Quan tâm tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã và doanh nghiệp

08:12, 13/12/2022

Trước kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa X, 8/8 tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành họp thảo luận. Các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết, mang tính xây dựng về những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

 

Quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển HTX.
Quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển HTX.

(VLO) Trước kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa X, 8/8 tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành họp thảo luận. Các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết, mang tính xây dựng về những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Đồng thời, đại biểu kiến nghị nhiều giải pháp nhằm giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả cao nhất. Các ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND được UBND tỉnh giải trình cụ thể và tiếp thu vào nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong năm 2023.

Về đánh giá hoạt động của HTX

Trong năm 2022, tỉnh đã tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế tập thể theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Trong đó, đã chỉ đạo tập trung hỗ trợ, củng cố các HTX yếu kém; xử lý dứt điểm các HTX không hoạt động.

So với năm 2021, ước doanh thu năm 2022 đạt 770 triệu đồng/HTX (tăng 170 triệu đồng/HTX); lợi nhuận đạt 262 triệu đồng/HTX (tăng 162 triệu đồng/HTX).

Thu nhập của lao động thường xuyên trong HTX đạt 53 triệu đồng/lao động (tăng 13 triệu đồng/lao động). Năm 2021, có 13 HTX xếp loại tốt, 39 HTX xếp loại khá, 65 HTX trung bình và 23 HTX xếp loại yếu.

Toàn tỉnh có 118 HTX nông nghiệp, chiếm 64% tổng số HTX. Hiện có 29 HTX nông nghiệp thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp (DN) nhằm cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và dịch vụ tiêu thụ, bảo quản chế biến nông sản.

Có khoảng 800ha của các HTX nông nghiệp thực hiện hợp đồng liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Tổng số cán bộ quản lý HTX khoảng 676 người; trong đó trình độ CĐ, ĐH trở lên là 161 người (chiếm 23,8%); trình độ sơ cấp, trung cấp là 268 người (chiếm 39,6%).

Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn xem xét cho 8 HTX tiếp cận được nguồn vốn vay các tổ chức tín dụng, tổng doanh số cho vay gần 17 tỷ đồng.

Đối với Nghị quyết số 220 năm 2019 của HĐND tỉnh về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có 3 dự án cấp tỉnh được đăng ký, với số vốn hỗ trợ trên 5 tỷ đồng và 1 dự án cấp huyện với kinh phí đăng ký thực hiện dự án dưới 5 tỷ đồng.

Đối với Nghị quyết số 216 năm 2019 của HĐND tỉnh về hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp, từ năm 2019 đến năm 2020, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư cho 14 HTX nông nghiệp, với tổng kinh phí khoảng 6,7 tỷ đồng. Tính đến nay, chương trình đã hoàn thành được 12/14 dự án.

Để củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với sự phát triển của HTX trên địa bàn tỉnh và tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về HTX.

Rà soát, củng cố lại tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ các cấp làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX; hỗ trợ HTX củng cố về tổ chức, bộ máy quản lý, bộ phận chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao năng lực quản lý, điều hành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt là quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; tập trung huy động nguồn lực, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và vốn hợp pháp khác để triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Về đánh giá khả năng tiếp cận vốn của DN

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng, chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN, người dân.

Tuy nhiên, từ tháng 9/2022, lạm phát toàn cầu neo ở mức cao, dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước.

Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng đồng bộ các mức lãi suất.

Đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, tạo dư địa thích ứng mới với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an toàn hệ thống.

Trong tháng 11/2022, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ trong việc hỗ trợ DN, nền kinh tế phục hồi và phát triển, một số ngân hàng thương mại đã chủ động giảm lãi suất cho vay. Đây là nỗ lực lớn của các ngân hàng thương mại nhằm chia sẻ khó khăn với DN và nền kinh tế.

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng, các tổ chức tín dụng đã đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng.

Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn tín dụng của DN phụ thuộc chủ yếu vào khả năng cân đối nguồn vốn, rủi ro, chiến lược kinh doanh của tổ chức tín dụng và khả năng đáp ứng điều kiện vay vốn của DN.

Do đó, bên cạnh những giải pháp từ ngành ngân hàng, để tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, bản thân DN cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, xây dựng phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, tạo niềm tin để các tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng.

Hiện nay, ngành ngân hàng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ đối với DN nhỏ và vừa, cụ thể như Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định khung về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Theo đó, các khách hàng trong đó có DN nhỏ và vừa được bình đẳng trong việc tiếp cận vốn tín dụng nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn của tổ chức tín dụng; DN nhỏ và vừa là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn triển khai nhiều giải pháp cấp bách để hỗ trợ DN.

Tuy nhiên, việc cung ứng vốn tín dụng cho DN còn gặp nhiều khó khăn, do tình hình chung và từ điều kiện của DN.

Vì thế, ngày 5/12/2022, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc: các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất cho vay thấp hơn sẽ được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, tạo được dư địa để cho các chi nhánh tổ chức tín dụng được giao tăng cho vay đối với khách trên địa bàn, qua đó tăng khả năng tiếp cận vốn của DN.

Bài, ảnh: HẢI YẾN - TUYẾT NGA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh