Đô thị ngập nặng do đâu?

05:11, 02/11/2022

Cũng như các đô thị (ĐT) khác ở miền Tây Nam Bộ, vừa qua TP Vĩnh Long, TX Bình Minh bị ảnh hưởng nặng nề bởi 2 kỳ triều cường rằm tháng 9 âl và đầu tháng 10 âl. Có 2 nguyên nhân chính làm cho 2 ĐT này bị ngập nặng.

Ngập ở chợ Phước Thọ (Phường 8, TP Vĩnh Long) vào ngày triều cường đầu tháng 9 âl.
Ngập ở chợ Phước Thọ (Phường 8, TP Vĩnh Long) vào ngày triều cường đầu tháng 9 âl.

(VLO) Cũng như các đô thị (ĐT) khác ở miền Tây Nam Bộ, vừa qua TP Vĩnh Long, TX Bình Minh bị ảnh hưởng nặng nề bởi 2 kỳ triều cường rằm tháng 9 âl và đầu tháng 10 âl. Có 2 nguyên nhân chính làm cho 2 ĐT này bị ngập nặng.

Triều cường, nước biển dâng

Có 3 yếu tố làm cho mực nước sông, rạch ở vùng ĐBSCL (trong đó có tỉnh Vĩnh Long) dâng cao trong mùa nước nổi là lũ từ thượng nguồn đổ về, mưa lớn trong khu vực và gió chướng từ Biển Đông đẩy triều cường lấn sâu vào đất liền.

Năm nay, do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina nên mưa nhiều hơn mọi năm, đóng góp phần rất lớn làm dòng chảy lưu vực sông Mekong gia tăng.

Và năm nay cũng là năm đầu có lũ đạt trên báo động I kể từ sau 2018, đỉnh lũ thượng nguồn ĐBSCL tại Tân Châu đạt 3,64m, nhưng không phải là năm lũ lớn ở đồng bằng (lũ lớn khi mực nước tại Tân Châu đạt từ 4 - 4,5m).

Trong những năm lũ lớn 2000 - 2002, 2011, TP Vĩnh Long, TX Bình Minh không bị ngập sâu như năm nay. Do đó yếu tố lũ thượng nguồn và mưa là thứ yếu.

Hơn tháng nay (từ cuối tháng 9 đến hết tháng 10), liên tục 3 cơn bão mạnh đổ bộ vào Biển Đông (bão số 4, 5 và 6) làm cho gió Đông, Đông Bắc hoạt động mạnh hơn, vừa làm cho nước từ các sông chính rút ra biển chậm đi khi triều xuống, vừa thúc đẩy quá trình truyền triều từ Biển Đông vào đất liền gia tăng khi triều lên, gây triều cường càng cao thêm.

Đây là yếu tố chủ yếu làm mực nước vùng ĐBSCL tăng bất thường, cộng thêm mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu càng gây ngập lụt nặng hơn.

Ngoài ra, do phần lớn vùng nông thôn trong vùng ĐBSCL đã xây dựng đê bao khép kín, đóng cống ngăn lũ, ngăn triều triệt để, nước lũ không phân vào đồng được buộc phải tràn vào nơi không có đê bao, trong đó phần lớn là các ĐT. Nhưng yếu tố này không chủ đạo, vì năm ngoái lũ ở ĐBSCL là lũ nhỏ nên không xảy ra tình trạng này.

ĐT chưa hoàn thiện các công trình chống ngập

Kè sông Cái Cá góp phần chống ngập hiệu quả cho khu vực Phường 2, TP Vĩnh Long.
Kè sông Cái Cá góp phần chống ngập hiệu quả cho khu vực Phường 2, TP Vĩnh Long.

Có ý kiến cho rằng, các ĐT ở miền Tây bị lún do khai thác nước ngầm quá mức nên bị ngập lụt nặng hơn. Điều này chỉ đúng với tình trạng chung của cả nước, đúng đối với các ĐT lớn, ven biển, nhưng mỗi tỉnh có đặc thù riêng.

Đối với Vĩnh Long, theo khảo sát, điều tra gần đây của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Miền Nam, với tổng lưu lượng khai thác này chỉ chiếm 1,18% so sánh với trữ lượng tiềm năng (2.804.460 m3/ngày) và chỉ chiếm 5,9% so với trữ lượng an toàn nước hay ngưỡng bền vững (20% trữ lượng tiềm năng) là 560.892 m3/ngày.

Do vậy, trữ lượng nước ngầm ở tỉnh ta còn dồi dào, tất cả các địa phương trong tỉnh đều thừa nước! Hơn nữa, ở Vĩnh Long hiện chưa phát hiện hiện tượng sụt lún đất do khai thác nước ngầm gây ra. Vì vậy, nguyên nhân ngập lụt ĐT ở Vĩnh Long là không phải do lún.

Chênh lệch về cao độ các công trình xây dựng với cao độ mực nước triều cường

Theo thông báo triều cường của Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, đỉnh triều cường rằm tháng 9 âl cao nhất vào ngày 12/10 với cao trình (độ cao so với mực nước biển) tại trạm Mỹ Thuận là 2,17m, tại trạm Cần Thơ là 2,27m, còn trong nội đồng từ 1,9 - 2,1m đều vượt đỉnh triều lịch sử năm 2019.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các công trình bờ bao thủy lợi, kè, cống, đường giao thông bộ đang xây dựng hoặc mới đưa vào sử dụng, không những ở ven sông lớn mà ở vùng nội đồng, có cao trình đỉnh được thiết kế “vượt lũ” (tức từ 2,2 - 2,5m) đều “mấp mé” nước đỉnh triều cường hoặc bị tràn, bị vỡ. Thông tin của các chủ đầu tư, đơn vị thi công, cao độ xây dựng công trình đều truyền về từ lưới cao độ hạng II, hạng III thuộc hệ cao độ quốc gia hiện hành, nhưng lưới cao độ xây dựng khác với cao độ bên đo thủy văn.

Một nguyên nhân quan trọng làm cho TP Vĩnh Long, TX Bình Minh cũng như các ĐT khác năm nay bị ngập nặng hơn là do chưa “khép kín” hoặc chưa xây dựng đầy đủ, hoàn thiện các công trình chống ngập (kè, cống, trạm bơm, kinh…).

TX Bình Minh đang thi công hàng loạt các tuyến kè còn dở dang. TP Vĩnh Long nhờ tuyến kè ven sông Cổ Chiên (từ cầu Mỹ Thuận đến Phường 5) nên những khu ven tuyến kè thuộc các phường: 5, 2, 9, Trường An, Tân Hòa được an toàn; Phường 1 bị ngập nặng do kè ven sông Long Hồ, kè sông Cái Cá - Kinh Cụt xây dựng chưa xong và chưa có các cống ngăn triều, còn hở nhiều phía…

Các phường khác cũng vậy. TP Hồ Chí Minh năm nay không nghe báo chí đưa tin bị ngập nặng vì đã hoàn thiện dự án chống ngập tốn hàng ngàn tỷ đồng.

Để các ĐT vững hơn và bớt áp lực bị ngập nặng trước triều cường, giải pháp quan trọng, cấp thiết hiện nay là triển khai nhanh chóng các công trình chống ngập.

Đầu tư xây dựng đê bao khép kín bằng công trình kè ven các tuyến sông chính, kết hợp xây cống ngăn triều, trạm bơm tiêu nước ở các vàm sông, đầu kinh, lối thoát nước; cải tạo hệ thống kinh, rạch trong vùng đê bao để trữ và thoát nước.

Bên cạnh, việc phân lũ, xả lũ vào đồng ở vùng nông thôn để giảm áp lực nước gây ngập cho các ĐT cần tiến hành đồng loạt ở các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL, thực hiện riêng lẻ của mỗi tỉnh sẽ không hiệu quả vì lượng lũ về đồng bằng quá lớn so với diện tích chứa nước của một tỉnh.

Sử dụng thống nhất hệ tọa độ quốc gia VN-2000

Tại khoản 2, Điều 11 Luật Đo đạc và Bản đồ năm 2018, hiện Việt Nam đang sử dụng hệ tọa độ quốc gia VN-2000. Đây là hệ tọa độ được áp dụng thống nhất chung cho mọi trường hợp đo đạc tọa độ ở các cấp hạng. Hệ độ cao quốc gia là hệ độ cao được thiết lập theo mốc thời gian xác định và sử dụng thống nhất trong cả nước để xác định giá trị độ cao của đối tượng địa lý.

Theo khoản 1, Điều 6 Nghị định 27/2019/NĐ-CP, mạng lưới độ cao quốc gia được chia thành lưới độ cao hạng I, lưới độ cao hạng II, lưới độ cao hạng III. Và tại khoản 1, Điều 6, Thông tư số 14/2021/TT-BTNMT ngày 31/8/2021 của Bộ TN - MT quy định kỹ thuật xây dựng mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ: Xác định tọa độ các vết lũ theo hệ tọa độ quốc gia VN-2000 và dẫn độ cao đến các vết lũ theo hệ độ cao quốc gia.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh