Tại kỳ họp lần thứ 5 HĐND tỉnh khóa X, các đại biểu HĐND tỉnh đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực, trí tuệ và bản lĩnh của người đại biểu. Theo đó, tham gia thảo luận về những nội dung còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những vấn đề vướng mắc được cử tri quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Bá Tòng - đơn vị huyện Tam Bình thảo luận tại hội trường. |
(VLO) Tại kỳ họp lần thứ 5 HĐND tỉnh khóa X, các đại biểu HĐND tỉnh đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực, trí tuệ và bản lĩnh của người đại biểu. Theo đó, tham gia thảo luận về những nội dung còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những vấn đề vướng mắc được cử tri quan tâm.
Khẩn cấp về tình trạng sạt lở
Đây là vấn đề “nóng” được cử tri quan tâm và là nội dung đại biểu Lê Minh Thiện - đơn vị huyện Long Hồ trình bày trong phiên thảo luận tại hội trường. Ngày 5/12, vụ sạt lở tại ấp Bình Thuận 1 (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ) đã nhấn chìm trên 4ha đất, ảnh hưởng 22 hộ dân với khoảng 100 nhân khẩu…
Ước tính thiệt hại khoảng 35 tỷ đồng. Theo đại biểu Lê Minh Thiện, “Đây là vụ sạt lở hết sức nghiêm trọng. Ngày 6/12, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở sông Cổ Chiên (đoạn từ vàm sông Mương Lộ đến rạch Bà Bóng) cho thấy, việc sạt lở có thể còn tiếp tục và nguy hiểm hơn.
Có thể đánh giá là do khai thác tài nguyên khoáng sản, biến đổi khí hậu thay đổi dòng chảy - đây là vấn đề cần phân tích rõ, cử tri hết sức quan tâm và bức xúc…”.
Tỉnh đã công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở tại xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ. Ảnh: PHI LONG |
Theo UBND tỉnh, trên đoạn sông Tiền thuộc địa bàn huyện Long Hồ, UBND tỉnh cấp phép khai thác cát sông tại 3 mỏ cát cho 3 doanh nghiệp (Công ty TNHH Vịnh Trà, DNTN Tân Hiệp Phát II, Công ty TNHH MTV Hồng Đức).
Mỏ cát cấp phép lâu nhất, lần đầu là tháng 2/2011 cho đến nay (khoảng hơn 11 năm). Ngày 5/12/2022, trên sông Cổ Chiên thuộc địa bàn xã Hòa Ninh (Long Hồ) đã xảy ra sạt lở bờ sông.
Đây là hiện tượng sụt lún đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, để có cơ sở khoa học chứng minh nguyên nhân này cần khảo sát, đánh giá cụ thể.
Cách vị trí cuối điểm sạt lở này về phía hạ lưu khoảng 250m, UBND tỉnh có cấp phép gia hạn cát sông (số 464/GP-UBND) cho DNTN Huỳnh Phát, thời hạn giấy phép đến ngày 31/12/2022.
Tuy nhiên, ngày 7/12/2022, UBND tỉnh có Công văn số 7293/UBND-KTNV tạm dừng hoạt động khai thác cát sông mỏ Hòa Ninh trong thời gian nghiên cứu tìm nguyên nhân sạt lở.
Ngày 9/12/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2585/QĐ-UBND về công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Cổ Chiên, đoạn từ vàm sông Mương Lộ đến rạch Bà Bóng thuộc Tổ 9, 10 ấp Bình Thuận, xã Hòa Ninh (Long Hồ).
Hiện tại đối với các mỏ hết hạn, sắp hết hạn trên địa bàn tỉnh nếu doanh nghiệp có nhu cầu xin gia hạn thì phải được UBND huyện, UBND xã thống nhất sau khi lấy ý kiến của người dân có đất cặp bờ sông, đảm bảo đủ điều kiện về kỹ thuật như còn trữ lượng, độ sâu đảm bảo không vượt quá -20m, sản phẩm khai thác chỉ phục vụ cho các công trình trọng điểm của tỉnh và được Sở TN - MT giám sát việc đánh giá lại khu vực mỏ, lập bản đồ hiện trạng mỏ.
Nếu đủ hết điều kiện thì UBND tỉnh mới cấp phép gia hạn. Sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt, UBND tỉnh sẽ giao Sở TN - MT nghiên cứu tham mưu các giải pháp quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch tỉnh.
Về xác định nguyên nhân gây sạt lở, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp - PTNT mời các nhà khoa học tư vấn khảo sát, đánh giá và đề xuất các giải pháp cụ thể. Sau khi có kết quả khảo sát, đánh giá, UBND tỉnh sẽ báo cáo cụ thể để cử tri, đại biểu HĐND tỉnh nắm thông tin, theo dõi.
Nâng chất lượng theo tiêu chuẩn bệnh viện hạng I
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Bá Tòng - đơn vị huyện Tam Bình bày tỏ sự phấn khởi việc BVĐK Vĩnh Long được thăng hạng, công nhận là bệnh viện hạng I; và một số bệnh viện huyện nâng lên hạng III, điều này sẽ tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn tỉnh, sẽ giảm chi phí về tiền bạc và thời gian.
Tuy nhiên, theo báo cáo công tác khám và điều trị bệnh cho người dân năm 2022 của tỉnh nói chung, không đạt theo kế hoạch (mới đạt 56,63% và giảm sâu so cùng kỳ - giảm 32%). Riêng BVĐK Vĩnh Long theo báo cáo giải trình tổng số khám bệnh cũng chỉ đạt 77,3%.
Đại biểu Nguyễn Bá Tòng đặt vấn đề: “Các bệnh viện được nâng hạng; vấn đề sức khỏe người dân ngày càng chú trọng hơn, nhưng vì sao số lượng người khám và điều trị giảm sâu, không đạt kế hoạch đề ra…Vì vậy, tôi đề nghị cần rà soát, đánh giá lại nguyên nhân giảm và không đạt kế hoạch để có giải pháp khắc phục tốt hơn”.
Đại biểu Ngô Thị Hồng Gấm- đơn vị TX Bình Minh chia sẻ: “BVĐK Vĩnh Long được công nhận lên hạng I là niềm tự hào của ngành y tế cũng như người dân Vĩnh Long. Người dân có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, nhất là dịch vụ kỹ thuật cao”.
Trước những khó khăn về nguồn nhân lực y tế, đại biểu Ngô Thị Hồng Gấm đề nghị UBND tỉnh, Sở Y tế, lãnh đạo BVĐK Vĩnh Long cần quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ, quan tâm triển khai phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn.
Theo đó, tiếp tục trang bị đầy đủ và đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ song song với thu hút nguồn nhân lực bên ngoài; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, rèn luyện kỹ năng giao tiếp ứng xử, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh…
Về vấn đề nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn bệnh viện hạng I của BVĐK Vĩnh Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Liệt cho biết, hướng tới, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ và giải pháp để duy trì kết quả BVĐK Vĩnh Long hạng I; trong đó tập trung các giải pháp liên quan đến phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, chuyên môn, đầu tư trang thiết bị…
Cụ thể, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế; lấy chất lượng và sự an toàn của người bệnh là mục tiêu quan trọng nhất để phát triển.
Tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả các dịch vụ chuyên môn kỹ thuật mới giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
Tiếp tục kiện toàn lãnh đạo các khoa, phòng; thành lập thêm một số khoa chuyên môn như: Khoa Lọc máu, Khoa Ung bướu... Đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết phát triển các kỹ thuật khám chữa bệnh mũi nhọn theo lộ trình cụ thể để đạt tuyến cuối vào năm 2024.
Bên cạnh, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, nhất là cử cán bộ đi học dài hạn, ngắn hạn các chuyên ngành, đồng thời mời thêm các chuyên gia từ các bệnh viện tuyến Trung ương, của các Trường ĐH Y Dược về chuyển giao các kỹ thuật khám, chữa bệnh chuyên sâu tại BVĐK Vĩnh Long.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các máy móc, trang thiết bị hiện có để nâng cao chất lượng điều trị. Tiếp tục rà soát, đánh giá, kiến nghị đầu tư hợp lý về cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện các kỹ thuật cơ bản, kỹ thuật cao, đảm bảo ngang tầm với một bệnh viện hạng I và phát triển thành tuyến cuối vào năm 2024.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, khám, chữa bệnh; hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện Trung ương trên cả nước.
Song song đó, tăng cường truyền thông đến người dân về quá trình phát triển, các dịch vụ khám, chữa bệnh của BVĐK Vĩnh Long, đặc biệt là các dịch vụ kỹ thuật cao, mới được triển khai tại bệnh viện, để người dân trong và ngoài tỉnh tin tưởng, chủ động đến khám và điều trị tại bệnh viện.
Tiếp tục rà soát, kiến nghị ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, ngân sách tài trợ, viện trợ và các nguồn ngân sách hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, để hoàn thiện và phát triển hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thực hiện các kỹ thuật cao, chuyên sâu ngay tại BVĐK Vĩnh Long.
Bài, ảnh: YẾN - NGA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin