Các đô thị ĐBSCL sẽ còn ngập nặng?

09:10, 27/10/2022

Giữa tháng 10, nhiều đô thị tại ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long ngập rất nặng. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn? ThS Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL lý giải vấn đề trên.

Giữa tháng 10, nhiều đô thị tại ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long ngập rất nặng. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn? ThS Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL lý giải vấn đề trên.

ThS Nguyễn Hữu Thiện.Ảnh: NVCC
ThS Nguyễn Hữu Thiện.Ảnh: NVCC

Thưa ông, xin ông cho biết vì sao tại Vĩnh Long và ĐBSCL ghi nhận triều cường lịch sử?

Mực nước chúng ta thấy những ngày ngập là tổng của 3 thành phần gồm thủy triều từ Biển Đông vào, nước từ sông Mekong xuống và nước mưa nội vùng. Thủy triều Biển Đông dao động theo ngày, theo tháng và theo năm. Một ngày có nước lớn, nước ròng; một tháng có 2 lần nước rông xung quanh ngày rằm và ngày 30, mỗi lần khoảng 3 ngày. Trong 1 năm, từ khoảng tháng 8, 9, 10, 12, 1, 2 là những tháng có nước rông cao nhất. Tuy nhiên, các đô thị như Vĩnh Long, Cần Thơ chỉ bị rủi ro ngập khoảng tháng 8, 9 bởi vì lúc đó trùng với kỳ nước lũ trên sông Mekong đổ về bắt đầu từ tháng 7, 8 và cao nhất là tháng 9 - 10 dương lịch.

Hai lượng nước này gặp nhau ở vùng giữa đồng bằng làm dâng nước lên; nếu gặp mưa nữa thì nước càng dâng lên làm cho dãy đất từ phía Đông QL1 ra biển như TP Ngã Bảy (Hậu Giang), TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh và TP Mỹ Tho (Tiền Giang)… có thể ngập. Không phải ngập cố định mà ngập khoảng 3 - 4 đợt/năm, mỗi đợt khoảng 3 ngày, mỗi ngày 2 lần vào những giờ nước lớn.

Tổng 3 lượng nước này mỗi năm mỗi khác, tùy vào năm lũ lớn lũ nhỏ, mưa nhiều mưa ít, thủy triều cao hay thấp và khi đỉnh thủy triều gặp đỉnh nước lũ thì mực nước rất cao, nhưng thường là ít khi có sự trùng như vậy. Tình hình ngập sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn là vì mấy lý do: Một là không còn không gian cho nước lan tỏa nữa. Nước từ trên thượng nguồn Mekong đổ về thì ngày trước chúng ta có 2 cánh đồng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, hấp thu mỗi bên là 9,2 tỷ m3, 10 tỷ m3 nước. Còn bây giờ nước sông Mekong về gặp những ô đê bao khép kín để làm lúa vụ ba thì nước không vào được nên ở trong lòng sông đi xuống phía dưới Cần Thơ, Vĩnh Long gây ngập. Nước thủy triều từ biển vào thì tất cả các nhánh sông Cửu Long đều có đê hai bên sông. Ở vùng giữa như Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang đê bao khép kín hiện diện khắp nơi. Hầu hết các sông ngòi ở vùng này, kể cả những sông rạch nhỏ đều có hai con lộ hai bên bờ như hai con đê ngăn nước. Nước chảy trong sông ngòi kênh rạch như chảy trong những chiếc máng xối và dâng cao. Nước không lan tỏa, không phân chia được vào ruộng vườn thì phải tìm nơi khác tức là đô thị và lộ giao thông mà ngập.

Tình trạng ngập nặng này sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới?

Phố ngập thành sông. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Phố ngập thành sông. Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Bối cảnh chung là càng ngày càng gia tăng vì nước biển dâng đều đặn khoảng 3 mm/năm - dù chậm nhưng tích lũy dần. Trong khi đó, đồng bằng đang sụt lún gấp 3 - 4 lần nước biển dâng. Theo nghiên cứu của Trường ĐH Utrecht (Hà Lan), trong 25 năm (1991 - 2016), ĐBSCL đã bị sụt lún 18cm. Còn bây giờ thì tốc độ là 1,1cm, càng về sau càng sụt lún nhanh. Các đô thị càng nặng hơn nên sụt lún càng nhanh hơn. Nguyên nhân chính là do sử dụng nước ngầm nhiều. Sông ngòi mấy chục năm trước vẫn còn bơi lội, sử dụng nước được nhưng bây giờ thì không còn sử dụng được nữa nên chúng ta sử dụng nước ngầm gây ra sụt lún.

Đây là những vấn đề cần giải quyết.

Ông có khuyến cáo gì để giảm thiểu thiệt hại do ngập đô thị trong thời gian tới, thưa ông?

Bên cạnh những giải pháp ứng phó ngắn hạn và giải pháp lâu dài như nói ở trên thì chính quyền, người dân, và doanh nghiệp cũng có thể chủ động giảm thiểu thiệt hại bằng cách tránh các ngày, các giờ nước ngập sâu. Việc dự đoán quy luật ngập các đô thị không quá khó như đã phân tích ở trên. Các đô thị phía đông từ QL1 ra biển như Ngã Bảy, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh ngập khoảng 3 - 4 đợt/năm vào các kỳ nước rông rằm và 30 của tháng 8, 9 âl, mỗi đợt khoảng 3 - 4 ngày, 2 lần/ngày vào những giờ nước lớn. Những năm nào lũ Mekong về nhiều và có mưa dầm thì khả năng ngập sâu hơn.

Vậy giải pháp nào để khắc phục ngập úng ở các đô thị ĐBSCL?

Ngập ở đô thị gây thiệt hại kinh tế- xã hội lớn. Giải pháp thì có giải pháp ứng phó ngắn hạn và giải pháp căn cơ lâu dài. Để ứng phó thì có 2 chuyện có thể làm đó là những đoạn nào xung yếu, ngập thường xuyên, có ảnh hưởng lớn thì có thể nâng cấp. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là nâng cấp đường thì nhà ngập và ngược lại - cuộc đua này không có điểm đến và tất cả đều thua. Thứ 2, có thể nghĩ đến làm đê bao xung quanh để bảo vệ đô thị trong những lúc triều cường nhưng cũng có mặt trái là dễ gây tù đọng, ô nhiễm bên trong và làm tăng ngập bên ngoài đê. Do đó, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn.           

Về lâu dài, có hai chuyện phải làm trên bình diện đồng bằng. Thứ nhất, phải giảm tốc độ sụt lún bằng cách giảm sử dụng nước ngầm. Muốn vậy, phải có nguồn nước thay thế. Theo đó, phải phục hồi sông ngòi để có thể sử dụng nước giống như cách đây 30 năm. Vấn đề là kiểm soát ô nhiễm và bớt những công trình cản trở, để dòng chảy thông thoáng trở lại. Chìa khóa nằm ở nông nghiệp, phải cải cách nền nông nghiệp theo hướng giảm thâm canh, giảm phân bón, thuốc trừ sâu. Thứ hai là tái tạo không gian cho nước lũ và thủy triều lan tỏa. Theo đó, ở thượng nguồn Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười cần giảm bớt lúa vụ 3 để cho lũ có thể tràn đồng cho đất nghỉ ngơi và hấp thu lũ, phù sa, thủy sản.

Rất may tất cả những định hướng này đã có trong Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và quy hoạch tích hợp ĐBSCL mà Chính phủ đã công bố năm nay. Việc thực hiện các chính sách này sẽ tốn thời gian lâu dài và nhiều khó khăn nhưng nếu thực hiện tốt thì các vấn đề sẽ được giải quyết.

Xin cảm ơn ông!

SÔNG HẬU (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh