"Cất nước" để giảm ngập cho đô thị

05:11, 02/11/2022

Nhiều tỉnh, thành ĐBSCL vừa trải qua mùa nước nổi khó quên khi hàng loạt tuyến đường nội ô thành phố ngập nặng. Nước tràn vào nhà dân, cửa hàng, quán xá, bệnh viện… Để bảo đảm an toàn, học sinh toàn thành phố phải nghỉ học.

(VLO) Nhiều tỉnh, thành ĐBSCL vừa trải qua mùa nước nổi khó quên khi hàng loạt tuyến đường nội ô thành phố ngập nặng. Nước tràn vào nhà dân, cửa hàng, quán xá, bệnh viện… Để bảo đảm an toàn, học sinh toàn thành phố phải nghỉ học.

Tại hai đô thị là Vĩnh Long và TP Cần Thơ mực nước đạt mốc lịch sử. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân là do nước biển dâng, sụt lún và nước nhiều từ thượng nguồn đổ về mạnh.

Không có không gian cho nước lan tỏa, hay nói cách khác là không gian hấp thụ nước nên đã dồn về các trung tâm, đô thị.

Để ứng phó với việc ngập sâu, không riêng năm nay mà trước đó nhiều địa phương đã nghĩ tới việc nâng cấp các tuyến đường hoặc xây kè bê tông bao quanh.

Tuy nhiên, cách này cũng không ổn thỏa vì nâng đường thì nhà ngập, nâng nhà thì đường ngập nên cuộc đua không có đích đến. Còn làm đê bao xung quanh thì hiệu quả nhanh nhưng cũng có nhiều hệ lụy là dễ gây tù đọng, ô nhiễm và gia tăng ngập cho vùng ngoài đê…

Về lâu dài, có hai vấn đề mà theo các chuyên gia cần giải quyết là giảm sử dụng nước ngầm để giảm tốc độ sụt lún. Nếu muốn giảm sử dụng thì phải có nguồn nước khác thay thế, cụ thể cần phải phục hồi sông ngòi để có thể sử dụng được như cách đây vài chục năm.

Mặt khác cần tái tạo không gian cho nước lan tỏa. Cụ thể là giảm vụ lúa Thu Đông trong mùa lũ ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười để cho nước tràn đồng, đồng ruộng hấp thu bớt nước lũ.

Lợi ích việc này là nước lũ rửa sạch đồng ruộng, mang vào phù sa, tôm cá; một mặt là “cất nước” để giảm tình trạng nước tràn gây ngập cho đô thị như vừa qua.

N. HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh