Ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình giao thông động lực vùng ĐBSCL

06:10, 27/10/2022

Ngày 27/10, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long có nhiều ý kiến đóng góp trong phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Ngày 27/10, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long có nhiều ý kiến đóng góp trong phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.

Từ thực tiễn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước năm 2022 qua báo cáo đánh giá của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban thuộc Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, theo đánh giá của Chính phủ, chất lượng tăng trưởng năm 2022 được dự báo ở mức cao hơn, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức lớn, đặc biệt là áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm 2022 nhiều khả năng tiếp tục tạo sức ép lớn lên điều hành chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô, có thể làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành nghiên cứu tiếp tục mở rộng hỗ trợ tài khóa hướng đến khu vực doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, tập trung vào hai khó khăn lớn nhất với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng; xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định và phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá, thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch các thông tin về giá gắn với công tác kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường. Cụ thể là đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, cũng như các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu… tránh các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu tới mặt bằng giá cả của một số mặt hàng, tiến tới đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả.

Thứ hai, về phát triển kinh tế vùng, để hiện thực hoá nhanh nhất, hiệu quả nhất Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề nghị Chính phủ, Bộ GT - VT tiếp tục rà soát, đánh giá, căn cứ các điều kiện đặc thù, lợi thế của các tỉnh ĐBSCL, để tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống giao thông vùng (hiện nay nhiều tuyến quốc lộ, tuyến cao tốc đi qua các tỉnh ĐBSCL vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của khu vực, chưa góp phần khơi dậy và phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển của khu vực). Đề nghị Trung ương ưu tiên huy động, phân bổ nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình giao thông động lực, có tính lan tỏa, bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ.

Thứ ba, theo báo cáo của các Bộ ngành Trung ương, mỗi năm nước ta vẫn còn gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước, tỉ suất cao nhất so với khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước phát triển, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tạo ra những cú sốc về tâm lý, tình cảm của nhiều gia đình, tạo sự bất an trong toàn xã hội. Từ thực trạng này, đề nghị các Bộ ngành tiếp tục rà soát đánh giá lại các chương trình phối hợp đã triển khai, nhất là Chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ. Tiếp tục chỉ đạo phân định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong nghiên cứu và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh. Theo đó, chú trọng công tác truyền thông phối hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội để chủ động và tăng cường sự giám sát, quản lý của gia đình, người lớn đối với trẻ nhỏ; đẩy mạnh giáo dục, trang bị, hướng dẫn cho các em những kiến thức, kỹ năng để các em biết và chủ động trong việc tự phòng, tránh đảm bảo an toàn cho bản thân. Đồng thời, tập trung nguồn lực cho công tác đào tạo bồi dưỡng, bố trí nhân lực đủ về số, mạnh về chất, đầu tư cơ sở vật chất xây dựng bể bơi, bố trí đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, đáp ứng tốt các điều kiện để tổ chức giảng dạy, học bơi trong nhà trường, ngoài cộng đồng để góp phần giảm thiểu đuối nước xảy ra đối với trẻ em, học sinh.

Thứ tư, theo đánh giá của Chính phủ, trong giai đoạn hiện nay công tác đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững vẫn còn nhiều thách thức, đời sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn; tiền lương, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức và người lao động còn thấp, từ năm 2020 đến tháng 6/2022, đã có trên 39 nghìn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhiều nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục và tập trung ở địa phương, cơ sở. Từ thực tiễn đó, đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành cùng với thực hiện tăng lương cơ sở cho đội ngũ công chức cần tiếp tục nghiên cứu, sớm triển khai các cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc biệt về lương, thưởng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đối với cán bộ có kiến thức chuyên môn, năng lực giỏi để thu hút, giữ chân đội ngũ cán bộ có tâm, có tài phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển và hội nhập của đất nước.

Tiếp tục duy trì, mở rộng chính sách thụ hưởng các gói an sinh xã hội cho các nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức, theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và cụ thể hóa các tiêu chí xác định đối tượng được hưởng trợ cấp, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa các nhóm đối tượng lao động.

Nghiên cứu sửa đổi Luật Việc làm phù hợp với các hình thái việc làm mới, quan hệ lao động mới theo định hướng phát triển và mở rộng qui mô việc làm thỏa đáng, bền vững, gắn với các quy định pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, chú trọng lãnh đạo quy hoạch phát triển các khu vực kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo mô hình cụm liên kết ngành gắn với chuỗi giá trị để vừa khai thác và phát huy lao động tại chỗ; vừa hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng yếu thế, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của tái cấu trúc kinh tế và tác động của dịnh bệnh; vừa thu hút được lao động chất lượng cao để nhanh chóng cải thiện mặt bằng chất lượng lao động, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của doanh nghiệp và đất nước.  

TÂM HUỲNH (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh