Theo đánh giá của BCĐ Quản lý hoạt động khai thác cát sông (KTCS) tỉnh, 9 tháng đầu năm 2022, tình hình KTCS trái phép đã giảm so trước đây, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Thời gian tới, tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động này.
Tăng cường phối hợp, kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác cát. |
(VLO) Theo đánh giá của BCĐ Quản lý hoạt động khai thác cát sông (KTCS) tỉnh, 9 tháng đầu năm 2022, tình hình KTCS trái phép đã giảm so trước đây, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Thời gian tới, tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động này.
KTCS trái phép còn diễn biến phức tạp
Địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 28 khu vực mỏ cát được UBND tỉnh cấp phép hoặc gia hạn giấy phép hoạt động, phân bố trên 3 tuyến sông: sông Tiền (3 khu vực mỏ); sông Hậu (8 khu vực mỏ) và sông Cổ Chiên (17 khu vực mỏ).
Hiện có 9 khu vực mỏ ngưng hoạt động do giấy phép hoạt động đã hết hạn, 2 khu vực mỏ không hoạt động được do phản ứng gay gắt của người dân xung quanh.
9 tháng của năm 2022, BCĐ đã sử dụng đồng bộ các biện pháp, đồng thời, nhân dân cung cấp nhiều thông tin có giá trị về hành vi KTCS trái phép. Qua đó, đã tổ chức đấu tranh kiên quyết với các đối tượng vi phạm, góp phần ổn định an ninh trật tự.
Theo đánh giá của BCĐ, tình hình KTCS trái phép đã giảm so trước đây. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi vẫn còn xảy ra, nhất là trên tuyến sông Tiền, sông Cổ Chiên giáp ranh thủy phận các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre... Bên cạnh, công tác xử lý hình sự còn thấp, chủ yếu chỉ xử phạt vi phạm hành chính nên chưa đủ sức răn đe.
Các đối tượng hoạt động KTCS trái phép có phương thức, thủ đoạn tinh vi như: Sử dụng phương tiện tự đóng, hoán cải, mua bán qua nhiều chủ, không được đăng ký, đăng kiểm; tổ chức bơm hút cát trái phép ban đêm; sử dụng xuồng cao tốc, hoạt động nhanh chóng trên các tuyến sông; chỉ khai thác với định lượng dưới mức chịu trách nhiệm hình sự…
Mặt khác, theo Điều 227 Bộ luật Hình sự, tội “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, mức khởi điểm về giá trị tang vật là 500 triệu đồng, thu lợi bất chính 100 triệu đồng là đủ yếu tố, căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, theo giá thị trường hiện nay, giá cát xây dựng cao nhất khoảng 240.000 đ/m3 và cát san lấp là 100.000 đ/m3. Như vậy, để truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải khai thác trái phép trên 2.000m3 cát xây dựng và 5.000m3 cát san lấp. Quy định trên là quá cao so thực tiễn hiện nay.
Mặt khác, việc xác minh số tiền thu lợi bất chính hoặc trị giá của khoáng sản khai thác trái phép gặp khó do các đối tượng vi phạm thường không ghi chép thông tin mua bán.
Do đó, hầu hết các vụ việc khởi tố theo Điều 227 Bộ luật Hình sự đều căn cứ vào yếu tố đã xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích của đối tượng. Bên cạnh đó, các đối tượng thường lợi dụng quy định này để thay đổi pháp nhân, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm sau khi bị xử lý vi phạm hành chính.
Theo Phó trưởng Công an huyện Mang Thít Nguyễn Thanh Tuấn, qua kiểm tra, một số phương tiện dùng để KTCS trái phép là phương tiện không được đăng ký, đăng kiểm nên gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, xử lý.
Bên cạnh, có những trường hợp phương tiện cũ, giá trị không cao nên khi bị phát hiện, các đối tượng sẵn sàng bỏ lại phương tiện hoặc nhấn chìm.
Ngoài ra, còn có trường hợp “phương tiện này của người mà trước đây bị bắt rồi nhưng lại hợp đồng cho thuê, mướn phương tiện để nếu có bị bắt, xử lý thì sẽ không bị tái phạm nhiều lần trong năm”.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Rà soát, yêu cầu các chủ phương tiện thực hiện đăng ký, đăng kiểm theo quy định. |
Để công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực khoáng sản (cát sông) đạt hiệu quả thời gian tới, BCĐ đề ra một số giải pháp.
Trong đó, huy động lực lượng của các sở, ngành, địa phương trong phối hợp đấu tranh phòng, chống hành vi KTCS trái phép, vận chuyển, buôn bán cát sông không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh, rà soát, yêu cầu các chủ phương tiện thực hiện đăng ký, đăng kiểm; buộc tháo gỡ các thiết bị thay đổi kết cấu (gắn thêm hệ thống bơm hút cát sông) hoặc tịch thu.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về công tác đấu tranh phòng chống hoạt động KTCS trái phép; vận chuyển, mua bán cát sông không rõ nguồn gốc; đặc biệt là nhân dân cư trú ven các tuyến sông trọng điểm.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp với tỉnh giáp ranh để thực hiện hiệu quả công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Sở TN - MT phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân KTCS vi phạm. BCĐ cũng kiến nghị sửa đổi tội danh “Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” (Điều 227 Bộ luật Hình sự) theo hướng giảm mức khởi điểm về giá trị tang vật và tiền thu lợi bất chính đảm bảo phù hợp với tình hình hiện nay, tăng tính răn đe, phòng ngừa chung.
Ông Nguyễn Văn Liệt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cần tăng cường thực hiện tốt công tác phối kết hợp trong kiểm tra, xử lý vi phạm về KTCS. Trong đó, ông lưu ý, vai trò, trách nhiệm của các địa phương là rất lớn.
Cần tăng cường công tác phối hợp tổ chức, kiểm tra các hoạt động KTCS; xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, vận chuyển cát sông trái phép theo thẩm quyền; có phương án bảo vệ tài nguyên, khoáng sản chưa khai thác.
Bên cạnh, thống kê, rà soát các chủ phương tiện bơm hút cát trên địa bàn để tuyên truyền giáo dục, thực hiện đúng quy định về khoáng sản, về môi trường.
9 tháng của năm 2022, các thành viên BCĐ Quản lý hoạt động KTCS tỉnh và các đơn vị, ngành chức năng có liên quan đã kiểm tra, phát hiện và xử lý hành chính 73 vụ vi phạm hoạt động khai thác, vận chuyển cát sông, chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh 2 vụ có dấu hiệu tội phạm để điều tra. |
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin