Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định rằng, thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Đây là thị trường không thua kém thị trường Mỹ và châu Âu trong tiêu chuẩn về quy cách, mẫu mã sản phẩm, chất lượng; những rào cản thương mại, các quy định về chất lượng sản phẩm này rất nghiêm túc và rõ ràng.
Các địa phương cần minh bạch hóa thông tin, kiểm soát chặt chẽ về mã số vùng trồng. |
(VLO) Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định rằng, thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Đây là thị trường không thua kém thị trường Mỹ và châu Âu trong tiêu chuẩn về quy cách, mẫu mã sản phẩm, chất lượng; những rào cản thương mại, các quy định về chất lượng sản phẩm này rất nghiêm túc và rõ ràng.
Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, trong thời gian tới, cần minh bạch hóa quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, kiểm soát chặt chẽ, quản lý mã số vùng trồng (MSVT).
Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính
Theo ngành chức năng, Trung Quốc là thị trường quan trọng của ngành nông sản, có sức mua lớn. Tuy nhiên hiện nay, theo Cục BVTV, thị trường Trung Quốc đã khó tính hơn và có sự thay đổi mạnh mẽ.
Cụ thể, phía Trung Quốc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu, tiểu ngạch.
Đồng thời, Trung Quốc cũng yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm; ký kết lại nghị định thư xuất khẩu đối với 8 loại quả truyền thống; yêu cầu khai MSVT và cơ sở đóng gói.
Chia sẻ về một số lưu ý về MSVT, cơ sở đóng gói đối với các mặt hàng chanh leo, sầu riêng, khoai lang, chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, TS Phan Thị Thu Hiền - đại diện Cục BVTV cho biết: Việt Nam hiện có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống bao gồm xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Việt Nam đang xuất khẩu tạm thời với trái chanh leo và ớt tươi. Các mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường là bưởi, mãng cầu, dừa, mận, chanh…
Lô hàng xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc đưa ra 5 yêu cầu về vùng trồng xuất khẩu sang nước bạn. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo những phương pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm.
Nếu phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm, các đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống khác, hoặc tìm thấy tàn dư thực vật, lô hàng sẽ được xử lý, trả lại hoặc tiêu hủy.
Nếu phát hiện trường hợp không tuân thủ các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch nhập khẩu khác của Trung Quốc, lô hàng sẽ bị xử lý theo luật và quy định có liên quan.
Siết chặt quản lý MSVT
Để xuất khẩu chính ngạch cần kiểm soát chặt chẽ, quản lý mã số vùng trồng. |
Theo ngành chức năng, tại một số địa phương, thời gian qua, công tác triển khai, thực hiện cấp MSVT đang gặp khó khăn do vùng trồng còn nhỏ lẻ, việc cấp mã số gặp khó khăn, thiếu nguồn lực để định vị, xác định vùng trồng, từ đó dẫn đến việc khó quản lý các vùng trồng.
Để khắc phục những khó khăn trên, ông Huỳnh Tấn Đạt- Phó Cục trưởng Cục BVTV đề nghị chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phát triển MSVT, cơ sở đóng gói; mô hình liên kết các bên sản xuất - thu mua; cơ chế phối hợp với Cục BVTV khi phát hiện cạnh tranh không lành mạnh, gian lận MSVT.
Các địa phương cần tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp, vùng trồng thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Cục BVTV để bảo vệ các MSVT, mã cơ sở đóng gói đã được cấp, tránh việc cho phép sử dụng mã số không đúng quy định, nhất là vượt quá sản lượng, công suất thực tế dẫn đến bị thu hồi và gây ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt.
Chia sẻ những hướng dẫn sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, ThS Ngô Xuân Chinh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp (Viện Khoa học và Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) cho biết: Việc thiết lập quản lý vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ đảm bảo được tính minh bạch để truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả sản xuất nông sản của Việt Nam.
Tương tự, ông Bùi Phước Hòa - đại diện Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng: Ngoài giá cả thì chất lượng sản phẩm cũng cần được nâng cao.
Theo đó, cần có sự thay đổi tư duy đối với người sản xuất. Thay vì đáp ứng các yêu cầu của bên đánh giá, cấp phép, làm đối phó, mục tiêu của việc áp dụng các quy trình GAP là để đảm bảo nguồn gốc sản phẩm, ổn định chất lượng, từ đó chứng thực nguồn hàng, bán với giá cao.
Thông tin về việc thực hiện MSVT tại Vĩnh Long, bà Huỳnh Kim Định - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho hay: Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long đã cấp 38 MSVT.
Sở cũng đã tổ chức công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ tập huấn; hướng dẫn cụ thể các bước xây dựng MSVT để người dân làm căn cứ thực hiện.
Đồng thời kiến nghị Bộ Nông nghiệp - PTNT cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về việc cấp, quản lý MSVT địa phương thuận lợi áp dụng, thực hiện hiệu quả.
Nhấn mạnh đến yêu cầu phải minh bạch hóa thông tin, ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp - PTNT) cho rằng: Các địa phương cần tăng cường phối hợp một cách chặt chẽ với Cục BVTV để có thể minh bạch hóa từng thông tin cụ thể về mùa vụ.
“Nếu không thực hiện nghiêm chỉnh, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng phía Trung Quốc “tuýt còi”, qua đó ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Thời gian tới, các cơ quan của Bộ Nông nghiệp - PTNT cũng sẽ phối hợp để xây dựng quy trình thực hành tốt cho từng loại hoa quả để đảm bảo việc xuất khẩu cũng như đảm bảo yêu cầu phía Trung Quốc đưa ra” - ông Hòa khẳng định.
Sau gần 1 năm Lệnh 248, 249 có hiệu lực, đến ngày 5/12/2022, đã có 2.426 mã sản phẩm được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Trong đó, 1.236 mã sản phẩm thuộc nhóm 18 mặt hàng đăng ký qua cơ quan thẩm quyền (chiếm 50,9%) và phần còn lại 1.190 mã sản phẩm không thuộc danh mục phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền. Trong số 2 nhóm này, các sản phẩm thủy sản được Hải quan Trung Quốc thông qua nhiều nhất, tiếp đến là sản phẩm hạt (hạt điều, cà phê...), và các sản phẩm dầu thực vật, bánh bột... |
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin