Bổ sung quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác dầu khí

06:10, 25/10/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 25/10, Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình (tỉnh Vĩnh Long) đã có ý kiến đóng góp trong phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 25/10, Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình (tỉnh Vĩnh Long) đã có ý kiến đóng góp trong phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Đối với nội dung góp ý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), tôi thống nhất với tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như nội dung dự thảo, để góp phần hoàn thiện dự thảo luật.

Đóng góp thêm cho dự thảo luật này, về tên gọi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh tên dự thảo luật thành Luật Khai thác dầu khí. Lý do các nội dung được quy định trong dự thảo luật chủ yếu tập trung vào hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí.

Về đối tượng áp dụng (Điều 2), đề nghị bỏ cụm từ “cá nhân” vì việc quy định đối tượng là cá nhân được tham gia các hoạt động này sẽ không tránh khỏi tình trạng “đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia”, nhất là có thể làm thất thoát tài nguyên quan trọng của đất nước. Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9), đề nghị bổ sung thêm nội dung: Làm giả hồ sơ, tài liệu liên quan đến đấu thầu, thông tin số liệu khai thác dầu khí, điều tra cơ bản…  

Đối với nội dung dự thảo tại Điều 15 quy định hình thức lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định một cách cụ thể, chặt chẽ, tránh lộ lọt thông tin, vấn đề nào công khai, vấn đề nào không công khai…

Nội dung từ Điều 44 – 48, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ: Giữa chức năng của doanh nghiệp và quản lý nhà nước trong hoạt động xăng dầu, theo quy định dự thảo thì cho phép tập đoàn dầu khí vừa hoạt động kinh doanh, vừa tham gia quản lý nhà nước trong hoạt động xăng dầu, vấn đề này liệu có mang tính khách quan, phù hợp hay không.

Về quyền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Điều 61) có quy định: Phê duyệt của Tập đoàn Dầu khí đối với các chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí, tìm kiếm thăm dò dầu khí điều chỉnh, thăm dò dầu khí bổ sung. Phê duyệt điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí…... đề nghị nội dung này nên giao cho Chính phủ phê duyệt.

Điều 65 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí: Đối với nội dung ở khoản 2 đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định nội dung này thành một chương riêng về công tác kiểm tra, thanh tra, khen thưởng và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xăng dầu để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Ngoài ra, đề nghị cơ quan soạn thảo cần có quy định mức sàn về khoa học công nghệ để sàng lọc những nhà thầu với kỹ thuật cũ trong khai thác dầu khí để hạn chế những nguy cơ về môi trường và lãng phí tài nguyên của đất nước; nghiên cứu bổ sung quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác dầu khí, quy định về an ninh quốc gia, an ninh năng lượng của đất nước để phòng khi có khủng hoảng về kinh tế hoặc có chiến tranh thì sử dụng như thế nào cho phù hợp.

Ngoài ra, trong dự thảo luật dầu khí chỉ nói đến phần dầu còn về phần khí chưa được đề cập, thực tế khi khai thác dầu khí thì có cả phần dầu và cả phần khí cũng như các sản phẩm khác từ dầu khí, vì vậy nên bổ sung thêm nội dung này vào dự thảo để tạo cơ sở pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện sau này.

TÂM HUỲNH (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh