Tự hào truyền thống 70 năm ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam

10:10, 10/10/2022

Trong suốt 70 năm hình thành và phát triển (10/10/1952 - 10/10/2022), ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam đã phát huy vai trò, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trở thành một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

(VLO) Trong suốt 70 năm hình thành và phát triển (10/10/1952 - 10/10/2022), ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam đã phát huy vai trò, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trở thành một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Phát huy truyền thống vẻ vang, ngành xuất bản, in và phát hành đang có bước chuyển mình mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số, phát triển bền vững.

Nhân dịp này, phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Hoàng Thành - Phó Giám đốc Sở Thông tin - TT tỉnh Vĩnh Long (ảnh).

 

* Thưa ông, xin ông đánh giá về những đóng góp của ngành xuất bản, in và phát hành sách trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà?

- Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, bước vào thời kỳ hiện đại, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, ngành xuất bản, in và phát hành đã không ngừng lớn mạnh và có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nói chung, tỉnh nhà
nói riêng.

Lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh về quy mô và số lượng, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm được nâng cao, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng tốt nhu cầu đọc của nhân dân trong tỉnh.

Theo đó, những năm qua, hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh từng bước ổn định và đi vào nề nếp, góp phần nâng cao nhận thức, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

* Với sự phát triển của công nghệ số, công tác xuất bản và phát hành đã thay đổi ra sao tại Vĩnh Long, thưa ông?

- Nắm bắt thời đại công nghệ số, sớm thích ứng, chuyển đổi hình thức kinh doanh, công tác xuất bản - phát hành tại Vĩnh Long đã có nhiều thay đổi trong những năm gần đây.

Đối với công tác xuất bản, công tác xuất bản bản tin và tài liệu không kinh doanh được Sở Thông tin - TT thực hiện thông qua việc cấp phép xuất bản cho các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh.

Quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ hiện nay đều được thực hiện trực tuyến, đặc biệt là các bản thảo xin xuất bản được thẩm định dưới dạng file điện tử thay vì in ra như trước đây.

Song song đó, đối với lĩnh vực phát hành, nhiều doanh nghiệp phát hành sách cũng mở những hình thức kinh doanh mới như mua bán sách trực tuyến qua mạng internet, ứng dụng công nghệ phát triển thương mại điện tử... giúp có được kết quả kinh doanh khá tốt từ thương mại điện tử.

* Xin ông nói rõ hơn về ý nghĩa của việc cấp phép xuất bản đã được xây dựng, thực hiện qua dịch vụ công mức độ 4?

- Hiện nay 100% các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh khi xin phép xuất bản đều thực hiện qua dịch vụ công mức độ 4. Theo đó, cơ quan và tổ chức có thể nộp hồ sơ xin cấp phép xuất bản ở mọi nơi, mọi lúc chỉ cần có kết nối internet.

Sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các cơ quan, tổ chức; đặc biệt là tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà; tăng tính công khai, minh mạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính… góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.

* Chuyển đổi số là “chìa khóa” tạo bước tiến mạnh, đem lại thời cơ lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động xuất bản, in và phát hành sách. Để chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, in và phát hành sách đạt hiệu quả hơn, cần phải làm gì trong thời gian tới, thưa ông?

- Việc chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, in và phát hành sách và khai thác hiệu quả thị trường này cần sự chung tay của nhiều ngành, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức và hành động về chuyển đổi số.

Trong thời gian tới, cần thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động toàn ngành về các nội dung chuyển đổi, nhu cầu và lợi ích của chuyển đổi số trong ngành; buộc phải quan tâm nhiều hơn nữa đến xuất bản phẩm điện tử.

Tăng cường ứng dụng công nghệ trong quy trình xuất bản, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát hành trên các nền tảng thương mại điện tử, phát hành xuất bản phẩm điện tử, sách nói..., nhằm tạo nên một thị trường xuất bản mở, giúp đa dạng hóa các loại hình xuất bản phẩm.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm của công tác quản lý liên kết xuất bản; mở rộng phát triển thị trường in, phát hành; đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, để có thể ngăn chặn tình trạng in lậu, phát hành sách lậu trong thời gian tới.

Rà soát, đánh giá các quy định pháp luật hiện hành, bao gồm cả Luật Xuất bản, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản pháp luật khác có liên quan; từ đó, phân tích làm rõ những bất cập, những hạn chế sự thiếu đồng bộ các quy định trong các văn bản pháp luật.

* Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!

TUYẾT NGA - TẤN ANH (Thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh