạch xong thì nghỉ vài bữa, chứ nghỉ lâu thì không chịu nổi, mỗi ngày phải ra đồng làm này kia thì mới thấy thoải mái trong người” - anh Minh nói và cho hay: “Mỗi sáng tui đều đi thăm đồng coi nước nôi, có việc thì sắp xếp thức sớm, làm xong sớm thì có nhiều thời gian đi chúc Tết, thăm cha mẹ, người thân, bạn bè”.
Chuyển đổi nhanh, sản xuất an toàn
Đồng chí Phạm Minh Hoàng - Bí thư Huyện ủy Bình Tân, cho biết: Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bình Tân nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Huyện Bình Tân đang khuyến khích phát triển các mô hình trồng màu, đưa cây màu xuống ruộng. |
Bên cạnh những khó khăn, thách thức sau thời gian dài ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, năm qua Huyện ủy đã lãnh chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết về phát triển kinh tế nông nghiệp đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Trong đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Huyện tập trung tuyên truyền, vận động đưa cây màu xuống ruộng, cải tạo vườn kém hiệu quả sang trồng vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Nhờ vậy, diện tích cây màu xuống ruộng đạt 16.523ha, sản lượng hơn 420.500 tấn; diện tích cây ăn trái 4.000ha, sản lượng gần 85.780 tấn.
Điều đặc biệt là, đã xây dựng được 4 mã số vùng trồng, nông dân cũng xây dựng được nhiều mô hình nhà lưới. “Điểm nổi bật của nông dân Bình Tân là rất cần cù, chịu đầu tư, chịu tiếp thu kiến thức, chuyển đổi nhanh và hướng tới sản xuất an toàn”- ông Phạm Minh Hoàng nhận định.
Trong năm qua, các mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại được duy trì ổn định như nuôi heo, nuôi gà gia công. Huyện còn khuyến khích phát triển mô hình gia trại chăn nuôi bò và gia cầm.
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy trong phát triển kinh tế nông nghiệp đã giúp người dân cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. |
Đồng thời, tiếp tục duy trì diện tích ao nuôi thủy sản với tổng 18 cơ sở nuôi, gồm 76 ao đều có đầu ra tiêu thụ ổn định. Cùng với đó, việc tận dụng diện tích mương vườn, nuôi trong vèo, bể lót bạc… để nuôi trồng các loại thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế cao cũng không ngừng phát triển.
Huyện ủy còn chỉ đạo duy trì và mở rộng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả có tác động lan tỏa như: mô hình trồng dưa hấu và dưa hấu phục vụ Tết Nguyên đán trên đất ruộng vụ Đông Xuân; canh tác hành lá; trồng mít Thái siêu sớm; rau màu trong nhà lưới…
Một trong những kết quả nổi bật của huyện là đã được Trung ương Quyết định công nhận huyện Bình Tân đạt chuẩn nông thôn mới.
“Đây được xem là tiền đề quan trọng, là động lực để địa phương tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025” - ông Phạm Minh Hoàng nói và cho biết: Từ những mặt đạt được nêu trên, đã đưa tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt hơn 2.611 tỷ đồng, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Với tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn tiến nhanh, quá trình hội nhập quốc tế mang lại cả cơ hội và thách thức lớn. Nhu cầu tiêu dùng chuyển sang sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất xứ nguồn gốc, hướng đến các sản phẩm sạch và an toàn cho sức khỏe. Khoa học công nghệ ngày càng phát triển, cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ số tác động ngày càng sâu rộng, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, kinh doanh và lối sống hàng ngày của mỗi người. Thời gian tới, Huyện ủy có những định hướng để đưa kinh tế huyện nhà không ngừng phát triển đặc biệt là giúp nông dân gắn bó và làm giàu với nông nghiệp. Cụ thể, thực hiện liên kết đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhất là kiểm soát chất lượng sản phẩm; phát triển nông nghiệp chú trọng về chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...; trong đó, ưu tiên xây dựng mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi, tạo điều kiện xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản như khoai lang, mít Thái, sầu riêng. Bên cạnh, đa dạng hóa các hình thức truyền thông để mở rộng thị trường tiêu thụ, đi đôi với xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; tiếp tục kêu gọi đầu tư, thu hút các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thu mua chế biến nông sản đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương; nâng chất lượng các hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất; thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp; chuyển giao khoa học kỹ thuật sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Song song đó, huyện tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng thủy lợi, kho, bến bãi phục vụ sản xuất nông nghiệp; đảm bảo cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi giống, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của địa phương; kết hợp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với phát triển du lịch sinh thái để vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, vừa quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích bán hàng thông qua các kênh giao dịch thương mại điện tử để nâng cao giá trị sản phẩm các mặt hàng nông sản của địa phương. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin