Xuất hiện ca mắc cúm gia cầm trên người đầu tiên sau hơn 8 năm

05:10, 27/10/2022

Tại hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch và công tác tiêm chủng vaccine COVID-19, TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có báo cáo kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H5 từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nữ 5 tuổi (ở Phú Thọ). Đây cũng là ca bệnh cúm A/H5 trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ năm 2014.

 

 

Người chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng chống bệnh cúm gia cầm.
Người chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng chống bệnh cúm gia cầm.

Tại hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch và công tác tiêm chủng vaccine COVID-19, TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có báo cáo kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H5 từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nữ 5 tuổi (ở Phú Thọ). Đây cũng là ca bệnh cúm A/H5 trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ năm 2014.

Bé gái mắc cúm A/H5 dần bình phục, dịch cúm gia cầm vẫn rình rập

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ, ca nhiễm cúm A/H5 là một bé gái 5 tuổi. Trước đó ngày 5/10, bệnh nhi xuất hiện ho, sốt, gia đình tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ. Ngày 7/10, bệnh nhi xuất hiện mệt mỏi, da vàng, mắt vàng, nôn nhiều, gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba khám và được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân.

Chuyển tuyến Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ, tại đây bệnh nhi được thăm khám và cũng được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân. Ngày 8/10, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương và sau đó xét nghiệm xác định type cúm A/H5.

Ngày 17/10, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định bệnh nhi dương tính với virus cúm A/H5. Hiện, bệnh nhi đang trong tình trạng suy hô hấp, đặt nội khí quản, đang nằm điều trị tại Khoa Điều trị tích cực nội - Bệnh viện Nhi Trung ương với chẩn đoán: suy gan cấp, thận cấp/sốc nhiễm khuẩn/suy đa tạng/cúm A/H5. Ngày 22/10, sau 2 tuần được các bác sĩ chăm sóc điều trị tích cực, bệnh nhi đang dần hồi phục sức khỏe.

Theo lời người nhà của bệnh nhi kể, khoảng 1 tuần trước khi trẻ nhập viện, gia đình mổ ngan, gà có biểu hiện bệnh để ăn. Các hộ xung quanh nơi gia đình bệnh nhi sinh sống chưa phát hiện hộ gia đình chăn nuôi gia cầm, thủy cầm có biểu hiện bệnh, chết; chưa phát hiện người mắc bệnh giống như bệnh nhi.

Phòng chống cúm gia cầm lây sang người

Liên quan đến trường hợp nhiễm cúm A/H5 này sau 8 năm không ghi nhận ca bệnh ở nước ta, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, điều này rất bình thường vì khi nào còn cúm gia cầm thì còn nguy cơ rất lớn lây lan sang người. Bệnh cúm gia cầm lây sang người là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A/H5, A/H7 gây ra.

Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết. Bệnh có biểu hiện như: sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Đặc biệt, bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong với tỷ lệ khoảng 50%.

“Việc phát hiện kịp thời, khoanh vùng, kiểm soát ngay đã giúp cho ca bệnh cúm A/H5 mới nhất này không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng”, PGS.TS Trần Như Dương nói.

Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, viện đã kịp thời khoanh vùng, kiểm soát. Đồng thời, phối hợp với Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp - PTNT), địa phương để cùng phối hợp điều tra dịch tễ, không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Các đơn vị đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (cả tiếp xúc xa và tiếp xúc gần), kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả đều âm tính với cúm A/H5. Hiện tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường.

Bộ Y tế cảnh báo, thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nên tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm có thể gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Trong khi đó, dịch cúm trên gia cầm vẫn tiếp tục được ghi nhận ở nhiều địa phương nên luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Để phòng ngừa lây nhiễm cúm gia cầm, người dân cần tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế, gồm: không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị ngành y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp người nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm, xử lý sớm, triệt để ổ dịch tại các địa phương; rà soát các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng chống cúm gia cầm trên người; xây dựng phương án phòng, chống dịch. Đồng thời phối hợp với ngành thú y địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm trên gia cầm để có các biện pháp dự phòng lây sang người và chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đáp ứng. Tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm bệnh, chết và những vùng có nguy cơ cao.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh